Gian nan chống “cát tặc” ở Nguyên Giáp

05/04/2017 07:38

Người dân mất đất canh tác, sự an toàn của tuyến đê tả sông Luộc bị đe dọa nghiêm trọng. Đó là những hệ quả mà “cát tặc” đã gây ra tại xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ).



“Cát tặc” đã làm thiệt hại 10 ha đất sản xuất của nông dân xã Nguyên Giáp, khiến bờ vùng sạt lở nghiêm trọng


Mất 10 ha đất bãi

Khu vực bãi ngoài đê sông Luộc thuộc thôn An Thổ vốn là dải đất rộng lớn và màu mỡ, giúp nông dân địa phương “ăn nên làm ra” nhờ việc thâm canh các loại rau màu có giá trị cao như ớt, dưa hấu. Tuy nhiên, giờ đây khu vực này đã bị thu hẹp, xói mòn, sạt lở nham nhở do “cát tặc” gây nên. Nhà anh Vũ Văn Chin có 1,2 sào đất bãi ngoài đê sông Luộc nhưng hiện chỉ còn lại chưa đầy 3 thước. “Xót xa lắm. Trước đây còn đất, mỗi năm nhà tôi trồng 3 vụ rau màu, thu lãi 25 - 30 triệu đồng. Giờ thì mất hết rồi còn đâu”, anh Chin buồn bã nói.

Theo UBND xã Nguyên Giáp, đến nay, “cát tặc” đã làm mất khoảng 10 ha đất bãi ngoài đê sông Luộc. Toàn xã hiện chỉ còn khoảng 20 ha thuộc địa bàn 3 thôn An Thổ, An Quý và Quý Cao. Riêng diện tích thuộc thôn An Thổ do đã bị xói mòn nghiêm trọng nên UBND xã không tiếp tục giao thầu mà để người dân tự do sản xuất nhằm mục đích giữ đất.

Không chỉ làm mất đất canh tác của nông dân, “cát tặc” còn đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của tuyến đê tả sông Luộc. Hiện có điểm sạt lở chỉ còn cách chân đê 3 - 5 m.

Thủ đoạn của “cát tặc”

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp cho biết thời gian qua, mặc dù địa phương cùng lực lượng chức năng của tỉnh và huyện thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên sông Luộc nhưng “cát tặc” vẫn lén lút hoạt động vào ban đêm hoặc giữa trưa, gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện, bắt giữ, xử lý. Đầu năm 2016, UBND xã đã xây chòi canh “cát tặc” trên đê sông Luộc đoạn qua thôn An Thổ. Đồng thời, giao cho Công an xã và tổ bảo vệ các thôn cắt cử người trông coi. Tuy nhiên “cát tặc” đã dùng nhiều thủ đoạn hòng trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. “Đoạn đường từ trong làng ra đến đê sông Luộc khá xa, phải đi qua cánh đồng. Lợi dụng điều này, “cát tặc” bố trí người cảnh giới từ xa. Mỗi khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng là chúng gọi điện thông báo cho nhau. Khi chúng tôi ra đến nơi thì “cát tặc” đã nhổ neo chạy sang phía bờ bên kia”, ông Kiên nói.

Để hạn chế sự phát hiện của lực lượng an ninh, “cát tặc” đã đưa các đầu máy nổ từ trên boong xuống dưới hầm tầu, lắp thêm thiết bị giảm thanh và không thắp điện chiếu sáng trên tầu mỗi khi hút cát. Các ống cao su, chõ hút dùng để khai thác cát cũng được tời hoàn thành bằng máy thay vì sử dụng sức người như trước kia. Do vậy, mỗi khi thấy có động là “cát tặc” rút lui rất nhanh.

Một người dân địa phương cho biết có lần phát hiện “cát tặc” đang hoạt động nên báo cho chính quyền địa phương. “Cát tặc” biết được đã gọi điện dọa nạt bằng số lạ. Thậm chí, chúng còn không ngần ngại gọi điện hoặc gửi tin nhắn cho công an viên để dọa dẫm.

Được biết, các tầu “cát tặc” hoạt động ở xã Nguyên Giáp chủ yếu do người bên TP Hải Phòng làm chủ. Gần đây có thêm một số chủ tầu là người địa phương và xã lân cận. Tuy không hoạt động rầm rộ như cách đây vài năm nhưng “cát tặc” vẫn đang hút cát lén lút và gây ra những hậu quả không nhỏ.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan chống “cát tặc” ở Nguyên Giáp