Độc đáo các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Tuyên Quang

22/09/2018 08:24

Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 tại Tuyên Quang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Tiết mục hát Then trong Liên Hoan hát Then, đàn Tính huyện Chiêm Hóa năm 2018. Ảnh: Thu Trang

Tại Liên hoan lần này, Đoàn Nghệ thuật của các tỉnh sẽ trình diễn các loại hình di sản gồm: Nhã nhạc Cung đình (Thừa Thiên Huế), dân ca Quan họ (Bắc Giang), Đờn ca tài tử (Bạc Liêu), dân ca Ví Giặm (Hà Tĩnh), Khèn Mông (Hà Giang), hát Chầu văn (Nam Định), múa Xòe Thái (Sơn La), trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), hát Bài Chòi (Quảng Nam), Cồng chiêng của dân tộc Ê Đê (Ban Quản lý làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam); hát Then của dân tộc Tày, Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu (Tuyên Quang).  

Là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc của nhà Nguyễn (1802 - 1945), Nhã nhạc cung đình Huế được trình diễn trong các dịp triều hội, tế lễ hoặc các sự kiện trọng đại (lễ đăng quang của nhà vua, tiếp đón sứ thần…). Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia, đến thời nhà Nguyễn, nhã nhạc cung đình Huế phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất. 

Hát Chầu văn là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo mang tính chất “đặc sản” trong di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Nam Định. Hát Chầu văn xuất hiện ở Nam Định vào khoảng thế kỷ XIII và phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XV gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu, tiêu biểu tại quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy. Nét độc đáo ở đây là sự đa dạng về hình thức biểu hiện như: Hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Hát văn có 13 lối hát với những làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm. Ngày nay, những làn điệu hát văn không chỉ được diễn xướng trong các di tích đền, phủ, miếu linh thiêng để phục vụ tín ngưỡng tâm linh mà còn được biểu diễn trên những sân khấu hiện đại với hình thức ca nhạc dân gian.  

Múa Khèn Mông tại Lễ hội Hoa tam giác mạch ở Hà Giang.   Ảnh: Lê Lâm

Dân ca Quan họ là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu ở tỉnh Bắc Giang. Đây là một hình thức hát giao duyên, những liền anh trong trang phục truyền thống cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm. Đến nay, Bắc Giang còn lưu giữ được 200 làn điệu dân ca quan họ. Trong tổng số 49 làng Quan họ cổ của vùng Kinh Bắc được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại, Bắc Giang có 5 làng Quan họ thuộc huyện Việt Yên và Sen Hồ (thị trấn Nếnh). Ngoài ra, Bắc Giang còn có thêm 13 làng ở huyện Việt Yên có hội đủ các yếu tố của một làng Quan họ và hiện có hàng trăm cụ ông, cụ bà có độ tuổi từ 70 đến hơn 90 vẫn hát, vẫn mong được truyền dạy hết cho con cháu những bài còn lưu giữ trong trí nhớ của các cụ.  

Nếu dân ca Quan họ đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa trong đời sống thường ngày của người Bắc Giang thì chiếc khèn lại gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống người Mông ở Hà Giang. Khèn được thổi trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; cất lên trong dịp vui chơi để thi tài, bộc lộ ý chí, nghị lực của con người. Cùng với đó, hát Bài Chòi cũng gắn bó với người dân Quảng Nam từ bao đời nay, hay hát Then thể hiện nét riêng của dân tộc Tày Tuyên Quang, múa Xòe Thái trở thành nét văn hóa đặc trưng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Sơn La - Tây Bắc nói chung và dân tộc Thái nói riêng. Trong những lễ hội, ngày vui của bản làng, điệu xòe diễn ra như lời chào, lời mời gọi du khách gần xa. Đó là tiếng lòng của bà con gửi gắm trong điệu múa giữa non ngàn Tây Bắc...

Tháng 9-2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản này không chỉ là báu vật văn hóa của Thanh Hóa mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thông qua trò diễn, quần chúng nhân dân muốn thể hiện niềm vui ca ngợi Hoàng đế nước Việt xưa, ca ngợi tinh thần đoàn kết, cùng nhau làm ăn lao động sản xuất. 

Dân ca Ví Giặm là một loại hình nghệ thuật trình diễn độc đáo, lâu đời của tỉnh Hà Tĩnh. Lời ca mộc mạc nhưng sâu lắng thể hiện lối sống của một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Còn khi đến với Bạc Liêu, du khách sẽ được thưởng thức Đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ. Loại hình nghệ thuật này là sự kết hợp tinh tế, hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca phản ánh sinh động tính cách, tâm hồn của người dân phương Nam: Cần cù, bình dị nhưng phóng khoáng, nghĩa hiệp. 

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Thông qua tiếng cồng chiêng để con người giao hòa với đất trời, là phương thức giao tiếp trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. 

Mỗi di sản văn hóa được các tỉnh chọn tham gia Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất tại Tuyên Quang chắc chắn sẽ đem đến cho người dân và du khách những cung bậc cảm xúc mới lạ, khó quên.

Theo Báo Tuyên Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Tuyên Quang