Giám sát chặt chẽ việc giải quyết kiến nghị của cử tri

05/10/2017 05:52

Giám sát việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri phải được tiến hành thường xuyên...



Việc giám sát cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri cần được tiến hành thường xuyên.
 Trong ảnh: Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiểm tra bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Ái Quốc (TP Hải Dương)


Có một thực tế đáng suy nghĩ là lâu nay ở nhiều địa phương là qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, có những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết thấu đáo, gây bức xúc trong nhân dân, thậm chí có nơi biến thành điểm nóng. Nguyên nhân một mặt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thực sự quan tâm giải quyết triệt để, kịp thời những vấn đề cử tri kiến nghị. Mặt khác do chưa có văn bản pháp luật quy định nên cơ quan dân cử ở địa phương còn lúng túng, chưa thật sự quyết liệt vào cuộc để giám sát, theo dõi, đôn đốc.

Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm2015 có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016 thì Thường trực HĐND các cấp có trách nhiệm tổ chức giám sát các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri và báo cáo kết quả giám sát với HĐND. Mặc dù quy trình thủ tục đối với hoạt động giám sát này đã được quy định tương đối đầy đủ tại điều 74 nhưng đây là vấn đề còn mới mẻ, HĐND các cấp triển khai thực hiện ra sao để có hiệu quả cao là điều đáng bàn. Tôi xin được góp một vài ý kiến.

Trước hết, tôi cho rằng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri phải diễn ra thường xuyên nhưng Thường trực HĐND, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện mỗi năm chí ít cũng phải tổ chức được một phiên họp chuyên đề của Thường trực để thực hiện hoạt động giám sát này. Phiên họp có thể tổ chức định kỳ trước kỳ họp cuối năm của HĐND. Thành phần tham dự phiên họp giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri ngoài các ủy viên Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND cần sự có mặt của đại diện Ủy ban MTTQ cùng cấp, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, nhất là các lĩnh vực có nhiều kiến nghị của cử tri và tổ trưởng tổ đại biểu nơi có nhiều cử tri kiến nghị. Nơi nào có điều kiện thì có thể mời một số cử tri có kiến nghị cùng tham dự.

Để chuẩn bị phiên họp giám sát, Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp chỉ đạo Văn phòng HĐND, Văn phòng Ủy ban MTTQ tổng hợp tất cả các kiến nghị của cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp mình và thông qua kênh của MTTQ cùng cấp. Kiến nghị được tập hợp theo ngành, lĩnh vực để xác định rõ cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Văn bản này được gửi tới UBND cùng cấp. UBND chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị đó. Báo cáo của UBND về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri phải ngắn gọn, cụ thể, đi thẳng vào kết quả giải quyết các kiến nghị, không diễn giải dài dòng. Đối với những kiến nghị chưa được giải quyết, phải giải trình rõ nguyên nhân và dự kiến thời hạn khắc phục.

Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của UBND phải được ban của HĐND thẩm tra. Báo cáo này chắc chắn sẽ liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Theo tôi, Thường trực HĐND nên phân công Ban Pháp chế chủ trì thẩm tra văn bản này, các ban khác có trách nhiệm phối hợp. Báo cáo thẩm tra ngoài việc đánh giá các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri ra sao, cần phải đánh giá phản hồi của nhân dân về kết quả giải quyết các kiến nghị đó như thế nào; kết quả giải quyết đã thỏa đáng chưa, đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý không; cử tri có đồng tình với kết quả giải quyết đó không.

Sau phiên họp giám sát, Thường trực HĐND chỉ đạo văn phòng xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Báo cáo này sẽ là tài liệu chính thức trình kỳ họp HĐND. Như vậy, tại các kỳ họp HĐND, thay vì UBND đọc báo cáo trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri như trước đây, Thường trực HĐND sẽ trình bày báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện trong năm. Đại biểu HĐND khi đi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp sử dụng các báo cáo này để thông báo với cử tri về tình hình và kết quả các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri. Làm như vậy sẽ tạo ra sự liên hệ qua lại và phản hồi tích cực giữa cử tri với cơ quan nhà nước, góp phần làm giảm tính hình thức của hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND.

Cuối cùng, việc HĐND có ra nghị quyết về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri hay không cũng cần xem xét cân nhắc kỹ. Cũng như các hoạt động giám sát khác, HĐND khi cần thiết có thể ra nghị quyết. Trong trường hợp này, thế nào là “cần thiết” cũng nên được định rõ. Theo tôi, nếu có trên 50% kiến nghị của cử tri chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời gian hạn định hoặc những kiến nghị có liên quan đến những vấn đề nóng, bức xúc của địa phương mà chậm được giải quyết thì HĐND sẽ ra nghị quyết. Việc này phải được người chủ trì phiên họp giám sát kết luận, Thường trực HĐND biểu quyết, nếu tán thành thì giao cho văn phòng HĐND xây dựng dự thảo nghị quyết về giải quyết kiến nghị của cử tri trình ra kỳ họp để HĐND xem xét, quyết định.

Như trên đã nói, giám sát việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri phải được tiến hành thường xuyên chứ không thể chờ đến khi Thường trực HĐND tổ chức phiên họp giám sát, không phải hằng năm chỉ giám sát một lần vào trước kỳ họp HĐND. Nếu Thường trực HĐND tổ chức được phiên giám sát này một cách đều đặn, định kỳ và nghiêm túc chắc chắn sẽ buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực thi tốt hơn trách nhiệm của mình trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời, thấu đáo các kiến nghị của nhân dân vừa là trách nhiệm, là nghĩa vụ của chính quyền các cấp, vừa thể hiện sự trọng dân của chính quyền, tạo ra sự gắn bó liên hệ mật thiết, phản hồi tích cực giữa người dân với chính quyền.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực thi hành mới hơn một năm. Cơ quan dân cử các địa phương đang tích cực vận dụng các quy định của luật vào hoạt động giám sát của mình. Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ các cấp cần bổ sung vào Quy chế phối hợp hoạt động của mình nội dung giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri để nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của HĐND, giúp tăng cường lòng tin của nhân dân với cơ quan nhà nước ở địa phương.

HOÀNG VĂN BẢO Nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương


(0) Bình luận
Giám sát chặt chẽ việc giải quyết kiến nghị của cử tri