Giải thưởng lớn nhất cuộc đời là những bài hát

30/04/2014 20:11

Trong số những bài hát đó, bài giành được “giải thưởng” lớn nhất đời ông là “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.



Nhạc sĩ Phạm Tuyên


Tuổi đã cao, phải hạn chế nói nhiều vì ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện dài hơn thường lệ, bởi ông muốn chia sẻ với độc giả báo Hải Dương, với mảnh đất ông vẫn hằng yêu quý.

Bài hát ngày chiến thắng

"Nghĩ về ngày chiến thắng là ông nhớ tới lời nhắc nhở của Bác Hồ: “Vì độc lập, vì tự do. Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", nghĩ tới 30 năm kháng chiến của dân tộc".

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng nằm sâu trong khu tập thể Vạn Bảo thuộc quận Ba Đình (Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên vui vẻ chỉ cho tôi xem vị trí trang trọng của phòng khách - nơi ông treo bức tranh gỗ khắc hình ảnh “chú voi con ở Bản Đôn” do tỉnh Đắc Lắc gửi tặng. “Ai cũng bảo tôi sao lại treo bức tranh này cao hơn những giấy khen, giải thưởng lớn khác, nhưng tôi thấy giải thưởng lớn nhất của cuộc đời mình là những bài hát được nhân dân yêu mến và ghi nhớ”, ông cười đôn hậu giải thích. Trong số những bài hát đó, bài giành được “giải thưởng” lớn nhất đời ông là “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.

“Mấy chục năm trở lại đây, dịp 30-4 nào cũng có nhiều nhà báo hỏi tôi về kỷ niệm sáng tác bài hát này. Vậy mà lần nào hồi tưởng lại tôi vẫn thấy xúc động như mới ngày hôm qua”, ánh mắt người nhạc sĩ ánh lên niềm hân hoan, rạng rỡ khi sống lại thời khắc ra đời và lan truyền bài hát để đời của ông. Tháng 4 - 1975, ông là nhạc sĩ phụ trách mảng âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sống trong môi trường báo chí phát thanh, là loại phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến và cập nhật tin tức nhanh nhất thời bấy giờ, ông được đắm mình trong bầu không khí rộn ràng của những tin thắng trận ngày đêm dồn dập đổ về. Tuy ở giữa Thủ đô Hà Nội nhưng tâm tưởng ông cũng như toàn thể nhân dân đang hướng về miền Nam, bám sát với bước tiến của quân giải phóng. Các nhạc sĩ của đài động viên nhau cố gắng sáng tác các ca khúc khải hoàn về các địa phương để giải phóng tới địa phương nào sẽ có bài hát về địa phương đó. Song dường như âm nhạc cũng không theo kịp bước chân của quân giải phóng. Sáng 28-4, khi nghe tin phi công ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, nhạc sĩ Phạm Tuyên cảm thấy ngày toàn thắng đã rất cận kề. Đêm hôm ấy, đứng ở cầu thang khu tập thể nơi gia đình ông đang sinh sống, nhạc sĩ đã đặt bút viết và hoàn thành bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” trong đúng 2 tiếng đồng hồ. Bài hát là tiếng reo vui của ngày chiến thắng với âm hưởng rộn rã, ca từ ngắn gọn, giản dị nhưng chứa đầy cảm xúc. Nhạc sĩ tâm sự, nghĩ về ngày chiến thắng là ông nhớ tới lời nhắc nhở của Bác Hồ: “Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, nghĩ tới 30 năm kháng chiến của dân tộc. Ông cũng nghĩ trong suốt khoảng thời gian rất dài của cuộc chiến tranh ấy, gia đình ông ở khu tập thể của đài, phải gánh chịu nhiều trận bom ác liệt. Nhà cửa đổ nát, nhiều người đã chết, bao nhiêu cây đàn của ông đã tan, ông chỉ ước mong một tiếng reo vui ngày chiến thắng. Khi thời khắc ấy sắp tới gần, tiếng reo ấy bật ra tự lòng ông một cách tự nhiên, chân thật nhất. Hoàn thành bài hát, ông thấy nhẹ lòng như đã trả xong món nợ tình cảm canh cánh nhiều năm.

