Giải phóng mặt bằng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Vướng mắc ở xã Tái Sơn

12/07/2011 07:45

Việc 15 hộ dân ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) chưa nhận tiền đền bù, chưa di chuyển để bàn giao mặt bằng làm đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có nhiều nguyên nhân. Các cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết...



Trong ảnh là một trong 15 nhà dân ở thôn Ngọc Trấn, xã Tái Sơn
chưa bàn giao mặt bằng làm đường cao tốc. Ảnh: AT


Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn huyện Tứ Kỳ phục vụ xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 15 hộ ở xã Tái Sơn chưa nhận tiền đền bù, chưa di chuyển, mặc dù công việc này lẽ ra phải hoàn thành cách đây 3 năm.

Xã Tái Sơn có 37 hộ thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất ở phục vụ làm đường cao tốc. Từ năm 2008, Hội đồng GPMB của huyện cùng xã triển khai các bước thực hiện công tác đền bù, GPMB, đến nay đã có 22 trong tổng số 37 hộ nhận tiền đền bù. 15 hộ dân thuộc 2 thôn Ngọc Trấn và thôn Trung Sơn chưa nhận tiền đền bù, do còn một số điểm thắc mắc. Ông Trương Công Trọng ở thôn Ngọc Trấn là một trong 15 hộ nói trên cho biết: Năm 2008, Hội đồng GPMB của huyện yêu cầu chúng tôi trong vòng một tháng phải di dời toàn bộ nhà cửa, các công trình phụ, chuồng trại nhưng không thấy Hội đồng GPMB bàn bạc cụ thể nên chúng tôi không biết mình phải di dời đến đâu, được đền bù những gì, mức đền bù như thế nào? Phương án đền bù do Hội đồng GPMB của huyện đưa ra còn nhiều điểm bất hợp lý. Đất các hộ di dời cả hai thôn đều là đất xã cấp cho trước năm 1993 (trước khi có Luật Đất đai) nhưng có gia đình được đền bù toàn bộ là đất ở, trong khi chúng tôi chỉ được tính đền bù 200 m2 đất ở, còn lại là đất vườn (giá đền bù đất vườn chỉ bằng một nửa giá đất ở). Hầu hết diện tích các hộ dân chúng tôi có từ 500 đến 700 m2. Nếu đền bù như vậy, mỗi hộ chúng tôi bị thiệt từ 300 - 400 triệu đồng. Những gia đình được đền bù 100% diện tích đất ở là do họ còn giữ được hoá đơn thu tiền đất của xã. Hầu hết các hộ dân chúng tôi không giữ lại được hoá đơn vì đã gần 30 năm nay. Chúng tôi cũng kiến nghị hỗ trợ giá xây dựng nhà với hệ số K là 2,5 lần, bởi từ 2008 đến nay, giá vật liệu, giá xây dựng vượt lên gấp 2 đến 3 lần...

Ngoài những bất đồng trong việc tính toán phương án đền bù, còn một lý do khác khiến các hộ dân ở đây chưa di dời đến nơi tái định cư. Đó là do đến ngày 30-6-2011, khu tái định cư của xã vẫn chưa thi công xong, chưa có điện dân dụng, điện chiếu sáng, nước sạch, chưa hoàn chỉnh hệ thống thoát nước. Trục đường mới rải đá cấp phối, san lấp mặt bằng chưa hoàn chỉnh, chưa phân lô để giao cho các hộ dân. Trên 16.537 m2 diện tích khu tái định cư này, hiện còn 1.083 m2 chưa bàn giao được mặt bằng thi công. Công ty TNHH Xây dựng Việt Thanh là đơn vị trúng thầu xây dựng khu tái định cư xã Tái Sơn với giá trị xây lắp hơn 3,6 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Hội đồng GPMB huyện đã tạm ứng 1,8 tỷ đồng, song từ nhiều tháng qua, đơn vị này bỏ bễ công việc, không hoàn thiện nốt công trình.

Trước bức xúc của một số người dân xã Tái Sơn, chúng tôi đã làm việc với đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm cho biết: Vướng mắc tại xã Tái Sơn nguyên nhân là do nhiều hộ dân ở đây không đủ giấy tờ để chứng minh nguồn gốc đất ở. Để giải quyết dứt điểm vấn đề di dân ở xã Tái Sơn, Hội đồng GPMB huyện đã nhiều lần họp dân, giải thích những vấn đề khúc mắc các hộ phản ánh. Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, huyện chỉ đạo xã Tái Sơn cho họp dân, quân, chính, đảng, cán bộ xã qua các thời kỳ và các hộ chưa nhận tiền đền bù để xác định nguồn gốc đất của bà con. Nếu còn sổ sách ghi lại việc giao đất cho các hộ, có thu lệ phí, hằng năm các hộ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, Hội đồng GPMB huyện sẽ giải quyết. Sau cuộc họp, cán bộ xã qua các thời kỳ trước đây đã xác nhận nguồn gốc đất cho bà con trước khi có Luật Đất đai, đã thực hiện nghĩa vụ với xã, với Nhà nước. Đây là cơ sở để có thể đền bù 100% diện tích đất của bà con là đất ở. Với cách làm này, hầu hết bà con trong 15 hộ chưa nhận tiền đền bù đều đã đồng tình. Bên cạnh đó, việc quy định đền bù tài sản trên đất còn bất cập, như cửa gỗ đã cũ, lạc hậu không thể sử dụng cho những ngôi nhà mới; thiết bị vệ sinh cũng vậy, không được đền bù, nhưng đó là quy định của Nhà nước. Những điểm bất hợp lý đó huyện sẽ kiến nghị để các ngành chức năng xem xét. Hội đồng GPMB huyện đề nghị với tỉnh có chính sách hỗ trợ đơn giá bồi thường tài sản, vật kiến trúc với hệ số K 1,75, góp phần giảm bớt khó khăn cho các hộ dân xây dựng nhà bị trượt giá vật liệu, giá nhân công xây dựng. Huyện chỉ đạo xã Tái Sơn đã cắm mốc, phân lô, làm thủ tục giao cho các hộ dân thuộc diện di dời  có đất làm nhà.

Những tồn tại vướng mắc trong đền bù, GPMB ở xã Tái Sơn đang là vấn đề cần quan tâm. Việc 15 hộ dân xã Tái Sơn chưa nhận tiền đền bù, chưa bàn giao mặt bằng, làm chậm tiến độ thi công của tuyến đường cao tốc là hạn chế của Hội đồng GPMB huyện Tứ Kỳ. Những kiến nghị của các hộ dân có việc chính đáng, có việc chưa hợp lý, cần tiếp tục gặp gỡ, phân tích rõ hơn để dân hiểu và chấp hành. Hội đồng GPMB tỉnh cần sâu sát hơn trong việc kiểm tra, chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng Việt Thanh nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư xã Tái Sơn để tạo thuận lợi cho nhân dân đến nơi ở mới. 15 hộ dân thôn Ngọc Trấn và thôn Trung Sơn phải nghiêm túc chấp hành chủ trương của Chính phủ, nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu  trong tháng 7-2011 để bảo đảm tiến độ thi công.

TRUNG TRỰC

(0) Bình luận
Giải phóng mặt bằng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Vướng mắc ở xã Tái Sơn