Chính quyền các địa phương có công trình còn "đắp chiếu" cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp tới đầu tư, cải tạo, để sớm đưa vào sử dụng...
Sau 6 năm bị bỏ hoang, trạm cung cấp nước sạch xã Hồng Khê đã được cải tạo,
sử dụng, phục vụ nhu cầu của 900 hộ gia đình
Trong khi người dân đang khát nước sạch thì các công trình cung cấp nước sạch bị bỏ quên, không được sử dụng và dần rơi vào tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay ở một số địa phương trong tỉnh, gây lãng phí, thiệt hại lớn về kinh tế.
Những công trình tiền tỷ bị bỏ hoangHiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 công trình cấp nước sạch được xây dựng từ vốn đầu tư của Chương trình quốc gia về nước sạch nhưng không thể đưa vào sử dụng, đó là ở các xã: Lê Hồng (Thanh Miện), Hiệp Hòa (Kinh Môn), Hưng Long (Ninh Giang). Các công trình kể trên đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nếu để kéo dài thêm một vài năm nữa thì những máy móc trị giá hàng trăm triệu đồng sẽ trở thành sắt vụn. Ông Nguyễn Đình Cách, Trưởng thôn Hào Khê, xã Hưng Long, cho biết: “Năm 2001, trạm nước sạch xã được xây dựng với kinh phí trên 500 triệu đồng, công suất 350m3/ngày đêm nhưng chục năm nay vẫn chưa hoạt động nên máy móc, đường ống phơi ngoài trời đều bị hoen gỉ”. Trạm cấp nước xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Mặc dù đã hoàn thành từ năm 2000, có công suất 500m3/ngày đêm nhưng đến nay vẫn... bỏ hoang.
Tại xã Lê Hồng thực trạng còn đáng buồn hơn. Trạm cung cấp nước sạch được xây dựng năm 2001 với kinh phí gần 460 triệu đồng để phục vụ nhu cầu nước sạch cho 400 hộ gia đình thôn Hoành Bồ. Thời điểm đó, một số cá nhân đã đứng ra góp vốn đối ứng để lắp đặt hệ thống đường ống chính đi đến các khu dân cư, đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Khi đó, 90% số hộ dân trong thôn cũng đã đầu tư công - tơ, đường ống dẫn nước vào nhà để dùng. Thế nhưng công trình chỉ mới hoạt động gần một tháng thì “ đắp chiếu” tới nay. Nguyên nhân là do những bất đồng về hợp đồng sử dụng, khai thác công trình giữa UBND xã, người dân với những cá nhân góp vốn đối ứng không được giải quyết. Hiện nay, cơ sở hạ tầng, hệ thống máy móc, đường ống của trạm đã hư hại và xuống cấp nghiêm trọng.
Ngoài ra, trạm cung cấp nước sạch xã Tân Trào (Thanh Miện) được đầu tư gần 1 tỷ đồng với công suất 500m3/ngày đêm nhưng từ nhiều năm nay trạm chỉ cung cấp nước sạch cho các trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã còn người dân thì vẫn hoàn toàn “xa lạ” với nước sạch. Do nhiều năm không được bảo dưỡng, tu sửa, công trình này cũng đang lâm vào tình cảnh “sống dở, chết dở”.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do trước đây, theo quy định, việc xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung thì Nhà nước đầu tư 60% kinh phí để xây dựng công trình đầu mối, còn lại 40% kinh phí để xây dựng hệ thống dẫn nước đến các hộ gia đình do địa phương và nhân dân đóng góp. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, các xã lại không khảo sát nhu cầu thực sự về nước sạch của người dân mà vội vàng triển khai dự án nên cuối cùng không huy động được vốn đối ứng. Vì vậy, công trình đầu mối xây dựng xong, nhưng người dân lại không thể dẫn nước về nhà.
