Hải Dương triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ năm 2008. Hàng trăm trẻ bị phơi nhiễm HIV từ mẹ đã được điều trị tốt, mang lại nhiều cơ hội cho các bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV muốn sinh con.
Nhờ được điều trị dự phòng lây truyền HIV sớm nên chị Nguyễn Thị T. ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) sinh con khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV
Bác sĩ Vũ Tiến Vượng, Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh) cho biết phụ nữ có ý muốn mang thai hoặc đang mang thai cần được chẩn đoán HIV càng sớm càng tốt. Bởi mẹ được điều trị thuốc kháng virus (ARV) sớm, trẻ được uống thuốc điều trị phơi nhiễm ngay sau sinh... thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 5%.
Chị Nguyễn Thị T. ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 2007. Thời gian đầu biết bệnh, chị đã suy sụp, tinh thần khủng hoảng. Sau đó, chị được giới thiệu lên Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh). Được các bác sĩ tư vấn, điều trị tích cực, chị T. quyết định mang thai con thứ hai. Nhờ được can thiệp điều trị dự phòng lây truyền sớm nên con chị sinh ra không bị nhiễm HIV từ mẹ. Cháu bây giờ đã học lớp 6, khỏe mạnh. Chị T. còn tham gia sinh hoạt ở nhóm giáo dục đồng đẳng của TP Chí Linh. Chị đã vận động nhiều người có cùng hoàn cảnh vào sinh hoạt. Ở đây, các chị được tìm hiểu những kiến thức về phòng lây truyền HIV. Các thành viên trong nhóm còn thường xuyên tuyên truyền tại cộng đồng nhằm giúp mọi người hiểu đúng hơn về căn bệnh này.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV. Nếu không được điều trị dự phòng, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 25 - 40 trẻ nhiễm bệnh này. Nếu được điều trị dự phòng sớm, thì chỉ có dưới 5 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, trong năm 2018, toàn tỉnh có 20.000 phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm HIV. Kết quả, có 21 người nhiễm, 18 trẻ sinh ra được điều trị dự phòng đều không bị nhiễm HIV, 3 trẻ còn lại sẽ sinh trong năm 2019. 5 tháng đầu năm nay, trên 6.600 phụ nữ mang thai được xét nghiệm, tư vấn, có 3 người nhiễm HIV. 100% số bà mẹ nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền.
Để chương trình đạt hiệu quả cao, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tháng 6 hằng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với hàng loạt các hoạt động truyền thông trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai. Ngành y tế cũng đã đưa các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí vào hoạt động khám thai định kỳ và quản lý thai nghén cho các bà mẹ mang thai, nhất là phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Thông qua đội ngũ tuyên truyền viên, đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng, các chị được cung cấp những kiến thức, biện pháp, được tư vấn và làm xét nghiệm HIV tự nguyện sớm.
Tuy vậy, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn. Kinh phí truyền thông, tư vấn cộng đồng những năm gần đây giảm. Nhiều phụ nữ mang thai vẫn còn thiếu thông tin, kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, chưa tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Có chị lo sợ cộng đồng xa lánh, bị phân biệt đối xử nên đã giấu bệnh và chỉ khi sinh tại bệnh viện cán bộ y tế mới phát hiện nhiễm HIV, dẫn đến điều trị không kịp thời và trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm HIV từ mẹ…
Để giảm thấp nhất tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con cần xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai ở tuyến y tế cơ sở càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện dương tính với HIV, bệnh nhân sẽ được chuyển đến cơ sở y tế điều trị. Ngoài ra, cần mở rộng độ bao phủ xét nghiệm cho nhiều đối tượng, đặc biệt tập trung vào những phụ nữ có nguy cơ cao, phụ nữ có chồng nghiện ma túy hoặc đi làm ăn xa...
Hiện tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Hải Dương chỉ còn dưới 2%. Tỉnh có 5 cơ sở điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con là Trung tâm Y tế TP Chí Linh, Trung tâm Y tế các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. |
HẢI HÀ