Nhờ vận dụng thành công phương châm: "khó vạn lần dân liệu cũng xong", việc tưởng như khó này lại trở nên thuận lợi.
Tuyến đường nội thị qua thị trấn Thanh Miện được xây dựng từ sự đồng lòng, quyết tâm
của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân
Giải phóng mặt bằng là một khâu khó trong bất kỳ dự án, công trình nào. Ở huyện Thanh Miện, nhờ vận dụng thành công phương châm: "khó vạn lần dân liệu cũng xong", việc tưởng như khó này lại trở nên thuận lợi.
Đường nội thị qua thị trấn Thanh Miện vốn là một đoạn của quốc lộ 38B chạy qua. Đoạn đường nhỏ hẹp, xuống cấp do đã được xây dựng từ lâu, mật độ xe đông. Mỗi khi trời mưa hệ thống thoát nước bị ách tắc, ảnh hưởng xấu tới vệ sinh môi trường, cảnh quan...
Sau khi quốc lộ 38B được mở rộng, nâng cấp, đường mới tránh thị trấn Thanh Miện, huyện đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho sử dụng nguồn vốn thừa từ dự án quốc lộ 38B để đầu tư xây dựng lại đường nội thị. Đề nghị được chấp thuận với tổng vốn khoảng 30 tỷ đồng và được giao cho Ban Quản lý dự án 3 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng ra điều kiện: huyện chịu trách nhiệm GPMB để bàn giao cho nhà thầu thi công.
Tiền làm đường đã có nhưng đó là nguồn vốn ODA nên chỉ có thời hạn nhất định, không làm kịp sẽ bị rút về, trong khi huyện chưa biết làm cách nào để "xoay" kinh phí GPMB. Phương châm "Lấy dân làm gốc" đã được các cấp ủy, chính quyền trong huyện coi trọng. Cả hệ thống chính trị của Thanh Miện cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ. Và địa phương đã thêm một lần chứng minh được chân lý "Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, phá dỡ công trình để làm tuyến đường có điểm đầu từ quốc lộ 38B đi qua thị trấn Thanh Miện đến tận UBND xã Tứ Cường chỉ bắt đầu từ tháng 9 năm nay song đã diễn ra rất nhiều cuộc họp bàn, thống nhất từ Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể huyện cho đến xã, thị trấn và các thôn, khu dân cư. "Tôi trực tiếp chủ trì hội nghị với các trưởng thôn, trưởng khu dân cư. Sau khi tất cả đã thông từ chủ trương, chính sách, lợi ích của việc mở đường, những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình vận động GPMB thì mới đi đến thống nhất triển khai dự án. Như kết quả đã thấy, cả tuyến đường hiện như một đại công trường, không chỉ đơn vị thi công mà ở đoạn tuyến nào cũng có sự chung tay giúp sức của bà con hai bên đường", đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện cho biết.
Trên cơ sở kế hoạch của huyện về tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, thị trấn Thanh Miện và xã Tứ Cường đã triển khai rộng rãi, mời đại diện tất cả các hộ dân liên quan đến để cho ý kiến. Hiểu rõ việc mở rộng đường sẽ mang lại lợi ích ra sao đối với bộ mặt đô thị và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhân dân đều nhất trí cao. Trong quá trình GPMB, có trường hợp hộ dân còn chần chừ chưa hiến đất thì hộ bên cạnh đã sang nhắc nhở, động viên. Do vậy, ban đầu từ 1 hộ, 2 hộ, nhiều hộ, cho đến cả dãy phố, cả xóm sát mặt đường nhắc nhau khẩn trương hiến đất, tự phá dỡ công trình, chặt cây, tự bỏ kinh phí xây dựng lại tường rào, nhà xưởng.
"Để có kết quả rất đáng mừng này chúng tôi ghi nhận sự đóng góp, hiến đất, hiến công rất chân thành của người dân. Đặc biệt, có hộ dân còn viết đơn xin tự nguyện hiến đất để mở rộng đường." Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện |
|
"Để có kết quả rất đáng mừng này chúng tôi ghi nhận sự đóng góp, hiến đất, hiến công rất chân thành của người dân. Đặc biệt, có hộ dân còn viết đơn xin tự nguyện hiến đất để mở rộng đường. Ngoài ra, các đơn vị viễn thông, nước sạch, điện có công trình bị ảnh hưởng cũng đã thể hiện tinh thần vì cộng đồng, chung tay cùng địa phương tháo gỡ những vướng mắc", đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết thêm.
Tuyến đường nói trên có tổng chiều dài lên tới 2.544m, đi qua nhiều khu dân cư, thôn xóm của thị trấn Thanh Miện và xã Tứ Cường. Ở các địa phương khác, các hộ dân thường được hỗ trợ, bồi thường kinh phí khi GPMB nhưng tại Thanh Miện người dân hoàn toàn ủng hộ mà không nhận bất kỳ một khoản tiền nào.
Theo ông An Đăng Sáng, Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Miện, ngoài chỉ đạo sát sao của huyện, sự ủng hộ nhiệt tình, không vụ lợi hơn 300 hộ bị ảnh hưởng thì vai trò của lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Miện, UBND xã Tứ Cường cho đến trưởng các thôn, khu dân cư là cực kỳ quan trọng. Tất cả mọi người cùng đồng lòng tuyên truyền, vận động, chủ động hiến đất nên đã tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Có thể khẳng định khi hoàn thành đây sẽ là một công trình điển hình của sự đồng tâm, hiệp lực giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân trong huyện.
Theo đại diện UBND thị trấn Thanh Miện, toàn thị trấn có tới 166 hộ với tổng số 13.272 m2 đất liên quan đến GPMB để mở rộng con đường này. Trước đây tuyến đường nội thị chỉ rộng 6 m, sau khi mở rộng sẽ thành 11m tính cả vỉa hè. Mặc dù là đất thị trấn, giá trị cao song các hộ đều đồng lòng ủng hộ mà không hề so đo tính toán. Trong số này có 25 hộ dân đã hiến 307 m2 đất ở; 134 hộ hiến 1.890 m2 đất hành lang giao thông; 6 hộ hiến 424 m2 đất 03; 64 hộ tự giải phóng tài sản trên đất. Đặc biệt có 1 hộ đã di chuyển mồ mả trên diện tích 16 m2 để nhường đất cho dự án.
Tại xã Tứ Cường cũng có tới 159 hộ với tổng số 3.686m2 đất liên quan đến việc mở rộng đường. Chỉ trong một thời gian ngắn tuyên truyền, 63 hộ dân ở xã Tứ Cường đã hiến cho địa phương 857 m2 đất ở; 11 hộ hiến 457 m2 đất 03; 3 hộ hiến 254 m2 đất nuôi thủy sản, 82 hộ hiến 1.274 m2 đất hành lang giao thông. Ngoài ra, còn có 87 hộ liên quan đến tài sản, hoa màu. 845 m2 đất khác bị ảnh hưởng của dự án cũng được người dân tự nguyện GPMB.
Theo dự kiến của huyện, toàn bộ tuyến đường sẽ được đưa vào sử dụng dịp cuối năm nay để người dân đi lại vui xuân, đón Tết. Khi tuyến đường hoàn thành, bộ mặt đô thị, làng quê sẽ khang trang, hiện đại hơn. Việc đi lại, giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân từ đó cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, huyện rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng một số đoạn vỉa hè, hệ thống chiếu sáng để đồng bộ với cả tuyến đường, tương xứng với sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.
CẨM GIANG