Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, khu vực cách ly... để đối phó với dịch sốt xuất huyết (SXH).
Tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh, phối hợp cùng ngành y tế theo dõi thân nhân đi từ vùng dịch về địa phương.
Giám sát tất cả người sống và đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành bệnh SXH Dengue trong vòng 14 ngày, nếu sốt cao đột ngột và liên tục từ 2 - 7 ngày, nhức đầu, chán ăn, nôn, da xung huyết, phát ban, vật vã, ly bì... Căn cứ chỉ số véc tơ truyền bệnh SXH sẽ chủ động chỉ đạo phun hóa chất diệt muỗi. Huy động các thành phần xã hội, ban, ngành, đoàn thể, nhà trường phối hợp cùng ngành y tế tham gia dọn vệ sinh môi trường. Các bệnh viện sẵn sàng đội cấp cứu hỗ trợ tuyến dưới, chuẩn bị các phương án thu dung, phân tuyến điều trị, tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
* Sáng 10.8, Trung tâm Y tế các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách tổ chức tập huấn phòng chống dịch SXH cho cán bộ giám sát của trung tâm, trạm trưởng các trạm y tế cơ sở. Nội dung tập huấn về các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết của bệnh SXH, tăng cường các hoạt động giám sát dịch bệnh, báo cáo kịp thời khi có bệnh nhân nghi ngờ mắc SXH.
* Theo Trạm Y tế xã Thanh Thủy (Thanh Hà), kể từ khi phát hiện bệnh nhân mắc SXH đầu tiên đến nay, trên địa bàn xã không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc hoặc nghi ngờ mắc SXH. Xã đã đủ điều kiện công bố hết dịch SXH.
* Tại phường Thạch Khôi (TP Hải Dương), sau khi có bệnh nhân đầu tiên mắc SXH là anh Nguyễn Hữu Tâm từ Hà Nội về địa phương điều trị đã có thêm bố mẹ anh Tâm và anh Vũ Hữu Chính (hàng xóm) nghi mắc. Ðến nay, anh Chính đã có kết quả dương tính với SXH, 2 trường hợp còn lại vẫn đang chờ kết quả.
* Ðến ngày 10.8, huyện Cẩm Giàng có 4 người, đều là nam giới, có hộ khẩu thường trú tại các xã Cẩm Vũ, Cẩm Văn và Tân Trường phát hiện mắc SXH. Các bệnh nhân đều làm việc, sinh sống và mắc bệnh ở ngoài địa phương. Ðến nay, qua điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh, sức khỏe của 4 bệnh nhân đều ổn định và đã xuất viện.
ĐỨC THÀNH - PV