Trong lúc Philippines có những động thái nhượng bộ làm giảm căng thẳng thì Trung Quốc vẫn tỏ thái độ cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền biển...
Mặc dù trong những ngày qua, động thái có phần nhượng bộ của Philippines (Phi-líp-pin) trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc xung quanh bãi đá cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) đã làm dịu bớt căng thẳng giữa hai nước. Nhưng không ai nghĩ rằng, Manila (Ma-ni-la) lại dễ dàng từ bỏ vùng lãnh thổ mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Philippines nhượng bộ
Hãng tin AP ngày 16-6 đưa tin, Tổng thống Philippines Benigno Aquino (Bê-ni-nô A-ki-nô) đã ra lệnh cho hai tàu tuần duyên nước này rời khỏi bãi cạn Scarborough. Giải thích cho quyết định này được phía Philippines đưa ra là do ở khu vực sắp có một cơn bão lớn đi qua. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (An-bớt đen Rô-xa-ri-ô) cho biết, Manila chưa quyết định liệu có điều các tàu trên trở lại khu vực tranh chấp sau khi thời tiết cải thiện hay không. Trong khi đó, ông Rosario nói, Manila đang chờ Bắc Kinh thực hiện cam kết rút khoảng 20 tàu đang ở trong khu đầm phá của bãi cạn Scarborough sau khi cả hai tàu tuần duyên của Philippines đã rời khỏi khu vực.
Bãi đá cạn Scarborough - nơi đối đầu căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc suốt 2 tháng qua
Theo các nhà phân tích, động thái trên của Philippines là nhằm giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc trước khi có những bước đi tiếp theo. Hiện Philippines vẫn có ý định đưa hồ sơ tranh chấp chủ quyền ra giải quyết tại Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), mặc dù Trung Quốc từng bác bỏ đề nghị này. Đài RFI dẫn mạng Inquirer của Philippines cho biết, Ngoại trưởng Rosario vừa qua đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có trung gian quốc tế để giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền giữa nước này và Trung Quốc tại bãi đá Scarborough. Ông Rosario khẳng định: "Cách tiếp cận pháp lý của chúng tôi hướng tới một giải pháp hòa bình và bền vững là tiếp tục cơ chế giải quyết các bất đồng theo tinh thần UNCLOS để thừa nhận các đòi hỏi về chủ quyền của chúng tôi tại biển tây Philippines". Ngoại trưởng Philippines cũng cho biết thêm, đây là một sự lựa chọn được nhiều đối tác quốc tế khuyến khích nhằm giải quyết các tranh chấp, phù hợp với các quy định được nêu trong UNCLOS.
Trước đó, Tổng thống Benigno Aquino đã có chuyến thăm dài ngày tới Anh và Mỹ. Tại Washington (Oa-sinh-tơn), Tổng thống Philipinnes Benigno Aquino và Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đều bày tỏ sự ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác giữa các bên tranh chấp để giải quyết các tranh cãi một cách phù hợp với luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực. Về phần mình, Tổng thống Aquino bày tỏ ủng hộ chính sách chú trọng tới châu Á trong các lĩnh vực hàng hải và thương mại của Mỹ, nhưng cũng cho biết không có ý định lôi kéo Mỹ can thiệp quân sự vào khu vực.
Trung Quốc vẫn không luiTrước những động thái thiện chí từ Manila, Bắc Kinh vẫn tỏ thái độ cứng rắn. Ngày 11-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố, tàu thuyền của chính phủ nước này tiếp tục "canh chừng" tại vùng đảo đá ngầm Scarborough. Trong bản tuyên bố ngày 15-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khẳng định: "Thuyền đánh cá Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng biển Scarborough một cách bình thường và không còn bị phá rối". Theo ông Lưu Vi Dân, do tàu chiến Philippines đe dọa ngư dân Trung Quốc vào hôm 10-4 gây ra "sự cố Hoàng Nham", khiến Trung Quốc phải đưa tàu hải giám đến giải cứu và hai bên đối đầu nhau cho đến ngày 3-6 vừa qua rồi Philippines mới rút 1 tàu đi. Hai ngày sau, hai tàu chính phủ Trung Quốc mới rời khu vực Scarborough nhưng tiếp tục "canh chừng" để hỗ trợ dịch vụ cho ngư dân Trung Quốc theo luật lệ hiện hành. Ông Lưu Vi Dân còn tuyên bố, không muốn thấy phía Philippines "có hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc" và Bắc Kinh sẽ "tiếp tục liên lạc với Manila về cách xử lý sự cố ở khu vực này nhằm cải thiện quan hệ song phương".