Kinh nghiệm từ Hồng Khê, Bạch ĐằngNăm 2004, trạm cung cấp nước sạch xã Hồng Khê (Bình Giang) được xây dựng với số vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình này cũng rơi vào tình trạng “đắp chiếu” suốt 6 năm liền. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, người dân nơi đây đã được chứng kiến sự “hồi sinh” của trạm cấp nước này. Năm 2010, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Việt Đức (trụ sở ở quận Lê Chân, Hải Phòng) đã về tìm hiểu, khảo sát thực tế và đầu tư gần 8 tỷ đồng cải tạo, thay thế máy móc, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước để đưa công trình vào hoạt động. Từ một công trình có nguy cơ trở thành hoang phế, hiện nay, trạm nước sạch xã Hồng Khê đang cung cấp nước sạch tới hơn 900 hộ dân trên địa bàn 2 xã Hồng Khê và Thái Học với giá 5.500 đồng/m3. Gia đình ông Nguyễn Gia Phát, ở thôn Trinh Nữ, là một trong những hộ đầu tiên của xã đăng ký sử dụng nước sạch. Ông Phát cho biết: “Khi biết trạm đi vào hoạt động là tôi đăng ký dùng ngay. Trước đây nhà tôi toàn sử dụng nước giếng khoan, biết là không bảo đảm nhưng không có cách nào khác. Từ ngày dùng nước máy, ăn uống thấy yên tâm hơn, thậm chí quần áo sau khi giặt cũng sạch hơn mà giá cả lại phù hợp. Tôi đang xây một bể chứa nước 6 m3 để sử dụng thường xuyên trong nhà”.
Ông Nguyễn Minh Thủy, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Việt Đức, cho biết: “Thời gian đầu, do điều kiện kinh tế còn khó khăn cũng như thói quen của người dân nông thôn từ lâu chỉ dùng nước mưa và nước giếng khoan nên mới có vài chục hộ sử dụng. Sau một thời gian chứng kiến những lợi ích thiết thực của việc dùng nước sạch đem lại, số hộ ký hợp đồng sử dụng nước sạch với trạm tăng dần lên. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nước sạch của người dân, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng phạm vi cung cấp nước của trạm tới các xã lân cận”.
Trạm cung cấp nước sạch xã Bạch Đằng (Kinh Môn) sau thời gian dài bị bỏ hoang cũng đã được đưa vào hoạt động. Năm 2009, chính quyền xã, các đoàn thể đã đứng ra tín chấp, tạo điều kiện để người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng bể chứa, lắp đặt đường ống dẫn nước vào các gia đình. Mặc dù chi phí mỗi gia đình phải bỏ ra là 1,8 triệu đồng nhưng hiện nay đã có 150 hộ dân ở thôn Trạm Lộ sử dụng nước sạch. Ông Nguyễn Văn Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết: “Là một xã miền núi, kinh tế còn khó khăn nhưng người dân ở đây rất hưởng ứng việc dùng nước sạch. Chỉ cần xây dựng đường ống chính dẫn tới các thôn là các hộ sẵn sàng vay vốn để đầu tư đưa nước sạch về nhà. Hiện nay, chính quyền xã đang kêu gọi các cá nhân, tổ chức có điều kiện để tham gia cổ phần hóa nhà máy nước. Nhưng một vướng mắc là ngành, các cấp cao hơn chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về vấn đề này nên các doanh nghiệp dù muốn tham gia thì vẫn còn e ngại”.
Hiện nay, môi trường nước đang ngày càng ô nhiễm khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trở nên bức thiết. Hơn nữa, nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch là một tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, chính quyền các địa phương có công trình còn "đắp chiếu" cần tranh thủ mọi điều kiện để huy động nguồn vốn xã hội hóa, có chính sách thu hút các doanh nghiệp tới đầu tư, cải tạo, để đưa những công trình trên vào sử dụng. Ngược lại, nếu không thể đưa công trình vào hoạt động thì phải có biện pháp thanh lý, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tháo dỡ thiết bị để chuyển đầu tư cho các xã khác, chấm dứt tình trạng "buông xuôi" như hiện nay.
HOÀNG BIÊN