Đoàn Luật sư tỉnh hiện có 45 người hoạt động tại 14 tổ chức hành nghề và 2 công ty luật.
Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh lần thứ IX đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao vai trò của tổ chức này trong nhiệm kỳ 2018-2023
Đây là con số khiêm tốn so với tổng số hơn 1,7 triệu dân và khoảng 13.500 doanh nghiệp của tỉnh. Tỷ lệ luật sư trên số dân, số doanh nghiệp của Hải Dương hiện đều thấp hơn nhiều lần so với trung bình cả nước.
Trong số 45 luật sư của đoàn, 14 người đã trên 70 tuổi (chiếm 31,1%), 11 người tuổi từ 60 - 70 (chiếm 24,4%). Dù các luật sư lão thành có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ nhưng sức khỏe hạn chế nên ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động nghề nghiệp. Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, số luật sư chuyên sâu về đầu tư, kinh doanh, thương mại còn rất ít, chỉ khoảng 11%.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Đông, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, để cụ thể hóa mục tiêu phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng tăng của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh, đoàn sẽ thu hút, tạo nguồn luật sư từ những sinh viên người Hải Dương sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, cán bộ tư pháp - nội chính có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và nguyện vọng gia nhập Đoàn Luật sư và hành nghề luật sư tại Hải Dương. Một giải pháp nữa là động viên các luật sư người Hải Dương tại các địa phương khác về tỉnh hành nghề; có cơ chế thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện cho những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký tập sự hành nghề luật sư, gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh. Đoàn sẽ phối hợp với Sở Tư pháp đề nghị Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp mở các lớp đào tạo nghề luật sư riêng cho Hải Dương, tạo điều kiện, hỗ trợ các học viên là người Hải Dương tham gia các lớp đào tạo nghề luật sư, nhất là những cử nhân luật mới ra trường có nguyện vọng hành nghề luật sư tại tỉnh.
Luật sư Nguyễn Trọng Quyết, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đề xuất giải pháp giảm mức phí tập sự hành nghề, phí gia nhập Đoàn Luật sư. Theo quy định, mức phí cao nhất đối với người tập sự hành nghề luật sư là 5 triệu đồng, đối với người gia nhập Đoàn Luật sư là 10 triệu đồng. Việc áp dụng mức phí thấp hơn mức cao nhất sẽ góp phần thu hút nhiều luật sư tham gia Đoàn Luật sư. Bởi số tiền giảm tuy không quá nhiều nhưng rất có ý nghĩa với các học viên mới ra trường, các luật sư trẻ, thể hiện sự chia sẻ của đoàn với những khó khăn bước đầu của họ.
Trong 5 năm (2013-2018), Đoàn Luật sư tỉnh đã tham gia tố tụng 1.254 vụ, đại diện ngoài tố tụng 24 vụ, tư vấn pháp luật miễn phí 1.228 vụ, các lĩnh vực hoạt động khác 1.003 vụ, trợ giúp pháp lý 554 vụ. Các luật sư đã tích cực tham gia các vụ án hình sự, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách, tham gia ý kiến xây dựng pháp luật. Chất lượng của luật sư đang từng bước được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa, số lượng vụ việc, phạm vi hoạt động ngày càng được mở rộng. Qua đó góp phần bảo vệ công lý, phục vụ mục tiêu cải cách tư pháp và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, để nâng cao vai trò của mình, các tổ chức hành nghề luật sư chú trọng củng cố, kiện toàn theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chuyên sâu, cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng cao. Đội ngũ luật sư tích cực tham gia hoạch định chính sách, xây dựng, giám sát thực thi pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Luật sư Nguyễn Kiều Đông cho biết Đoàn Luật sư tỉnh mong muốn phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh thực hiện các chương trình, chuyên đề về luật sư, nghề luật sư, các vụ việc có sự tham gia của luật sư… Từ đó góp phần giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân có cái nhìn toàn diện và hiểu rõ hơn về vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng nói riêng và trong xã hội nói chung.
Đoàn Luật sư tỉnh sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ. Nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi luật sư, vững vàng về bản lĩnh chính trị, tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, bảo vệ công lý và thực hiện công bằng xã hội.
HÀ NGA