"Giải cứu" nông sản - Nghĩa cử cao đẹp giữa mùa dịch

22/02/2021 07:04

Dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho việc tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn nông sản trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Để "giải cứu" cho nông dân, các ngành, đoàn thể, cá nhân, tổ chức đã chung tay giúp sức.


Đoàn viên thanh niên xã Định Sơn (Cẩm Giàng) mở gian hàng miễn phí cung cấp nông sản cho người dân

Chung tay hỗ trợ

Thời điểm này, người dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đang khẩn trương dọn ruộng từ trồng rau sang cấy lúa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên rau không bán được, bà con phải kêu gọi người đến giúp thu hoạch. Đã có nhà vì không tiêu thụ được phải nhổ su hào, bắp cải bỏ đi. Thế nhưng chỉ sau một ngày thông tin đó được lan truyền, Huyện đoàn Tứ Kỳ đã huy động hàng trăm đoàn viên thanh niên đến các xã có nhiều rau như Hưng Đạo, Nguyên Giáp để thu hoạch giúp nông dân. Ông Vũ Văn Kiên, một người dân ở xã Hưng Đạo có hơn 2 sào su hào cho biết: "May có thanh niên thu hoạch giúp chứ không tự tay chúng tôi nhổ bỏ đi thì tiếc lắm. Với tiến độ này chúng tôi sẽ cấy đúng thời vụ". Ngoài ông Kiên, nhiều nhà khác trong xã đã ủng hộ rau để chuyển cho các vùng có dịch mà không lấy tiền. Chỉ trong 3 ngày từ 18 đến 20.2, Đoàn Thanh niên huyện Tứ Kỳ đã thu hoạch được gần 50tấn su hào, 14 tấn tỏi tây chuyển cho các đầu mối như Tỉnh đoàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương và một số huyện khác.

Đến ngày 20.2, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã thu hoạch, giải cứu gần 50 tấn rau củ giúp nông dân. Ngoài việc hỗ trợ cho vùng dịch, Tỉnh đoàn còn kết nối với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua giúp người dân.


Thu hoạch nông sản để chuyển về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp cho những nơi có nhu cầu

Khi khu dân cư Phạm Xá, xã Hiến Thành (Kinh Môn) bị phong tỏa, gia đình chị Ngô Thị Toan (cùng khu) đứng ngồi không yên vì có 3 sào hành. Nếu không có người thu hoạch giúp là gia đình chị coi như mất trắng. Với sự chung tay của các ngành, đoàn thể, nông sản ở khu vực này đã được "giải cứu" thuận lợi. Chị Toan nói: "Trong lúc gian nan mới thấy được sự đoàn kết của các chị em".

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, đến nay các cấp hội đã thu hoạch và "giải cứu" hàng chục tấn rau, củ, hơn 10 vạn quả trứng cho người dân. Hiện nay, Tỉnh hội đã liên hệ với một số cơ sở kinh doanh ở tỉnh khác thu mua nông sản. Xe chở nông sản sẽ chuyển đến điểm giáp ranh, được khử trùng sau đó khách hàng sẽ đến điểm đó đưa đi.

Trong 3 ngày, từ ngày 19 đến 21.2, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 40 tấn rau, củ, quả và gần 70.000 quả trứng gà, vịt. Thông qua nhóm Zalo, HND tỉnh đã liên hệ chặt chẽ với các cấp hội huyện, xã để rà soát cập nhật số lượng các mặt hàng nông sản. Từng thành viên trong văn phòng HND tỉnh qua mọi mối quan hệ tập thể, cá nhân để liên hệ với các tổ chức xã hội, chính quyền các địa phương trong và ngoài tỉnh, chủ động kết nối với các doanh nghiệp của thành phố Hà Nội; các đơn vị thu mua nông sản an toàn ở trong tỉnh, các bếp ăn trong khu công nghiệp… để tiêu thụ nông sản.

Sáng 21.2, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tiếp nhận hơn 10 tấn rau, củ, 1.500 thùng mì tôm, 2.500 quả trứng. 

Trong đó, LĐLĐ  huyện Tứ Kỳ đã thu mua giúp bà con xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) 6 tấn su hào, 200kg cà chua, 500 chiếc cải bắp và 50 kg tỏi tây. Công đoàn ngành công thương tiếp nhận ủng hộ gần 3 tấn rau và 2.500quả trứng của Công đoàn Công ty TNHH Giầy Continuance Việt Nam. LĐLĐ TP Hải Dương và huyện Cẩm Giàng phối hợp với đoàn thiện nguyện ủng hộ 6 tạ rau và 1.500 thùng mì tôm.      

