Giải bài toán thiếu bác sĩ

19/01/2012 16:59

Tình trạng thiếu bác sĩ đã gây ra áp lực lớn đối với ngành y tế, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.



So với chỉ tiêu quy định, ngành y tế hiện còn thiếu 316 bác sĩ


Theo Sở Y tế, mỗi năm ngành y tế có gần 30 bác sĩ, dược sĩ đại học nghỉ hưu. So với chỉ tiêu quy định, ngành y tế hiện còn thiếu 316 bác sĩ, trong đó tuyến huyện thiếu 106 bác sĩ, tuyến xã thiếu 89 bác sĩ. Tỷ lệ mới chỉ đạt 6,04 bác sĩ/1 vạn dân. Tình trạng thiếu bác sĩ đã gây ra áp lực lớn đối với ngành y tế, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang quy mô 120 giường bệnh (thực kê là 160 giường) với 13 khoa, phòng chức năng và 1 Phòng khám Đa khoa khu vực Sặt (thị trấn Kẻ Sặt). Quy mô giường bệnh tăng từ 90 giường năm 2005, đến nay là 120 giường bệnh nhưng số lượng bác sĩ luôn chỉ dao động ở 19-20 người, thiếu từ 3-4 người. Trong 6 năm qua, bệnh viện đã tuyển dụng 4 đợt, có năm tuyển được 2-3 bác sĩ nhưng lại bù vào số người nghỉ hưu nên vẫn trong tình trạng thiếu bác sĩ. Hiện tại, bệnh viện có 5 bác sĩ đang đi học nên chỉ còn 15 người gánh vác công việc. Mỗi khoa có từ 2-3 bác sĩ nhưng đa số phải kiêm nhiệm công việc tại phòng khám. Giữa năm 2011, bệnh viện đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng khu nhà khám bệnh-cận lâm sàng gồm 11 phòng, đầu tư thêm một số trang thiết bị, máy móc hiện đại nên đã thu hút nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị. Mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 350- 400 lượt người đến khám bệnh, tăng gần gấp đôi so với trước kia. Trong khi đó, Khoa Khám bệnh cận lâm sàng chỉ có 2 bác sĩ nên thường xuyên phải huy động các bác sĩ ở những khoa khác sang khám. Tất cả bác sĩ ở các khoa đều phải kiêm nhiệm công việc. Thiếu bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện phải kiêm nhiệm, trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân. Điển hình như liên chuyên khoa Tai mũi họng- Răng hàm mặt- Mắt chỉ có 1 bác sĩ nên đồng chí Phó Giám đốc bệnh viện kiêm  bác sĩ trưởng khoa. Đồng chí Giám đốc bệnh viện kiêm nhiệm việc phẫu thuật tại khoa ngoại. Các bác sĩ phải chủ động đến sớm khám bệnh cho bệnh nhân điều trị nội trú sau đó sang khám cho bệnh nhân tại khu vực phòng khám. Không những thiếu bác sĩ, bệnh viện còn xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” khi có 3 trường hợp sau đi học nâng cao về đã chuyển công tác lên bệnh viện tuyến tỉnh và ngoài tỉnh. Ông Ứng Minh Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Tình trạng thiếu bác sĩ ảnh hưởng lớn tới chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân. Nhiều bác sĩ do áp lực công việc nên không có thời gian trò chuyện, thăm hỏi bệnh nhân, thậm chí khám bệnh qua loa gây bức xúc cho người bệnh. Thiếu bác sĩ cũng dẫn tới việc triển khai các kỹ thuật điều trị mới, kỹ thuật điều trị chuyên sâu không thể phát triển, mở rộng".

Tại tuyến xã, tình trạng thiếu bác sĩ khá trầm trọng. Huyện Bình Giang hiện chỉ có 8 trong tổng số 18 trạm y tế xã có bác sĩ. Việc thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến xã rất khó khăn nên huyện giải bài toán này bằng cách cử y sĩ tại địa phương đi đào tạo nâng cao. Theo đồng chí Lê Xuân Hậu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, có 3 xã gồm Hùng Thắng, Hồng Khê, Vĩnh Hồng hiện cũng không có nguồn để cử đi đào tạo. Thiếu bác sĩ, huyện phải luân chuyển bác sĩ giữa các xã để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân có hiệu quả.

Thanh Miện là một trong những huyện còn thiếu nhiều bác sĩ tuyến xã nhất tỉnh. Huyện hiện còn thiếu 8 bác sĩ tại tuyến xã, trong đó có 3 xã gặp khó như Hùng Sơn, Lam Sơn, Tứ Cường không có nguồn cử đi học; 5 xã khác có y sĩ đang học chuyên tu, năm 2012 mới có 1 người học xong. Nhiều trạm y tế xã, cán bộ y tế phải kiêm nhiệm khối lượng công việc lớn từ khám, chữa bệnh đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế… Thiếu bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh không “mặn mà” với trạm y tế xã mà vượt tuyến gây nên tình trạng quá tải cho tuyến trên.

Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến huyện, tuyến xã là do thu nhập ở các tuyến này thấp, chủ yếu bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, bác sĩ hầu như không có thu nhập thêm ngoài lương, còn nếu công tác tại tuyến trên thu nhập ngoài lương có khi gấp 2 - 3 lần… Hơn nữa, nhiều bác sĩ “ngại” về cơ sở do nghề bác sĩ phải đào tạo thời gian dài hơn các nghề khác, nếu không có môi trường thực hành tốt thì dễ bị “thui chột” tay nghề.

Theo ông Vũ Văn Trình, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế, trong những năm qua, Sở Y tế đã chủ động gửi công văn và trực tiếp đến Trường Đại học Y Hải Phòng, nơi có đông sinh viên là con em của tỉnh ta theo học (khoảng 70 người mỗi năm) để kêu gọi, thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp về tỉnh công tác. Ngành y tế cũng quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ đi học và hỗ trợ học phí. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có khoảng 30 - 40 sinh viên về tỉnh, phần lớn trong số đó lại về công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Năm 2012, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện tăng quy mô giường bệnh thì tình hình thiếu bác sĩ càng nghiêm trọng hơn.

Để đạt mục tiêu đến năm 2015, tỉnh ta đạt tỷ lệ 7,5 bác sĩ/1 vạn dân, UBND tỉnh vừa ban hành quy định xét tuyển đi đào tạo theo địa chỉ, hỗ trợ đào tạo và thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã thuộc tỉnh. Theo quy định này, người được UBND tỉnh cử đi đào tạo theo địa chỉ để nhận công tác tại tuyến xã trong tỉnh sẽ được hưởng mức hỗ trợ mỗi tháng học bằng 1 tháng lương tối thiểu chung. Đối với sinh viên đang học tại các trường đại học y, dược khi tốt nghiệp có nguyện vọng về công tác tại huyện, xã thuộc tỉnh được hỗ trợ 1 lần cho cả khóa học (1 tháng học tập bằng 1,5 tháng lương tối thiểu chung). Những bác sĩ, dược sĩ hệ chính quy công tác ở ngoài tỉnh, cơ sở y tế tư nhân, sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy tại đại học y, dược về công tác tại y tế tuyến huyện thuộc tỉnh được hỗ trợ 1 lần 80 triệu đồng và tuyến xã là 90 triệu đồng. Những đối tượng trên phải cam kết công tác tại y tế tuyến huyện, xã ít nhất 5 năm.

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán thiếu bác sĩ