Can thiệp từ bên thứ baMặc dù tuyên bố sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biển Đông nhưng Mỹ cũng không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc liên tục có những động thái "bắt nạt" các nước trong khu vực. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ nhiều lần tuyên bố nước này đứng trung lập trong các tranh chấp lãnh hải ở biển Đông nhưng khẳng định, họ có lợi ích sống còn trong việc bảo đảm an toàn, an ninh và tự do hàng hải ở đây. Tuyên bố trên của Washington được cho là một thông điệp đầy hàm ý gửi đến Trung Quốc. Bắc Kinh được cho là đang có tham vọng độc chiếm biển Đông bằng yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý. Và Mỹ muốn nhắn nhủ với Trung Quốc rằng, họ sẽ không để điều đó xảy ra.
Mỹ với sức mạnh quân sự tuyệt đối liệu có bảo vệ được đồng minh Philippines trong trường hợp
xảy ra xung đột giữa Manila với Bắc Kinh?
Không chỉ phát đi thông điệp bằng lời, Mỹ còn tiến hành một loạt bước đi quân sự cho thấy sự cứng rắn và quyết tâm của Washington. Hồi đầu tháng 6, Mỹ đã khiến Trung Quốc “giật mình thon thót” khi thông báo sẽ chuyển 60% hạm đội hải quân hùng hậu và thiện chiến của nước này (khoảng 150 tàu chiến và hạm đội tàu sân bay) đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2012. Washington cũng tuyên bố sẽ thắt chặt mối quan hệ quân sự với các nước trong khu vực và tăng cường các cuộc tập trận chung ở đây. Trước đó, Mỹ và Philippines đã có cuộc tập trận hải quân rầm rộ trong lúc căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đang lên đến đỉnh điểm ở khu vực Scarborough.
Sau cuộc tập trận thu hút sự chú ý lớn của dư luận thế giới, Mỹ tiếp tục đưa tàu ngầm tấn công tối tân USS North Carolina đến khu vực gần bãi đá cạn Scarborough. USS North Carolina có khả năng tiêu diệt một nửa Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Sự xuất hiện của một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân nhất của Mỹ ở biển Đông được cho là phát đi một thông điệp có tính răn đe đối với Trung Quốc.
Không chỉ Mỹ ra mặt ủng hộ Philippines trong tranh chấp bãi đá cạn Scarborough với Trung Quốc mà nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Australia (Ô-xtrây-li-a), Hàn Quốc cũng sẵn sàng cung cấp cho Philippines nhiều trang thiết bị, khí tài hiện đại để đối trọng với Trung Quốc.
Khó giải quyếtNhiều nhà phân tích của Philippines rất bi quan về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc. Giáo sư Clarita Carlos (Cla-ri-ta Các-lốt) của Trường Đại học Philipinnes nhận định, vấn đề Scarborough không thể được giải quyết thỏa đáng chừng nào hai bên vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với cùng một vùng lãnh thổ. Bà Clarita Carlos cho rằng, bế tắc kéo dài 2 tháng nay tại Scarborough là một vấn đề thực sự khó giải quyết vì “chúng ta có thể tiếp tục tranh luận tại mọi khuôn khổ quốc tế về luật pháp, nhưng ít có khả năng giải quyết được vấn đề chủ quyền và lãnh thổ một cách triệt để”. Giáo sư Clarita Carlos cho rằng, cần thiết phải có sự thay đổi trong các khuôn khổ giải quyết tranh chấp và chỉ có duy nhất khuôn khổ hợp tác sẽ thúc đẩy vấn đề bằng việc đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác phi chính trị, không sử dụng vũ lực như nghiên cứu khoa học, sinh thái, trao đổi thương mại... để tạo ra nền tảng cho sự hợp tác lâu dài trong tương lai.
Giáo sư Harry Roque (Ha-ri Rô-kê) của Trường Đại học Philippines cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Philipinnes cần phải nhận ra rằng, các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ không đi đến đâu vì Bắc Kinh muốn giữ nguyên hiện trạng vấn đề hơn là nhờ quốc tế phân xử khi không rõ kết quả có lợi cho họ hay không. Trong khi đó, ông Rommel Banlaoi (Rôm-men Ban-la-oi) thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố Philipinnes kêu gọi chính quyền Manila cần giải quyết vấn đề với Bắc Kinh bằng một chủ nghĩa thực dụng thận trọng vì Trung Quốc là một đối tác lớn cung cấp viện trợ phát triển, một bạn hàng thương mại hàng đầu và có lượng du khách sang Philipinnes đông đảo.
Bãi đá cạn Scarborough cách tỉnh Zambales (Dam-ba-lét) của Philippines 124 hải lý trong khi cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) tới 550 hải lý. Giữa tháng 4-2012, tàu Trung Quốc ngăn cản tàu hải quân Philipinnes bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản tại khu vực này. Sự kiện này dẫn đến tình trạng căng thẳng giữa hai nước kéo dài 2 tháng qua.
Philipinnes tuyên bố đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này theo UNCLOS nhưng Trung Quốc khẳng định đây là một phần lãnh thổ cố hữu của họ. Manila muốn có một bên thứ ba, như Liên hợp quốc giúp giải quyết vấn đề tranh chấp nhưng Bắc Kinh lại nhấn mạnh muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương. |
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)