Giảm thiểu cú sốc khủng hoảng việc làm cho người lao động

17/05/2021 20:35

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần thực hiện những giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thế giới, tác động tiêu cực trực tiếp tới kinh tế và cuộc sống người lao động. Tại Việt Nam, quý đầu năm 2021 xuất hiện những chỉ số rất đáng lưu ý, qua đó cho thấy những khó khăn do đại dịch mang lại vẫn đeo bám doanh nghiệp (DN).

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh- trao quà cho lao động ở trọ, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng Covid-19

Gần 70% lao động bị giảm thu nhập

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong năm 2020 và đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 xuất hiện, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, đã tác động trực tiếp đến tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.

Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, việc làm cho thấy trong quý I năm nay có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng dịch, 540.000 người mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, có 6,5 triệu người bị giảm thu nhập.

Báo cáo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến DN Việt Nam của Ngân hàng thế giới và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3-2021, cho thấy có tới 35% DN tư nhân và 22% DN vốn đầu tư nước ngoài đã phải cho người lao động nghỉ việc.

Theo số liệu của Cục đăng ký kinh doanh, số DN thành lập mới trong quý I năm 2021 là 29.300 DN, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng DN rút lui khỏi thị trường là 40.323 DN, còn lớn hơn số DN mới được thành lập.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho biết lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, chúng ta quan sát thấy hiện tượng số lượng DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN tham gia thị trường. Theo vị chuyên gia này, quy luật thị trường có "sinh" có "tử" và hiện tượng rút lui khỏi thị trường là bình thường, song rút lui ở mức độ quy mô lớn trong một kỳ quan sát như vậy là điều rất đáng lo ngại. "Có thể thấy, môi trường kinh doanh còn quá khó khăn, những tác động của Covid-19 là vô cùng lớn"- chuyên gia Lê Duy Bình, nhận định.

Không tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Ông Phạm Hoài Nam nhận định những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý 1 năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hỗ trợ, phục hồi DN là hướng đi, giải pháp bền vững nhất để giải quyết tình trạng thất nghiệp của người lao động. Trong đó, theo nhiều DN, việc ổn định môi trường chính sách, không tăng hay ban hành thuế phí mới là điều quan trọng bên cạnh việc tung ra các gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí.

Bởi lẽ, chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này. Đồng thời, thuế tăng cũng ảnh hưởng đến sức mua và doanh thu của các DN, kéo theo đó DN sẽ phải cắt giảm nhân lực để bù lỗ, gây hiện tượng thất nghiệp cao.


Lãnh đạo Tổng Liên đoàn và Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam thăm, động viên cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều

Không tăng thuế cũng là quan điểm của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên khi nói về việc hỗ trợ DN. Ông Trần Đình Thiên nhận định ngoài những gói hỗ trợ DN ra, thì việc ổn định môi trường chính sách trong thời điểm này là yêu cầu bắt buộc để DN tiên liệu được."Không tăng thuế, không ban hành thêm những sắc thuế mới là rất quan trọng để không làm tăng thêm gánh nặng cho các DN"- ông Thiên nhấn mạnh.

Thực tế cũng cho thấy, những giải pháp hỗ trợ về thuế cũng được cộng đồng DN đánh giá là quan trọng và cần thiết nhất. Cụ thể, theo báo cáo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam, chính sách gia hạn về thuế được đánh giá là dễ tiếp cận nhất. Ngược lại, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là khó tiếp cận nhất. "Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục ban hành các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 - 2025.

Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn"- ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Tthương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết và khẳng định chính sách về thuế vẫn là đề xuất quan trọng nhất được các DN mong muốn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ.

Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho rằng trong tình hình hiện tại, DN nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc. Nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội.

"Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Chẳng hạn như việc đổi ca hàng ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội. Đây là cách thức chia sẻ công việc trong thời kỳ khó khăn. Điều này cũng sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm"- ông Chang-Hee Lee nói.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu cú sốc khủng hoảng việc làm cho người lao động