Rơm rạ là nguồn cung cấp chất hữu cơ quan trọng cho đất lúa.
Tuy nhiên, nếu xử lý rơm rạ không đúng có thể gây ngộ độc cho cây lúa, nhất là thời điểm cây còn non khiến lúa bị vàng lá, chậm phát triển, thậm chí thối rễ chết.
Rơm rạ là chất hữu cơ, nếu cày vùi vào đất sẽ được vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn trong đất phân hủy. Tùy theo độ thông thoáng của đất ruộng mà quá trình phân hủy của rơm rạ sẽ tạo ra các sản phẩm khác nhau. Nếu trong đất không ngập nước thì khí CO2 sản sinh ra sẽ thoát khỏi đất, sản phẩm còn lại là NO3 và SO4 là dinh dưỡng để cây hấp thụ. Song khi được vùi vào đất ngập nước thì quá trình phân hủy tạo ra nhiều a xít hữu cơ và khí H2S là những chất gây độc cho rễ lúa, nhất là trong khoảng 3-4 tuần đầu sau khi làm đất. Cây lúa bị ngộ độc hữu cơ sẽ làm tăng chi phí phân bón, giảm năng suất cuối vụ, nếu nặng sẽ làm nhiều cây non bị chết.
Để sản xuất lúa mùa hiệu quả, nông dân cần có biện pháp phòng trị ngộ độc hữu cơ, cụ thể như sau:
- Nếu có thời gian để ruộng khoảng 15-20 ngày kể từ sau gặt lúa xuân đến gieo cấy lúa mùa rồi cày lật đất, rơm rạ có thời gian phân hủy. Trước khi gieo cấy khoảng 1 tuần nên cho ruộng ngập nước, bừa dập rạ kết hợp với bón vôi tả (15-20kg/sào), giữ nước trong ruộng đến lúc gieo cấy thì lúa non sẽ ít bị ngộ độc.
- Nếu không có thời gian cày ải đất thì cần phải xử lý gốc rạ trong môi trường yếm khí (ruộng ngập nước) bằng cách cày lật đất và dùng các chế phẩm vi sinh như nấm Trichodecma hay AYT-TB rắc toàn bộ ruộng rồi bừa vùi gốc rạ cho nhanh phân hủy. Sau khoảng 5-6 ngày kiểm tra thấy gốc rạ đã mềm và chuyển màu đen là gieo cấy được.
* Lưu ý: Trong trường hợp này, sau khi gieo cấy lúa mùa được khoảng 2 tuần và ở thời điểm sau gieo cấy 1 tháng cần rút nước để lộ ruộng khoảng 4-5 ngày, khi thấy mặt ruộng bị nứt nẻ thì đưa nước trở lại ruộng và bón thêm phân + vôi hoặc Calci nitrate. Việc này sẽ giúp khí độc và các a xít hữu cơ được giải phóng ra ngoài, rễ lúa thông thoáng và phát triển nhanh. Ngoài ra, cần bổ sung 1-2 lần phun phân qua lá giàu lân hữu cơ hoặc chế phẩm nấm cộng sinh để lúa nhanh đẻ nhánh.
- Trong trường hợp phải gieo cấy ngay sau khi gặt lúa xuân xong thì cần phải gặt sát gốc rạ và chuyển toàn bộ lượng rơm rạ ra khỏi ruộng trước khi làm đất. Lượng rơm rạ này dùng men ủ cho mục rồi bón trở lại ruộng sẽ rất tốt.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)