Giảm khó khăn cho người bệnh

07/01/2015 03:42

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng, nâng mức được hưởng, giúp nhiều người bệnh có cơ hội chiến thắng bệnh tật...



Mỗi tháng chi từ bảo hiểm y tế cho một bệnh nhân chạy thận nhân tạo lên tới 9,8 triệu đồng


Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, người khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo sẽ có thêm nhiều quyền lợi. Với nhiều người bệnh, bảo hiểm y tế là cứu cánh để chiến thắng bệnh tật, giành lại sự sống, giảm gánh nặng tài chính của gia đình.

Lợi ích thiết thực

Ông Lê Văn Lâm, 71 tuổi ở xã Thanh Bính (Thanh Hà) đã phải gắn bó với Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương hơn 5 năm nay. Ông phát hiện bị suy thận cấp từ khi thấy mệt mỏi, khát nước và suy sụp sức khỏe nhanh. Cứ 3 ngày một lần, vợ chồng ông lại bắt xe buýt lên bệnh viện để chạy thận. Nhà ở xa, điều kiện kinh tế eo hẹp, trong khi điều trị chạy thận rất tốn kém đã làm kinh tế gia đình ông khó khăn chồng chất. Với ông, bảo hiểm y tế (BHYT)giúp ông cơ hội chiến thắng bệnh tật, giành lấy sự sống hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Đơ ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) đã chăm sóc người chồng của mình 7 năm nay do suy thận. Hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, chỉ khi phát hiện chồng mình mắc bệnh, gia đình bà mới cuống cuồng tham gia BHYT. Được xác định là hộ nghèo nên những năm trước gia đình bà chỉ phải trả 5% chi phí và hưởng 95% quyền lợi. Từ ngày 1-1-2015, nhà bà Đơ và nhiều gia đình khác đều rất phấn khởi vì được miễn 100% phí điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương cho biết, bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại bệnh viện ngày càng đông. Bệnh viện hiện chạy 4 ca liên tục trong ngày, phục vụ 110 bệnh nhân, tập trung chủ yếu ở TP Hải Dương và đều có BHYT. Trung bình một năm, mỗi bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ mất khoảng 120 triệu đồng. Nếu không có BHYT chắc chắn họ sẽ không thể duy trì việc điều trị.

Tại  Khoa Nội 2, Nội 4 và Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), những ngày này tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Hầu hết những bệnh nhân này mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, tai biến, suy thận, viêm gan, viêm phổi tắc nghẽn… Thời gian điều trị của mỗi bệnh nhân ở đây ít nhất gần một tháng, thậm chí nhiều người sẽ phải gắn bó trọn đời với việc ra vào bệnh viện điều trị. Thẻ BHYT đối với những bệnh nhân này sẽ giúp họ sống chung với bệnh tật.

Không chỉ với các bệnh nội khoa điều trị dài ngày, người bệnh sống chung với bệnh tật mà các bệnh về ngoại khoa cần can thiệp phẫu thuật chi phí cũng rất tốn kém. Mỗi bệnh nhân có thẻ BHYT được hưởng ở mức 80%, còn lại 20% chi trả cũng đã mất hàng chục triệu đồng cho mỗi lần vào viện. Với những ca mổ phức tạp đòi hỏi can thiệp nhiều phương tiện máy móc, vật tư, dụng cụ, thuốc hỗ trợ có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, chi phí cho việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao thuộc 64 danh mục được BHYT thanh toán.



Khám bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh


Mở rộng đối tượng


Bắt đầu được triển khai từ năm 1992, với 3 lần thay đổi,  các chính sách về BHYT  từng bước hoàn thiện có vai trò quan trọng trong hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân. Tỉnh Hải Dương hiện có gần 1,2 triệu người tham gia BHYT, chiếm 67% số dân. Trong số 77.000 hộ cận nghèo có gần 36.000 người tham gia BHYT (46,1%).

Theo ông Vũ Đức Khoa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, trên địa bàn hiện có 25 nhóm đối tượng tham gia BHYT. Theo Luật BHYT sửa đổi được sẽ có 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT điều chỉnh tùy theo mức độ đóng phí. Cụ thể là các nhóm: người lao động và sử dụng lao động đóng BHYT, tổ chức xã hội đóng cho các đối tượng chính sách theo luật; ngân sách nhà nước đóng cho cá nhân; ngân sách nhà nước hỗ trợ cá nhân tự đóng; nhóm tự đóng theo hộ. Điểm mới trong Luật BHYT sửa đổi lần này quy định rõ nhiệm vụ và việc theo dõi lập danh sách người tham gia bảo hiểm trên địa bàn được UBND xã, phường, thị trấn quản lý. Hộ nghèo được hưởng từ 95% nâng lên 100%; những người cận nghèo từ 80% nâng lên 95% và khi tham gia liên tục 5 năm bảo hiểm từ mức điều trị 6,9 triệu đồng sẽ được miễn chi trả. Trẻ em dưới 6 tuổi, chưa vào năm học mới trong quá trình điều trị vẫn được hưởng quyền lợi miễn phí điều trị đến hết tháng 9 năm đó.

Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh như: lực lượng quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội... Các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán. Nhà nước đã hỗ trợ tối thiểu 70% mệnh giá thẻ BHYT đối với người cận nghèo, khuyến khích các địa phương sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo tham gia BHYT. Cùng với cải cách thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh bằng việc mở thông tuyến khám chữa bệnh có BHYT là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Thực tế, vẫn còn không ít người chưa coi trọng BHYT. Để tiến tới BHYT toàn dân đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt quan tâm tới người nghèo và cận nghèo. Tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức rõ lợi ích từ BHYT đem lại. Bảo hiểm xã hội tỉnh cần xây dựng và giao chỉ tiêu cụ thể cho Bảo hiểm xã hội cấp huyện để có kế hoạch vận động người dân tham gia BHYT; chấn chỉnh việc lập danh sách, nhập thông tin sai ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm. Ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh để người dân tin tưởng vào lợi ích thiết thực từ BHYT.

NGUYỄN ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm khó khăn cho người bệnh