Chiều cùng ngày, tất cả số rau, củ, trứng, mì tôm trên đã được LĐLĐ tỉnh Hải Dương chuyển đến ủng hộ công nhân lao động tại khu nhà trọ ở các xã Cẩm Điền, Cẩm Phúc, Cẩm Đông, Tân Trường, thị trấn Lai Cách, nhà trọ Công ty TNHH Giầy Continuance Việt Nam cùng ở huyện Cẩm Giàng.

Trong đại dịch này, ngành nông nghiệp tỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ. Đơn vị đã chủ động kết nối hơn 50 doanh nghiệp, đơn vị về thu mua nông sản. Đến ngày 20.2 đã thu mua 6.358 con lợn; 890.450 con gia cầm; 1.450.000 quả trứng gà, vịt, cút; 80.250 kg thịt lợn, thịt lợn sữa; 300 tấn cà rốt; 500 tấn su hào, cải bắp. Song song với việc hỗ trợ tiêu thụ, sở đã hướng dẫn các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp phải bảo đảm an toàn dịch bệnh trong sản xuất.

Ngoài ra, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội đã cùng nhau kêu gọi chung tay thu mua nông sản với tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nông dân trong tỉnh vượt qua khó khăn.


Cán bộ Hội Nông dân tỉnh xếp hàng rau củ để chuyển đi Hà Nội tiêu thụ

Ấm lòng người nhận

Sau khi thu gom lương thực, thực phẩm, nông sản, các ngành, đoàn thể đã khẩn trương chuyển đến nơi có dịch, khu cách ly để hỗ trợ mọi người. Hoạt động kịp thời đó đã sưởi ấm lòng nhiều người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. Anh Lê Thanh Lãm, một tình nguyện viên trong khu cách ly của Trường Đại học Hải Dương cho biết: "Mỗi suất ăn hằng ngày chúng tôi ăn đều được chu cấp từ phía hậu phương. Bếp ăn ở đây được hỗ trợ đầy đủ về rau, lương thực". Nhiều khu cách ly tập trung thiếu rau, sau khi đăng tải cần hỗ trợ trên mạng xã hội đã có nơi mang thực phẩm đến tận nơi.

Nhiều ngày nay, Đoàn Thanh niên xã Định Sơn đã mở gian hàng miễn phí cung cấp rau, củ cho người dân trong xã, các khu vực phong tỏa. Đoàn xã đã thu hoạch gần 20 tấn rau (người dân cho) để phân phối đi các bếp ăn cho khu cách ly, chốt trực kiểm soát dịch. Anh Nguyễn Văn Thường, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Định Sơn cho biết đây là hoạt động đang thu hút nhiều sự quan tâm, khuyến khích của người dân.  Chị Vũ Thị Thuấn đang quản lý và làm nhiệm vụ nấu ăn tại bếp ăn của thị trấn Lai Cách cho biết mỗi ngày bếp ăn nấu khoảng 35 suất cơm. Thức ăn, rau, củ đều tươi sống, được cung cấp từ các đoàn thiện nguyện, tổ chức, đoàn thể. "Những lúc như thế này, chúng tôi thấy rõ sự đoàn kết, gắn bó của mọi người, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh", chị Thuấn nói.

Rau từ các vùng quê cũng đang được chở đến phân phát cho nhiều người dân thành phố. Công việc này do những tình nguyện viên bỏ công sức, tiền xăng xe ra thực hiện. Họ làm với tinh thần nghĩa hiệp.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thời gian tới sở tiếp tục hướng dẫn sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ bảo đảm an toàn; đồng thời liên hệ, vận động với các đơn vị, thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua nông sản. Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, HND và nhiều tổ chức, cá nhân khác đều có các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho người dân trong thời gian tới. Ngoài việc vận động người dân trong tiêu thụ thì các cơ quan cũng tích cực liên kết với doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua.

Hy vọng với nhiều biện pháp hỗ trợ từ Trung ương, các tỉnh bạn và sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cơ quan, ban, ngành trong việc tháo gỡ những vướng mắc về vận chuyển hàng hóa trong điều kiện vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và phong tỏa nhiều địa bàn, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân Hải Dương sẽ có đột phá trong những ngày tới, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao như cà rốt, trứng gia cầm...

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Giải cứu" nông sản - Nghĩa cử cao đẹp giữa mùa dịch