Một giảng viên bị kỷ luật, không được phân công giảng dạy từ tháng 5.2018 vì chấm sai điểm hàng trăm bài thi của sinh viên trong một học kỳ...
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nơi xảy ra vụ việc giảng viên chấm sai điểm hàng trăm bài thi của sinh viên
Đó là trường hợp của ông N.T.T., hiện là giảng viên ở bộ môn toán kinh tế thuộc khoa toán - thống kê Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Hầu hết bài thi thay đổi điểm
Học kỳ đầu năm học 2017-2018, ông T. được bộ môn toán cơ bản phân công giảng dạy môn toán dành cho kinh tế và quản trị ở 6 lớp, trong đó có 4 lớp chương trình đại trà, 2 lớp chương trình chất lượng cao.
Đầu năm 2018, ông T. nộp bảng điểm thi của môn học này cho phòng kế hoạch đào tạo - khảo thí, phòng này chuyển cho phòng đào tạo để nhập điểm và công bố cho sinh viên. Tuy nhiên, sau đó ông T. lên phòng đào tạo lấy lại bảng điểm để điều chỉnh rồi chuyển lại cho phòng đào tạo để cập nhật bảng điểm mới.
Như vậy có hai bảng điểm được lưu trữ ở hai phòng khác nhau với điểm số khác nhau. Tháng 3-2018, hàng chục sinh viên đã làm đơn phúc khảo tập thể đối với điểm thi môn này.
Từ đơn đề nghị phúc khảo tập thể này, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã thành lập tổ chấm thẩm định lại 456 bài thi. Qua đó, hầu hết bài thi chấm lại đều có điểm thay đổi so với điểm công bố trước đó, bài được tăng điểm nhiều nhất là 2,5 điểm.
Ngoài sai sót trong chấm điểm hàng trăm bài thi, ông T. cũng bị phản ảnh giảng dạy ngoài kế hoạch. Thời lượng giảng dạy theo kế hoạch là 9 buổi nhưng ông T. dạy 18 buổi khiến một số sinh viên không theo học được, ảnh hưởng đến kết quả.
Theo tường trình của ông T., do áp lực của việc bàn giao điểm theo quy định, thời điểm đầu năm 2018 do có nhiều chuyện gia đình nên ông đã không kịp kiểm tra lại bảng điểm của bốn lớp đại trà khi nộp cho phòng khảo thí. Sau khi rà soát phát hiện có sai sót, ông T. đến phòng đào tạo xin lại bảng điểm để cập nhật lại điểm mới.
Cũng theo ông T., do không nắm được quy trình (ông T. đã làm việc tại trường gần 10 năm), không biết phòng khảo thí lưu bảng điểm nên chỉ xin bảng điểm từ phòng đào tạo để điều chỉnh. Điều này khiến có hai bảng điểm khác nhau.
Liên quan đến vấn đề điểm thi, phòng đào tạo cũng đã nhận trách nhiệm vì đã cho ông T. mượn lại bảng điểm và cập nhật điểm mới. Đối với sinh viên, phòng đào tạo đưa ra giải pháp sinh viên nhận điểm thẩm định hoặc học lại, thi lại nhưng được miễn học phí.
Phải theo dõi thêm
TS Nguyễn Quốc Khanh - trưởng phòng nhân sự Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết cuối tháng 4-2019, gần hết thời gian kỷ luật với ông T., phòng nhân sự có gửi thông báo cho khoa tiến hành họp toàn thể viên chức để đánh giá ông T. trong thời gian kỷ luật. Khoa đồng ý xóa kỷ luật và phòng nhân sự có tờ trình trình hiệu trưởng về việc xóa kỷ luật ông T. và bố trí giảng dạy.
"Toàn bộ quá trình kỷ luật, xóa kỷ luật đều thực hiện đúng quy trình kỷ luật viên chức và làm nghiêm túc. Thời gian bị kỷ luật, khoa đánh giá ông T. có sự phấn đấu và nghiêm túc" - ông Khanh cho biết.
Tuy nhiên, khi trường có quyết định phân công ông T. giảng dạy trở lại, tháng 7-2019, một số giảng viên bộ môn toán cơ bản thuộc khoa toán - thống kê đã có đơn kiến nghị gửi trường và khoa, trong đó nêu không an tâm khi ông T. tiếp tục giảng dạy môn toán dành cho kinh tế và quản trị khi có nhiều thông tin không tốt và đề nghị không phân công ông T. giảng dạy môn này.
Ông T. bị bộ môn toán cơ bản từ chối tiếp nhận trở lại. Sau kiến nghị này, ông T. đã làm đơn xin chuyển công tác sang bộ môn toán tài chính của khoa này và được chấp thuận.
Ông Khanh cho biết ông T. học thạc sĩ giải tích, văn bằng hai ĐH ngành tài chính doanh nghiệp nên có thể giảng dạy được môn toán tài chính. Tuy ông T. được điều chuyển về bộ môn toán tài chính nhưng hiệu trưởng yêu cầu khoa phải tiếp tục theo dõi để có đánh giá thêm về những thay đổi của ông T.
Ông T. chưa được giảng dạy ngay mà phải có thời gian dự giờ, soạn bài, giảng thử để xem có đủ chuyên môn đứng lớp hay không.
Thang điểm... 12 Điều lạ lùng là ông T. tự đặt ra thang điểm 12 để chấm bài thi trong khi quy định của bộ môn là thang điểm 10. Lý giải về điều này, ông T. khẳng định mình chấm công tâm, việc mở rộng thang điểm nhằm mục đích đem lại quyền lợi cao nhất cho sinh viên! Điều này khiến cho thang điểm bị lệch so với các lớp khác. Cụ thể, điểm thi quy định phần trắc nghiệm 7 điểm, tự luận 3 điểm nhưng ông T. đã tự ý đảo ngược thang điểm trắc nghiệm 3, tự luận 7. Sau khi sinh viên phản ảnh, ông T. đã tự điều chỉnh thang điểm trắc nghiệm 7, tự luận 5 dẫn đến thang điểm 12, trái với quy định của bộ môn. Với phản ảnh nhờ sinh viên chấm bài, ông T. cho biết mình có nhờ sinh viên cộng điểm quá trình và điểm thi học kỳ để có điểm thi cuối cùng khiến người khác hiểu lầm, chứ không có việc để sinh viên chấm bài thi của sinh viên. |
Theo Tuổi trẻ