Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo Bộ Công an giải quyết dứt điểm 5 "đại án" kinh tế, trong đó có vụ Nhật Cường.
Làm rõ thông tin trên báo chí của Nhật Bản về Công ty TNHH Tenma Việt Nam hối lộ cán bộ, công chức hải quan và cán bộ thuế Bắc Ninh với số tiền 25 triệu yen; thanh tra công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo; việc giảm 50% phí trước bạ ôtô; tiến trình điều tra 5 “đại án”; nở rộ dịch vụ cho vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại) nhưng phải trả lãi cao; hoạt động chi trả hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 tại một số địa phương có hiện tượng sai đối tượng… là những vấn đề được đề cập tại buổi Họp báo Chính phủ diễn ra chiều tối 2/6.
Từ nay đến cuối năm, giải quyết dứt điểm 5 "đại án kinh tế"
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực.
Thực tế, nhu cầu vay tín dụng đen khá lớn. Đặc biệt, người đi vay tín dụng đen đều ở tình trạng cần tiền gấp, trong đó có cả đối tượng nghiện hút, cờ bạc… Những người làm ăn, kinh doanh đa số đều biết khó làm được gì có lợi nhuận đủ để bù đắp lại số lãi vay cao như vậy… Do đó, tín dụng đen là loại tội phạm nguy hiểm, là mục tiêu đấu tranh của công an.
Bộ Công an đã có cảnh báo các loại tội phạm này trên Cổng thông tin điện tử và thực hiện các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tránh rơi vào bẫy tín dụng đen…
Tới đây, Bộ Công an sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen".
Nói về tiến trình điều tra 5 "đại án" kinh tế mà Bộ Công an đang thực hiện, gồm: vụ Nhật Cường; vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” của Công ty Gang thép Thái Nguyên, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo Bộ Công an làm dứt điểm từ nay đến cuối năm.
Bộ Công an là cơ quan có trách nhiệm xác minh, làm rõ. Bộ sẽ thực hiện đúng tinh thần Ban Chỉ đạo đưa ra.
Liên quan đến việc một số báo của Nhật Bản đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (Công ty Tenma Việt Nam) hai lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yrn cho một số cán bộ, công chức Việt Nam, theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Bắc Ninh xác minh thông tin và làm việc với vông ty, các đơn vị liên quan.
Bộ Công an cũng chỉ đạo các cục nghiệp vụ làm việc với phía Nhật Bản để thu thập thông tin, chứng cứ, tài liệu. Chỉ đạo của Thủ tướng là phải làm minh bạch, rõ ràng để chống thất thu thuế. Vụ việc đang được tiến hành điều tra.
Còn theo Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai, các cơ quan chức năng đang vào cuộc thanh tra, điều tra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin nêu trên, nếu đúng phải xử lý nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế.
Hiện, 11 công chức, cán bộ liên quan đến vụ việc đã bị đình chỉ công tác, trong đó 5 công chức ngành thuế, 6 công chức hải quan.
Thanh tra Bộ đã khẩn trương thực hiện việc thanh tra đột xuất, toàn diện; nếu có vi phạm, sẽ xử lý nghiêm minh. Khi có kết luận thanh tra, lực lượng chức năng sẽ thông tin đến báo chí.
Thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết mục tiêu của việc giảm lệ phí trước bạ ô tô 50% theo Nghị quyết 84/NQ-CP năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, là nhằm kích cầu tiêu dùng.
Quan điểm của cơ quan soạn thảo là kích cầu tiêu dùng bắt đầu từ thời điểm ban hành chính sách. Vì vậy, không nên hồi tố, bởi hồi tố có nghĩa là phải trả lại tiền lệ phí trước bạ cho những người đã mua, rất phức tạp, không hợp lý và cũng không có tác dụng kích cầu.
Chính vì vậy, với mục tiêu Chính phủ đặt ra là kích cầu tiêu dùng đối với xe sản xuất trong nước, nghị định về lệ phí trước bạ mà Bộ Tài chính đang soạn thảo sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký.
Về việc chấp hành các quy định về xuất khẩu gạo trong thời điểm dịch COVID-19, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian qua, hoạt động xuất khẩu gạo diễn biến thuận lợi, mang lại hiệu quả cao cho đất nước, đồng thời mang lại quyền lợi cho nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.
Liên quan đến trách nhiệm của cá nhân (nếu có) trong việc đề xuất chính sách điều hành xuất khẩu gạo, Thủ tướng đã có chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra.
Đến ngày 18.6, đoàn thanh tra mới kết thúc cuộc thanh tra theo quy định và kết luận của đoàn sẽ được công bố một cách rộng rãi.
Bộ Công thương cam kết thực hiện đúng quyết định, kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp sáng cùng ngày, Thủ tướng chỉ đạo quyết tâm năm 2020 phải xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo, cao hơn từ 400-500 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Việc có hay không dấu hiệu tiêu cực, trục lợi trong đề xuất chính sách điều hành xuất khẩu gạo sẽ được làm rõ trong kết luận của đoàn thanh tra.
Đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin đây là gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ, vì vậy lãnh đạo Bộ đã quán triệt tinh thần của Chính phủ, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng trục lợi chính sách.
Trong quá trình triển khai, cá biệt có vài địa phương lập danh sách sai lệch, vi phạm. Qua giám sát, kiểm tra, Bộ đã sớm phát hiện và xử lý, như vụ việc ở huyện Triệu Thành (Thanh Hóa) đã phải dừng Đại hội Đảng bộ xã, không tái cử Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch MTTQkhông được vào danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ.
Với tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Sơn đình chỉ công tác với công chức lao động-thương binh xã Quý Hòa…
Giải đáp câu hỏi của báo giới về việc gỡ bài đã đăng tải trên báo, trong đó có nêu một bài báo liên quan đến phu nhân lãnh đạo của một bộ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho hay sẽ phối hợp với Hội Nhà báo để rà soát lại việc gỡ bài, sửa bài.
Hiện nay, Hội Nhà báo có phần mềm chuyên quản lý việc gỡ bài, sửa bài. Sau khi phân tích xem lý do gỡ bài, Bộ sẽ có câu trả lời chính thức.
“Về nguyên tắc có những chuyện gỡ bài là theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, ví dụ tin bài đó nếu để gây ảnh hưởng không tốt đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây hoang mang trong cộng đồng, thì theo yêu cầu vẫn phải gỡ. Hay bản thân cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm về nội dung của mình, cho nên trong quá trình xuất bản, sau khi thẩm tra thấy thông tin sai, không đúng thì tự gỡ đi. Nhưng chúng ta đã có chủ trương ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí là “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ". Do đó việc này, chúng tôi phải nghe cụ thể mục đích gỡ bài, nếu vì vụ lợi, tiêu cực thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý", ông Hoàng Vĩnh Bảo nói.
Trả lời về việc vũ trường và quán karaoke đã được mở cửa trở lại hay chưa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện chưa có chỉ đạo cho phép hoạt động trở lại bình thường.
Theo Chỉ thị 19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa ngay nhưng nới dần dần. Thời điểm đỉnh dịch (1.4), mỗi ngày có hơn 10 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, nếu làm không tốt có thể bùng phát lây chéo trong cộng đồng.
Khi đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, đây là biện pháp rất mạnh. Khi thực hiện nới lỏng, là nới lỏng với các dịch vụ thiết yếu.
"Còn đối với dịch vụ vũ trường và karaoke hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan báo chí và báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần là ủng hộ các cơ sở này mở cửa hoạt động trở lại bình thường vì chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh," Bộ trưởng nêu rõ.
Theo TTXVN