Hình tượng chuột trong các nền văn hóa

28/01/2020 15:16

Trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân nhiều nơi trên thế giới, chuột được coi là một biểu tượng nhiều ý nghĩa, mang lại sự may mắn, thậm chí là hiện thân của một vị thần linh thiêng.


Các hiện vật bên trong bảo tàng chuột tại Nga. Ảnh: panevin.ru

Đền thờ chuột tại Ấn Độ

Ngôi đền Karni Mata nằm tại thành phố Deshnoke (bang Rajasthan, Ấn Độ) là một địa danh thờ chuột nổi tiếng đã tồn tại từ hàng trăm năm trước.

Ngôi đền kỳ lạ này mang tên nữ thần Karni Mata - vị thần đại diện cho sức mạnh và chiến thắng của người dân Ấn Độ. Tương truyền rằng con trai của nữ thần không may ngã xuống hồ chết đuối, bà đã gửi con đến nơi của Thần Chết để đứa trẻđược đầu thai trở lại. Thần Chết đã ban một ân huệ đặc biệt cho Karni Mata, đó là cho phép tất cả con cháu trong dòng họ của bà được tái sinh thành chuột.

Đền Karni Mata tráng lệ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Mughal bằng các phiến đá cẩm thạch trắng nối từ cổng vào trong đền. Du khách có thể chiêm ngưỡng bức tượng nữ thần Karni Mata và các khối trang trí hình chuột độc đáo bên trong thánh đường. Cánh cửa lớn của ngôi đền được chạm khắc bằng bạc tinh xảo và những bức tường mô tả truyền thuyết cũng được coi là đặc trưng của “ngôi đền chuột”.

Theo trang Daily Mail (Anh), đền Karrni Mata hiện nuôi dưỡng khoảng 20.000 con chuột. Chúng được bảo vệ và coi trọng hết mực. Thậm chí, các vị sư trong đền còn ngăn lưới và rào xung quanh đền để đảm bảo an toàn cho loài vật này.

Một du khách có tên Surenda Sharma cho biết: “Mặc dù đền thờ này đã nuôi chuột từ nhiều năm nhưng chưa từng xuất hiện dịch bệnh. Mọi người vẫn thường đến đây để thờ chuột như những vị thần”.

Tại đây, loài vật gặm nhấm này được chăm sóc cẩn thận, được cho uống sữa và ăn nhiều loại ngũ cốc bổ dưỡng hàng ngày. Đặc biệt, thực phẩm đã được chuột nếm qua hay đồ ăn bị chuột ăn thừa cũng được coi là “lộc Thánh”.

Du khách có thể dễ dàng nhìn thấy chuột đen và chuột nâu bò từng bầy trong ngôi đền. Tuy nhiên, nếu ai bắt gặp một con chuột bạch thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn, bởi tương truyền rằng chuột bạch là hiện thân của nữ thần Karni Mata và người thân.

Tuy nhiên, theo quy tắc của đền, nếu ai đó vô tình giẫm phải chuột hay cố ý giết chuột, người đó sẽ phải mua một bức tượng chuột bằng vàng đặt lại trong đền để trả giá cho tội lỗi mà mình gây ra.

Những đứa trẻtrong làng thường đến chơi đùa cùng lũ chuột. Ngôi đền cũng đón tiếp rất nhiều lượt khách tham quan để tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng thú vị này. Nhiều du khách còn cho chuột ăn kẹo, đồ ngọt và chụp ảnh cùng chúng. Các nhà sư cảnh báo khách du lịch phải cẩn thận khi đi trong khuôn viên ngôi đền để tránh giẫm phải loài vật này.

Người dân cho biết điều kỳ lạ là khi những con chuột trong đền chết đi, ngay lập tức có con chuột khác sinh ra.

Chuột trong đền thờ Karni Mata ở Ấn Độ. Ảnh: Getty

Bảo tàng chuột tại Nga

Nằm cách thủ đô Moskva khoảng 300km về phía đông bắc, thị trấn Myshkin thuộc thành phố Yaroslavl được ví như một “viên ngọc” trong “Vành đai vàng du lịch” của nước Nga. Trong hàng chục bảo tàng tại đây, nổi bật nhất vẫn là công trình kiến trúc tuyệt đẹp được xây dựng dựa trên truyền thuyết liên quan đến loài chuột.

Blog du lịch Russiatrek.org cho biết Bảo tàng Dân tộc học Quốc gia Myshkin còn được gọi là “bảo tàng chuột”. Viện bảo tàng nằm bên trái dòng sông Volga mơ mộng đang trưng bày hàng nghìn bộ sưu tập độc đáo mang hình dáng của loài sinh vật gặm nhấm nhỏ bé. Tên gọi của thị trấn bắt nguồn từ chữ “mysh” trong tiếng Nga có nghĩa là “chuột”.

Được thành lập từ giữa những năm 1990, nơi đây hiện trưng bày hơn 2.000 bộ sưu tập liên quan đến chuột đến từ khắp nơi trên thế giới. Các hiện vật về loài chuột trong viện bảo tàng được sáng tạo từ nhiều chất liệu khác nhau.

Theo truyền thuyết, một vị hoàng tử đã đến nơi này du ngoạn và bất ngờ bị rắn tấn công. Đúng lúc đó, một chú chuột nhỏ đã xuất hiện cứu chàng. Để tỏ lòng biết ơn vị thần hộ mệnh đã cứu mạng mình, hoàng tử đã cho xây dựng một đền thờ chuột. Từ đó đến nay, chuột trở thành loài vật được yêu quý tại đây.

Dù chỉ là một thị trấn nhỏ có 5.700 dân nhưng Myshkin đã trở thành một trung tâm du lịch lớn thu hút hàng nghìn lượt du khách ghé thăm mỗi năm. Hầu hết khách du lịch đều đến tham quan bảo tàng chuột hấp dẫn cùng nhiều địa danh khác tại quốc gia này.

Ý nghĩa của chuột tại Trung Quốc

Trong văn hoá Trung Quốc, chuột mang một ý nghĩa biểu tượng vô cùng sâu sắc. Theo trang Chinahighlights.com, mặc dù là con vật có đặc điểm tính cách rụt rè nhưng chuột luôn đa nghi, cảnh giác, có khứu giác nhạy bén và linh hoạt. Chính vì vậy, con vật này được coi là loài vật tượng trưng cho trí thông minh và sự sắc sảo.

Người Trung Quốc thường có câu “khôn ngoan hơn chuột” và “dễ thay đổi như chuột” để nói về những người nhanh nhạy, dễ thích nghi với hoàn cảnh. Chuột được coi là một con vật linh thiêng có thể giao tiếp với các vị thần để dự đoán điều tốt lành hay những điều không may mắn.

Ám ảnh về sự phá hoại của loài chuột cũng như khả năng dự báo thiên tai của chúng là nguyên nhân chính khiến người Trung Quốc tôn thờ chuột. Nhiều vùng đã dựng miếu bái chuột. Trong tiếng Trung Hoa, chỉ có chuột và hổ mới được gọi tên một cách kính cẩn bằng cách gắn thêm từ “lão” phía trước: lão thử (cụ chuột) và lão hổ.

Ở các bộ tộc thời cổ đại, chuột được tôn thờ như những vị thần đem lại bình an và thịnh vượng. Đối với người Hán, chuột được xem là biểu tượng văn hóa và được chọn làm con vật đứng đầu trong 12 con giáp. Nhật Bản, Triều Tiên cũng chọn chuột đứng đầu dãy Hoàng đạo.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình tượng chuột trong các nền văn hóa