Việc giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử chắc chắn sẽ tạo thêm động lực để các đại biểu HĐND hoạt động tích cực hơn...
Các đại biểu HĐND nên tiến hành kiểm điểm theo tổ đại biểu. Ảnh: Mai Anh
Trong quá trình vận động bầu cử, tất cả các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đều chuẩn bị cho mình một bản chương trình hành động khá công phu, trong đó có những lời hứa với cử tri sẽ thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ mà họ tự đặt ra nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND. Sau khi đã trúng cử các đại biểu thực hiện những lời hứa đó thế nào? Ai giám sát, kiểm tra, đánh giá việc đại biểu thực hiện chương trình hành động của mình lúc vận động tranh cử? Kiểm tra, đánh giá theo cơ chế nào, phương thức thực hiện ra sao?... Hầu như các câu hỏi đó còn bỏ ngỏ. Mặc dù theo luật định kỳ đại biểu phải báo cáo với cử tri kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình nhưng trên thực tế còn nhiều nơi chưa làm được. Đây quả là vấn đề đáng suy nghĩ.
Cán bộ, công chức cuối mỗi năm phải tự kiểm điểm và lấy ý kiến nhận xét đánh giá của cơ quan, đơn vị. Theo tôi, các đại biểu dân cử cũng cần phải thực hiện cơ chế kiểm điểm kết quả công tác hằng năm. Việc này nên thực hiện vào dịp trước kỳ họp cuối năm của HĐND. Khác với cán bộ, công chức, đại biểu dân cử tập trung kiểm điểm về kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu trong hoạt động của HĐND, ví dụ như kết quả việc tham gia hoạt động kỳ họp ra sao, phát biểu thảo luận, tranh luận thế nào, chất vấn ai, chất vấn nội dung gì, giám sát ra sao, tiếp bao nhiêu lượt công dân, đôn đốc giải quyết bao nhiêu đơn thư… Trong đó nhấn mạnh kết quả thực hiện chương trình hành động, thực hiện lời hứa khi vận động bầu cử. Nên lấy đơn vị là tổ đại biểu để tiến hành việc kiểm điểm. Các vị là lãnh đạo Thường trực HĐND, lãnh đạo và thành viên các Ban HĐND cũng tiến hành kiểm điểm theo đơn vị tổ đại biểu. Tham dự cuộc họp kiểm điểm này có đại diện Ủy ban MTTQ cấp hiệp thương giới thiệu đại biểu và đại diện Ủy ban MTTQ nơi đại biểu được bầu. Các đại biểu trình bày bản tự kiểm điểm, các đại biểu khác tham gia đóng góp ý kiến. Có nhận xét, đánh giá của tổ đại biểu. Cũng phải quy định các mức độ để đánh giá, xếp loại đại biểu. Với quy mô tổ đại biểu hiện nay ở các địa phương thường khoảng 4-5 người thì việc kiểm điểm, đánh giá, nhận xét và phân loại đại biểu sẽ không mất quá nhiều thời gian.
Ở đây rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với Ủy ban MTTQ cùng cấp. Trong Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan này cần bổ sung nội dung về phối hợp để giám sát đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử nói chung, thực hiện chương trình hành động và lời hứa với cử tri nói riêng.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri cuối năm của tổ đại biểu, cần dành thời gian để các đại biểu trình bày vắn tắt trước cử tri bản tự kiểm điểm của mình. Tổ trưởng báo cáo với cử tri nhận xét của tổ đối với đại biểu đó. Làm như vậy chúng ta “một công đôi việc”, vừa tạo cơ hội cho đại biểu HĐND được báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu với cử tri theo luật định, vừa tạo điều kiện để cử tri giám sát đại biểu của mình. Quan trọng hơn là khi đã báo cáo với cử tri một cách công khai, minh bạch như vậy thì việc kiểm điểm của đại biểu cũng như việc nhận xét, xếp loại đại biểu của tổ không thể qua loa đại khái được.
Nhân đây chúng tôi kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền cần tái lập tổ đại biểu HĐND cấp xã. Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định thành lập tổ đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn. Thực tế hoạt động của HĐND cấp xã rất cần tổ đại biểu, nhất là trong hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri. Nếu chưa thể sửa được luật ngay thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên quy định việc thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã trong Quy chế hoạt động của HĐND các cấp.
Đối với các đại biểu HĐND là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì bản tự kiểm điểm và kết quả đánh giá, nhận xét, xếp loại đại biểu phải được lưu trong hồ sơ cán bộ để cơ quan quản lý cán bộ nắm được và phải được coi là thông tin quan trọng trong việc đánh giá cán bộ, công chức.
Kết quả đánh giá xếp loại đại biểu phải được báo cáo trước kỳ họp HĐND. Thường trực HĐND trên cơ sở đánh giá xếp loại đại biểu của các tổ tổng hợp thành một báo cáo để trình bày công khai trước kỳ họp HĐND cấp mình để tập thể đại biểu giám sát và công khai trước toàn thể cử tri địa phương mình.
Đối với những đại biểu thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, HĐND thì khi tiếp xúc cử tri phải thông báo công khai với cử tri kết quả lấy phiếu.
Một vấn đề khác là cần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống cơ quan dân cử. Bổ sung vào Luật Thi đua, khen thưởng hình thức khen thưởng của cơ quan HĐND các cấp đối với các đại biểu của mình hằng năm hoặc khi kết thúc nhiệm kỳ. Đại biểu thực hiện xuất sắc nhiệm vụ phải được biểu dương khen thưởng. Cần nghiên cứu khắc phục bất cập hiện nay trong công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu HĐND.
Cuối cùng, để việc giám sát đại biểu HĐND thực hiện chương trình hành động, thực hiện lời hứa trước cử tri khi vận động tranh cử và hoạt động kiểm điểm, đánh giá, nhận xét, xếp loại đại biểu HĐND các cấp như đề xuất ở trên có hiệu quả, thực chất và đi vào nền nếp, rất cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng các địa phương. Ban Chấp hành hoặc Thường vụ cấp ủy có thể ban hành một nghị quyết chuyên đề về nội dung này để lãnh đạo, chỉ đạo.
Tiến hành kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử, kiểm điểm kết quả thực hiện chương trình hành động và tạo điều kiện để cử tri giám sát gắn với việc khen thưởng, động viên hoặc phê bình kịp thời chắc chắn sẽ tạo thêm động lực để các đại biểu HĐND hoạt động tích cực hơn, trách nhiệm đại biểu dân cử sẽ được tăng cường hơn và hình ảnh người đại biểu trong con mắt cử tri sẽ tốt đẹp hơn.
HOÀNG VĂN BẢO, nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh