Võ An Ninh - cây đại thụ của làng nhiếp ảnh Việt Nam

04/06/2019 08:44

Cách đây tròn 10 năm, ngày 4.6.2009, nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh đã ra đi ở tuổi 102 sau một thế kỷ làm chứng nhân lịch sử.


Cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh và bức ảnh về nạn đói

Hơn 80 năm cầm máy, trải qua những biến cố và cả những sự kiện trọng đại nhất của đất nước, Võ An Ninh bằng niềm đam mê và trách nhiệm của một người nghệ sĩ đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người trên khắp mọi miền Tổ quốc. Gia tài đồ sộ của ông với hàng nghìn tác phẩm mãi là tài sản vô giá của lịch sử và nghệ thuật nước nhà.

Người "chép sử bằng ảnh"

Nghệ sỹ Võ An Ninh tên thật là Võ Ánh Tuyết, sinh ngày 18.6.1907 tại Hà Nội. Ông cầm máy rất sớm, tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên ông trình làng là năm 1932, lúc đó ông làm ở Sở Khảo cứu nông lâm Đông Dương.

…Và bắt đầu từ đó, trải qua bao thăng trầm của những biến động lịch sử, ông luôn gắn bó với chiếc máy ảnh, say sưa sáng tác những bức ảnh để lại cho đời. Năm 1935, chỉ sau ba năm cầm máy, tác phẩm “Buổi sáng trên đê Sông Hồng” của ông được giải thưởng ngoại hạng do Hội Mỹ thuật kỹ nghệ Việt Nam tổ chức. Năm 1938, tác phẩm “Đẩy thuyền ra khơi” được giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Pari. Đây là tác phẩm có bố cục mạnh mẽ, mô tả cảnh lao động của những người dân chài. Cùng năm này, ông được bằng khen của triển lãm nghệ thuật quốc tế Bồ Đào Nha cho tác phẩm “Chợ bán nồi đất” và Huy chương vàng cho cuộc triển lãm nghệ thuật cá nhân tại Huế.

Trong sự nghiệp của nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh, có lẽ quý giá nhất là các bộ ảnh về lịch sử, đặc biệt là phóng sự ảnh về nạn đói năm Ất Dậu 1945 ở miền Bắc nước ta. Tổng Bí thư Trường Chinh từng đánh giá: “Bộ phóng sự ảnh này của ông Võ An Ninh là một tài sản vô giá của loài người, một bản án kết tội chủ nghĩa thực dân mà không cần thêm một lời nói nào cả!”.

Dấu chân chứng nhân của Võ An Ninh tiếp tục trải dài trên các cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước và dân tộc trong suốt thế kỷ 20. Chẳng hạn như các bộ ảnh tư liệu ông chụp, như: Bác Hồ những ngày đầu dựng nước (1945-1946), Toàn quốc kháng chiến (1946), Nhân dân Sài Gòn đuổi tàu chiến Mỹ (1950).... 

Bậc thầy của phong cảnh

Không chỉ được mệnh danh là “Người chép sử bằng ảnh”, Võ An Ninh còn được các nhà phê bình nghệ thuật Pháp tôn vinh là “Bậc thầy của phong cảnh”. Ông say mê với ảnh phong cảnh, tìm ở đó khả năng phát huy cao nhất sở trường của mình. Ông đã tạo nên phong cách nghệ thuật riêng của mình: sâu lắng, thanh thoát, êm ả, trữ tình. 

Năm 1960, ông được Huy chương đồng triển lãm ảnh quốc tế tại Liên Xô với tác phẩm “Nước ròng bãi Trà Cổ”; năm 1965, ông được bằng khen triển lãm ảnh quốc tế BIFOTA cho tác phẩm “Đôi nét thủy mặc Sa Pa”. Để chụp được những bức ảnh đẹp về Sa Pa, ông đã dành gần như cả tuổi trẻ của mình trở đi, trở lại mảnh đất này, ông thuộc mây và núi, sương mù ở đây đến nỗi có thể kể cả ngày không hết chuyện.

Võ An Ninh là người có quan niệm rất riêng về nhiếp ảnh. Gần như suốt đời ông chỉ chụp bằng ống kính trung bình và tuy là người giỏi về kỹ thuật buồng tối, ông cũng không quá lạm dụng nó trong sáng tác của mình. Chân thực, đó là một trong những yếu tố quyết định thành công của ảnh Võ An Ninh. 

Với những cống hiến to lớn đối với nền nhiếp ảnh nước nhà, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Công dân danh dự Thành phố Hồ Chí Minh…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Võ An Ninh - cây đại thụ của làng nhiếp ảnh Việt Nam