Vào tháng 8 dương lịch, thời tiết ở miền Bắc nước ta thường hay có mưa giông, bão lũ xảy ra liên tiếp.
Thời điểm này lúa mùa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng, lá lúa thường tích lũy đạm lớn nên rất mẫn cảm với vi khuẩn gây bạc lá. Mưa lớn, bão giông làm lá lúa va quệt vào nhau tạo thành các vết xước và là "cửa ngõ" để vi khuẩn xâm nhập, nhất là các giống lúa có bản lá to, dày, không mang gen kháng như: Q5, nếp các loại, BC15, Bắc thơm…Nông dân khi thâm canh lúa mùa cần lưu ý và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu tỷ lệ bệnh vi khuẩn bạc lá. Vì nếu để vi khuẩn xâm nhập vào cây lúa sẽ khó lòng chữa trị, bệnh lây lan rất nhanh làm lúa cháy rụi chỉ sau 3-5 ngày. Các biện pháp cần tác động bao gồm:
- Lựa chọn các giống lúa ít có khả năng nhiễm bệnh: Các giống lúa cải tiến hiện nay có thân lá cứng, gọn khóm, lá lúa nhỏ, dài không xanh đậm hay các giống lúa chất lượng mang gen kháng bệnh bạc lá (Bắc thơm số 7 kháng bạc lá) cần được ưu tiên phát triển ở vụ mùa. Mặt khác, các giống lúa có thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn cũng cần được lựa chọn cho các chân ruộng vàn và vàn cao, nhất là các ruộng trồng cây vụ đông. Lúa có TGST ngắn nên trổ bông sớm, nhiều vụ thường thoát được bão mưa nên lúa không bị nhiễm bệnh bạc lá hay gẫy đổ.
- Bố trí thời vụ thích hợp: Vụ mùa không nên gieo cấy muộn và cần ưu tiên phát triển nhiều ở trà mùa sớm. Muốn vậy cần thu chiêm, làm mùa một cách khẩn trương nhất để kịp thời vụ.
- Bón phân cân đối: Lúa bị thừa đạm ở giai đoạn giữa vụ rất dễ bị nhiễm bệnh bạc lá. Do đó khi thâm canh nông dân cần bón phân sao cho tỷ lệ đạm và kali được cân đối tránh để lúa thừa đạm. Nên ưu tiên sử dụng phân bón tổng hợp để bón lót và thúc đẻ nhánh cho lúa. Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng cần sử dụng phân đơn phối trộn với tỷ lệ thích hợp (nhìn cây mà bón). Cần bón kali cao cho lúa cao sản, giống lúa thường hay bị nhiễm bạc lá, các chân ruộng trũng bùn hẩu…Thậm chí còn phải bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng trung vi lượng giàu Ca, Si, Cu, Zn…để lúa có sức đề kháng tốt, năng suất, chất lượng cao.
- Điều tiết nước hợp lý: Mưa lớn hay xảy ra giữa vụ mùa nên nhiều giống lúa có nguy cơ tốt lốp. Nông dân cần áp dụng tốt chế độ nước tưới cho lúa để ngăn cho lúa không đẻ về sau. Cụ thể là tháo cạn nước ruộng, thậm chí là để nứt nẻ nếu lúa tốt lốp. Làm được vậy thân lá lúa sẽ cứng chắc, hạn chế bạc lá khi gặp mưa bão, rễ lúa bầm sâu hơn sẽ chống đổ tốt cuối vụ.
* Lưu ý: Ngoài các biện pháp tác động kỹ thuật như trên, nông dân cần kiểm tra, thăm đồng thường xuyên, theo dõi các chương trình dự báo thời tiết, nhất là thời điểm xung yếu với bệnh bạc lá lúa để phun thuốc hóa học phòng bệnh kịp thời, đặc biệt trên giống lúa nhiễm. Các thuốc có thể phun phòng bệnh bạc lá lúa vi khuẩn là các thuốc có các hoạt chất kháng sinh như: Steptomycin, Saikuzo, Bismethia, Tetramycin...
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)