Ngăn chặn sai phạm trong trùng tu, tôn tạo di tích

27/03/2018 12:59

Gần đây, công trình xây dựng trái phép tại vùng lõi di sản Tràng An (Ninh Bình) khiến dư luận bất bình.

Sự việc này cho thấy việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa tại nhiều nơi chưa được thực hiện nghiêm túc. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xung quanh vấn đề này ở Hải Dương.



- Thưa bà, được biết tại đền Tranh (Ninh Giang) có xây dựng một hệ giả sơn sai quy định?


- Bộ VHTTDL có văn bản thỏa thuận cho phép Ban Quản lý di tích đền Tranh được xây dựng hệ giả sơn phía sau hậu cung quy mô 1 tầng, chiều cao không quá nóc ngôi đền phía trước. Nhưng họ đã xây 3 tầng cao hơn nóc đền thờ. Khoảng cuối tháng 10.2017, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Giang phát hiện sai phạm này. Sau khi nhận được báo cáo từ huyện, sở đã cử cán bộ xuống lập biên bản đình chỉ và yêu cầu dừng ngay việc xây dựng hệ giả sơn tại đền Tranh, đồng thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTTDL. Bộ ngay lập tức có văn bản yêu cầu Ban Quản lý đền Tranh phải điều chỉnh lại thiết kế công trình này và thực hiện đúng nội dung trong văn bản thỏa thuận. Sau đó, Sở VHTTDL đã có buổi làm việc yêu cầu Ban Quản lý đền Tranh phải thiết kế lại công trình sao cho đúng với nội dung ghi trong văn bản thỏa thuận của bộ và các quy định của pháp luật. Chậm nhất đến ngày 5.2.2018, Ban Quản lý đền Tranh phải báo cáo lên sở, nhưng đến chiều 21.3 mới báo cáo. Phòng chuyên môn của sở vẫn đang tích cực đôn đốc Ban Quản lý đền Tranh phải khẩn trương khắc phục sai phạm theo yêu cầu của Bộ VHTTDL. Quan điểm của chúng tôi là đã làm sai thì phải sửa cho đúng.

- Những trường hợp sai phạm trong bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích ở tỉnh ta có nhiều không?

- Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng nếu tổ chức một cuộc tổng kiểm tra thì số lượng công trình sai phạm, vi phạm chắc không nhỏ. Thực trạng này không chỉ tồn tại ở Hải Dương mà các tỉnh khác cũng vậy. Các vi phạm khi được phát hiện đều rơi vào tình trạng việc đã rồi. Nguyên nhân chính là do công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo tồn di sản tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. 

Hải Dương có rất nhiều di tích. Ngay sau khi di tích được xếp hạng, nhiều địa phương đã lập tức đề nghị được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, họ lại hiểu trùng tu, tôn tạo là phá cái cũ đi làm cái mới to hơn, đẹp hơn chứ không quan tâm xem công trình này có giá trị như thế nào và nó được xếp hạng bởi các tiêu chí gì. Đây chính là sai phạm phổ biến ở tỉnh ta hiện nay. Không nói đâu xa, ngay ở chùa Trông (Ninh Giang) đã có văn bản đề nghị thay một loạt tượng cũ thành tượng mới sau khi công trình này được tôn tạo. Sở cho kiểm tra thì phát hiện 17 pho tượng đó đều là tượng cổ có trong hồ sơ ở Bảo tàng Hải Dương. Đương nhiên là sở không đồng ý việc này.

- Làm thế nào để khắc phục những sai phạm kiểu đã rồi như vậy?

- Sở sẽ tiến hành rà soát, thống kê số lượng các di tích từ cấp tỉnh trở lên đang trùng tu, tôn tạo. Từ đó tổ chức đoàn thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm. Song song với đó chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như các quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di sản. Không tổ chức hội nghị tuyên truyền chung chung theo quy mô toàn tỉnh mà mở hẳn theo cụm hoặc từng huyện một; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở chuyên mục phổ biến pháp luật về bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích…

- Xin cảm ơn bà!

BÌNH MINH (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn sai phạm trong trùng tu, tôn tạo di tích