Đây là những thông tin quan trọng được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều tối 11.8.
Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 được tổ chức với sự chủ trì của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV vừa kết thúc trước đó, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay đây là phiên họp lịch sử với quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, kỷ cương, hành động, hiệu quả vì nhân dân phục vụ.
Theo đó, hội nghị đã thảo luận những vấn đề then chốt, quan trọng nhất, triển khai nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng XIII với 13 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, quyết tâm kiểm soát đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất, mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân trên hết, trước hết.
Kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ thể chế, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, hạ tầng kinh tế, văn hóa xã hội…
Giảm nhiều loại thuế cho dân
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính có chỉ đạo sở giao dịch chứng khoán để triển khai sớm nhất quay lại lô giao dịch 10 cổ phiếu, trước khi tăng lên lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu như hiện nay.
"Theo báo cáo của chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh phức tạp, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh có ca F0 nên rất căng thẳng, triển khai test hệ thống có khả năng chậm lại.
Thế nhưng chúng tôi cố gắng hết sức để tình hình dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM kiểm soát tốt thì vẫn đảm bảo tiến độ trong tháng 8 quay lại giao dịch lô 10 cổ phiếu" - ông Chi thông tin.
Theo ông Chi, liên quan đến các chính sách hỗ trợ thuế, tiền thuê đất, miễn giảm tiền phí, lệ phí là 118.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh, Bộ Tài chính rà soát và đề xuất thêm một số giải pháp là tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có tổng doanh thu năm 2021 dưới 200 tỉ đồng.
Đồng thời sẽ giảm thuế cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh với mọi hình thức giảm 50%; giảm thuế GTGT các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như giao thông vận tải, du lịch; miễn tiền chậm nộp thuế; giảm tiền thuê đất phải nộp… với tổng giá trị ước tính là trên 20.000 tỉ đồng.
Về tiến độ triển khai những chính sách ưu đãi, hỗ trợ kể trên, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các bộ ngành và sớm hoàn thiện trình Chính phủ.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Giảm lãi suất ngân hàng
Về vấn đề lãi suất, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết khi có dịch, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất, năm 2020 giảm lãi suất cho vay cho cả hệ thống là 1,2 - 1,5% so với mức trước đó và đầu năm 2021 giảm thêm 0,5%.
Tuy vậy, trước tình hình dịch ở một số địa phương, thì giảm lãi suất là chính sách quan trọng, nên Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí tối đa và chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất. Gần đây, 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn đồng thuận giảm lãi suất cho từng đối tượng, với số lãi suất từ nay đến cuối năm là 20.300 tỉ đồng.
Ông Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước không đưa ra gói 20.300 tỉ đồng, mà tùy ngân hàng có khả năng đến đâu sẽ giảm lãi suất đến đó. Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đồng thuận mỗi ngân hàng thêm 1.000 tỉ đồng nữa (tổng 4.000 tỉ đồng) cho những tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.
Các ngân hàng cũng cam kết giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng, kể cả dịch vụ thanh toán tiền tệ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
“Để bảo đảm giảm lãi suất thực chất, vốn lãi suất rẻ thì Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát để đảm bảo từ nay đến cuối năm những cam kết này sẽ thành hiện thực” - ông Tú khẳng định.
Theo Tuổi trẻ