Đúng như ông linh cảm, trưa 30-4, quân giải phóng đã chiếm được dinh Độc Lập. 4 giờ chiều, đài thu thanh bài hát của ông. 5 giờ chiều, đứng ở khu tập thể, vợ chồng ông đã nghe bài hát vang lên trên các loa phát thanh, đi kèm với thông tin chiến thắng, đôi mắt ông mờ đi vì xúc động. Từ đó, trong nhiều ngày, bản tin chiến thắng nào cũng có bài hát của ông làm nền. Sáng 1-5, đi qua bờ hồ Hoàn Kiếm, ông đã thấy người dân vừa đi vừa ca vang “Việt Nam, Hồ Chí Minh. Việt Nam, Hồ Chí Minh”. Chiếc xe ô - tô mui trần của Nhạc viện Hà Nội chở ban nhạc diễu hành khắp các đường phố Hà Nội cũng kéo đàn, thổi kèn bài hát. Sức sống của tác phẩm đi nhanh vượt ngoài suy nghĩ của tác giả, vươn ra cả ngoài biên giới nước ta. Tới những năm 80, khi tham dự một hội nghị về âm nhạc ở Đức, một số giáo sư Đức đã đi tàu lên Béc-lin tìm gặp ông, vì yêu mến bài hát này. 2 năm trước đây, một nhà nghiên cứu người Mỹ nhân dịp sang Việt Nam đã bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội chỉ để gặp tác giả ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, chúc mừng ông vừa được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và tặng ông một món quà đầy ý nghĩa. Đó là poster lưu niệm in hình ảnh Hồ Chủ tịch và một câu hát của ông. Món quà ấy ông trân trọng cất giữ như hình ảnh tượng trưng cho lòng yêu mến của bạn bè năm châu, trong đó có cả những người đã từng ở phía bên kia chiến tuyến, đối với bài hát của ông, một tuyên bố cho chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Ông tâm sự: “Tôi vẫn nghĩ, bài hát ấy không còn là của riêng tôi. Đó là tác phẩm của toàn thể quân, dân ta, những người đã góp sức làm nên ngày chiến thắng”.

Ước mong về với quê hương

Đã ngoài 80 tuổi, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn rất bận rộn với nhiều hoạt động liên quan tới âm nhạc. Nhưng khi nghe tôi xưng là phóng viên báo Hải Dương, ông đã vui vẻ nhận lời gặp mặt. Tuy chưa có thời gian nào sinh sống tại Hải Dương nhưng quê hương vẫn luôn chiếm một phần quan trọng trong nỗi nhớ của ông.

Người nhạc sĩ già đôn hậu không giấu được xúc động khi nhớ lại khoảng thời gian đầu tiên ông về thăm quê. Đó là ngay sau thời gian ông viết bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, sau chiến thắng lịch sử năm 1975. Hơn 40 tuổi, lần đầu tiên ông về thăm quê, cùng nỗi lo canh cánh trong lòng, không biết trong hiện tại, gia đình ông bị đánh giá ra sao. Nhưng nỗi lo ấy đã nhanh chóng tan biến khi ông được chính quyền xã Thúc Kháng (Bình Giang) đón tiếp thân tình, ấm áp. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng đã động viên ông giữ mối liên hệ với quê hương, thường xuyên về thăm làng xóm. Ông càng xúc động hơn nữa khi thấy phần mộ ông bà, tổ tiên được bà con ở quê hương chăm sóc chu đáo, giữ gìn cẩn thận dù nhiều năm gia đình ông không có điều kiện về đây. Những tình cảm bình dị mà quý giá ấy tạo cho ông sự gắn bó mật thiết với quê hương. Từ đó, năm nào ông cũng về Thúc Kháng ít nhất một lần. Và bất cứ khi nào có điều kiện, ông đều về với Hải Dương.

Năm 2012, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Hội Sử học tỉnh tổ chức hội thảo về học giả Phạm Quỳnh, nhạc sĩ Phạm Tuyên được mời về tham dự. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Nhà Thiếu nhi tỉnh đều tổ chức các cuộc giao lưu mời ông làm nhân vật chính. Đó là nguồn động viên rất lớn đối với ông, bởi người có tuổi thường suy nghĩ và hướng về cội nguồn nhiều hơn. Được nghe các cháu thiếu nhi hát bài hát của mình trên chính quê hương, nhận được nhiều tình cảm quý mến, trân trọng là những phần thưởng quý giá ông luôn nâng niu. Năm 2013, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội làm một chương trình mang tên "Lá rụng về cội', nói về tình cảm với quê hương của những người nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật. 4 nhân vật chính của chương trình là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn bó cùng Huế, giáo sư Trần Văn Khê với TP Hồ Chí Minh và nhạc sĩ Phạm Tuyên với Hải Dương. Trong chương trình ấy, ông đã bày tỏ ước mong sau này khi nằm xuống được về với quê hương, bởi chỉ ở nơi đây ông mới cảm thấy hoàn toàn thanh thản.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải thưởng lớn nhất cuộc đời là những bài hát