Giải pháp giảm tai nạn giao thông

25/11/2012 08:34

Việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện.


Sau gần 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển và quản lý giao thông vận tải, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chính phủ và các địa phương đã nhận thức rõ nguy cơ mất cân bằng giữa nhu cầu giao thông với năng lực cung ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cũng như giữa mức độ phức tạp của hoạt động giao thông vận tải với năng lực, hiệu quả của hệ thống quản lý, thi hành pháp luật. Sự mất cân bằng này là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trên các trục chính và các đầu mối giao thông trọng yếu. Đặc biệt là mức độ phức tạp và nghiêm trọng của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước. Giai đoạn 2002 - 2011, trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra 16 nghìn vụ TNGT, làm khoảng 11 nghìn người chết và hơn 13 nghìn người bị thương.

Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, chỉ thị tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt hàng loạt giải pháp, đồng thời thành lập Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm hình thành cơ chế tham mưu, giúp việc kịp thời, hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Chính phủ đã rất nỗ lực triển khai quyết liệt hàng loạt các giải pháp khác nhau tập trung vào 3 nhóm quan trọng gồm: phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông công cộng và tổ chức quản lý giao thông. Đến năm 2012, TNGT đã giảm đáng kể, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đã từng bước được nâng lên. Bước đầu, thiết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên phạm vi cả nước; TNGT đã giảm mạnh, trong đó số người chết giảm 17% so với cùng kỳ năm 2011. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể và cả cộng đồng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu bởi tình hình TNGT nhìn chung còn rất nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, số vụ ATGT gây thiệt hại lớn về người và tài sản vẫn ở mức cao, cho thấy tính bền vững và mức độ thách thức lớn trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý ATGT còn bất cập, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông chưa bảo đảm, một bộ phận không nhỏ người dân chưa tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, dịch vụ y tế sau TNGT còn hạn chế...

Hưởng ứng Chương trình "Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2011-2020" của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chính phủ đã cam kết đến năm 2020, giảm 50% số vụ chết và bị thương do TNGT so với năm 2011. Để làm tốt công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong đó, sự đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà văn hóa, chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực giao thông vận tải có ý nghĩa rất quan trọng.

Để có những giải pháp hiệu quả trong quản lý ATGT đòi hỏi phải có một hướng tiếp cận toàn diện, tổng thể. Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được xây dựng với cách tiếp cận: “kỹ thuật - giáo dục - cưỡng chế - cấp cứu y tế” và “thông tin - hợp tác - cộng tác - phối hợp” và được thể hiện qua 6 nhóm giải pháp lớn, bao gồm: giáo dục và tuyên truyền về ATGT đường bộ; thể chế, chính sách; kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông đường bộ; cưỡng chế thi hành pháp luật về giao thông đường bộ; phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT đường bộ. Đồng thời, xác định 10 giải pháp đột phá từ nay đến 2015 và 30 chương trình, dự án đầu tư cho giai đoạn từ nay đến 2020.

Cũng phải khẳng định văn hóa giao thông cần trở thành yếu tố quan trọng góp phần làm giảm TNGT. Trong đó, văn hóa giao thông bao gồm cả 2 mặt: văn hóa vật chất là hạ tầng kỹ thuật giao thông, phương tiện giao thông, thiết bị điều hành giao thông; văn hóa tinh thần gồm luật giao thông, cách thực thi luật, hành vi tham gia giao thông, trách nhiệm và tâm lý giao thông... Văn hóa giao thông là yếu tố rất quan trọng góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông; làm giảm tỷ lệ TNGT, xây dựng nét đẹp văn hóa của người tham gia giao thông. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện.

NGUYÊN HÀ

(0) Bình luận
Giải pháp giảm tai nạn giao thông