Giải bài toán thiếu giáo viên thế nào?

25/08/2018 07:44

Một vấn đề được khá nhiều người quan tâm trước thềm năm học mới này là tỉnh ta đang thiếu giáo viên do số lượng học sinh tăng tới hơn 9.000 em so với năm học trước.

Trong khi đó, tỉnh đã dừng chi trả tiền công đối với toàn bộ giáo viên hợp đồng vượt định mức biên chế từ ngày 31.5.2018, đẩy nhiều trường học vào tình trạng bối rối không biết bố trí giáo viên thế nào khi năm học mới đã cận kề.

Nhưng tôi cho rằng những con số trên mới phản ánh được một mặt của vấn đề, còn nhiều khía cạnh khác trong câu chuyện này chưa được đề cập. Đó là việc các giáo viên hiện có ở nhiều trường tiểu học, THCS đã dạy đủ định mức số tiết theo quy định chưa vẫn chưa được rà soát, thống kê đầy đủ. Thực tế, nếu chỉ xét trên tổng số học sinh thì có thể trường này, trường kia thiếu giáo viên so với định mức giáo viên/lớp nhưng nhìn từ từng bộ môn cụ thể thì vẫn có tình trạng nhiều giáo viên chưa dạy đủ số tiết/tuần theo quy định. Có trường thiếu giáo viên, song cũng có trường lại đang thừa, hoặc trong cùng một trường có thể thiếu giáo viên môn này nhưng lại thừa giáo viên môn khác. Thậm chí có trường còn tranh thủ đối tượng học sinh khuyết tật để có thể chia lớp với sĩ số ít hơn mức tối thiểu, tạo điều kiện để tăng số lớp... Hầu như năm nào ngành giáo dục cũng làm công tác điều tra phổ cập giáo dục, hoàn toàn có thể dự báo quy mô học sinh trong vòng 5-6 năm. Vì vậy có thể chủ động xây dựng phương án từ sớm chứ không phải đợi đến sát nút mới loay hoay vì thiếu.

Để giải bài toán thiếu giáo viên mà không tăng biên chế, ngành giáo dục đang triển khai việc sắp xếp, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ; bố trí dạy tăng tiết đối với số giáo viên hiện có. Tuy nhiên, nếu cứ áp dụng cách làm cũ, giáo viên chỉ đóng khung dạy cho một trường thì sẽ khó tận dụng triệt để đội ngũ hiện có. Các phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố hoàn toàn có thể rà soát, điều động giáo viên từ trường thừa về trường còn thiếu hoặc tạo cơ chế để giáo viên trong biên chế có thể dạy cùng lúc 2-3 trường, trong đó có 1 trường chính thức) để giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ từng môn.

Một vấn đề nữa rất đáng quan tâm là hiện đội ngũ nhân viên hành chính đang chiếm quá nhiều biên chế của ngành giáo dục. Có nhất thiết mỗi trường phải có 1 kế toán, 1 thủ quỹ, 1 văn thư hay không là vấn đề đã được tỉnh đặt ra, song đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Đội ngũ này đã được các địa phương rà soát, nhưng sắp xếp thế nào để thu gọn lại, dành biên chế ấy cho giáo viên vẫn đang là bài toán khó.

Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, song không có nghĩa chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, biên chế nhà nước. Đã đến lúc tìm cách giải bài toán thiếu giáo viên bằng việc tạo cơ hội để các trường tư thục phát triển. Xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có giáo dục là xu hướng tất yếu trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp và yêu cầu tinh giản biên chế như hiện nay.

   HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán thiếu giáo viên thế nào?