Bảo tàng tỉnh: Đa dạng các hoạt động bảo tồn di sản

24/11/2018 08:42

Với sự linh hoạt trong bảo tồn di sản, Bảo tàng Hải Dương đã và đang góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc nói chung, của xứ Đông nói riêng.


Học sinh trải nghiệm làm gốm tại Bản tàng tỉnh

Nỗ lực sưu tầm

Sau hơn 10 năm, bà Nguyễn Thị Huyên (68 tuổi), một người gốc TP Hải Dương đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội mới có dịp trở lại tham quan Bảo tàng tỉnh. Bà Huyên nhận xét: "Mọi thứ ở đây thay đổi quá nhiều. Tôi ấn tượng với khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, các công trình quy hoạch gọn gàng. Hiện vật, tài liệu bên trong nhà trưng bày hay ngoài trời đều phong phú, được sắp đặt khoa học, nó giúp người xem dễ dàng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất xứ Đông qua từng giai đoạn".

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Hải Dương ngày càng hoàn thiện. Quy mô khuôn viên rộng hơn 8.000 m2, gồm nhà trưng bày chính, nhà trưng bày gốm sứ và hệ thống trưng bày ngoài trời.  Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 5 vạn đơn vị tài liệu, hiện vật phản ánh quá trình hình thành, phát triển của vùng đất, con người Hải Dương trong suốt chiều dài phát triển lịch sử dân tộc. Các tài liệu, hiện vật này làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, như: đá, gốm, đồng, gỗ, giấy... Trong đó có những hiện vật quý được công nhận là bảo vật quốc gia, như trống đồng Hữu Chung; những bộ sưu tập tài liệu, hiện vật có giá trị như đồ đồng Đông Sơn, sách Hán Nôm...

Không dễ để sưu tầm di sản văn hóa, nhất là trong bối cảnh nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này ở Hải Dương còn hạn chế. Bảo tàng tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, điều chỉnh hoạt động phù hợp với thực tế. Đơn vị đã tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành để phối hợp tổ chức 30 cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ, thu về hàng vạn hiện vật có giá trị. Ghi chép và biên soạn hơn 2.000 sự kiện tiêu biểu của tỉnh trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh xã hội hóa, tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân hiến tặng tài liệu, hiện vật, lưu giữ được nhiều di sản văn hóa có giá trị. Tiêu biểu như việc vận động một gia đình người Nhật Bản tài trợ kinh phí mua 2 mảnh đất tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) và tại thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) để phục vụ công tác nghiên cứu khảo cổ; vận động các tổ chức, cá nhân tự nguyện công đức phục dựng nhà Khải Thánh, miếu Thổ Cờ và 2 tấm bia đề danh tiến sĩ Nho học trấn Hải Dương (1075-1919); tiếp nhận hàng trăm cổ vật có giá trị lịch sử do các cá nhân hiến tặng để phục vụ nghiên cứu...

Những đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Bảo tàng tỉnh còn được thể hiện thông qua công tác phối hợp với các đơn vị liên quan tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể tại 1.409 làng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cho các địa phương; kiểm kê cổ vật, nghiên cứu biên soạn sách về văn hóa cơ sở; hỗ trợ các địa phương xây dựng nhà truyền thống; điều tra, nghiên cứu các trò chơi dân gian trên địa bàn tỉnh...

Phát huy giá trị di sản

Lượng khách tới tham quan Bảo tàng Hải Dương ngày càng tăng, trong đó có nhiều khách đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và du khách quốc tế. Khách tham quan tăng đồng nghĩa với các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc nói chung, của mảnh đất, con người xứ Đông nói riêng đang ngày càng được lan tỏa, gìn giữ và phát huy.

Giám đốc Bảo tàng Hải Dương Vũ Đình Tiến khẳng định đơn vị đã không ngừng tuyên truyền, tìm kiếm các giải pháp để thu hút người dân đến tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu thông tin. Trong đó, thường xuyên duy trì tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề. Đã có hàng chục cuộc trưng bày chuyên đề được Bảo tàng tỉnh tổ chức trong những năm qua, tiêu biểu là các cuộc trưng bày: gốm sứ cổ Hải Dương, Hoàng Sa - Trường Sa những bằng chứng lịch sử, cổ vật tỉnh Đông và sưu tập cổ vật tư nhân tiêu biểu, tiếng sấm đường 5... Từ năm 2017, Bảo tàng tỉnh bắt đầu tổ chức chương trình trải nghiệm quy trình sản xuất gốm cổ và một số trò chơi dân gian như nhảy bao bố, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, đánh chuyền, bắt lươn trong chum, thu hút nhiều trường học đưa học sinh tới tham dự. Đây là một trong những đổi mới trong công tác bảo tồn di sản, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc. "Sau vài lần đến đây tham dự sự kiện này, cháu nhà tôi tỏ ra thích khám phá, tìm hiểu thông tin hơn và thường xuyên hỏi mẹ về trò chơi dân gian, về người nông dân hay những loại nông cụ thời xưa... Trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang không thiết tha với môn lịch sử thì việc làm này của Bảo tàng tỉnh quả thực rất có ý nghĩa", chị Lan - một phụ huynh học sinh ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) nói.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Bảo tàng tỉnh: Đa dạng các hoạt động bảo tồn di sản