Ông chủ của Audi bị bắt giữ hơn nửa tháng sau khi các nhà chức trách Đức ra lệnh thu hồi hàng chục nghìn xe ô tô do Audi sản xuất.
Giám đốc điều hành hãng xe Audi Rupert Stadler
Cơ quan công tố Đức ngày 18.6 cho biết Giám đốc điều hành hãng xe Audi, công ty con của Volkswagen, ông Rupert Stadler đã bị bắt giữ do nghi ngờ dính líu đến bê bối gian lận khí thải ở Volkswagen.
Trong một tuyên bố, Cơ quan công tố thành phố Munich nêu rõ: "Lệnh bắt giữ dựa trên hành động che giấu bằng chứng". Hãng Audi đã xác nhận vụ bắt giữ trên.
Lệnh bắt giữ ông Stadler được đưa ra sau khi các công tố viên đã khám xét nhà và văn phòng của nhân viên Audi tại Đức hồi tháng 2 và tháng 4 vừa qua. Đầu tháng 5, Cơ quan Vận tải liên bang Đức (KBA) đã mở cuộc điều tra hành vi gian lận đối với các mẫu xe trên.
Ông chủ của Audi bị bắt giữ hơn nửa tháng sau khi các nhà chức trách Đức ra lệnh thu hồi hàng chục nghìn xe ô tô do Audi sản xuất, vì cài đặt "phần mềm bất hợp pháp" nhằm che giấu lượng khí thải độc hại. Khoảng 60.000 xe Audi A6 và A7 chạy bằng diesel tại Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng bởi lệnh thu hồi trên, trong đó có 33.000 xe tại Đức. KBA đã yêu cầu gỡ bỏ các thiết bị bất hợp pháp và sửa chữa số xe sử dụng những thiết bị này theo đúng quy định.
Phần mềm gian lận khí thải có liên quan đến AdBlue, một chất lỏng được bơm vào hệ thống khí thải nhằm trung hòa lượng các khí NO (ni-tơ ô-xít) độc hại. Chương trình này sẽ giúp giảm lượng chất lỏng được bơm vào bộ phận chuyển đổi chất xúc tác, qua đó giảm lượng tiêu thụ giữa các đợt kiểm tra xe, nhưng lại cho phép xe thải nhiều khí độc hại ra môi trường.
Các mẫu xe cao cấp của Volkswagen từ lâu đã là tâm điểm trong vụ bê bối gian lận khí thải bị phanh phui từ cuối năm 2015. Hãng này bị phát hiện sử dụng một phần mềm để giúp các xe ô tô chạy bằng dầu diesel phát thải quá mức quy định vượt qua các kiểm tra chất lượng không khí mà không bị phát hiện. Các điều tra tiến hành sau đó chỉ ra khoảng 11 triệu xe chạy bằng dầu diesel trên toàn thế giới trong đó có 600.000 chiếc ở Mỹ phát thải gấp 40 lần so với mức cho phép song đã được che giấu trong các cuộc kiểm tra. Vụ bê bối đã khiến Volkswagen tốn 25 tỷ USD tiền phạt, bồi thường và mua lại sản phẩm, chủ yếu là ở Mỹ. Volkswagen là nhà sản xuất xe ô tô lớn nhất châu Âu với 12 thương hiệu, trong đó có những cái tên đình đám như Audi, Lamborghini và Bentley.
TTXVN