Đạt đã nhiều đêm thức trắng, dầm mưa biên giới để bám sát các lối mở từ Quảng Ninh nối sang Trung Quốc.
"Có biết trước khi lập chốt, bọn mình ngủ ở đâu không?", Đạt chỉ tay xuống cống nước đang khô bên đường nói với tôi, đó là nơi che chở cho cậu và đồng đội những ngày đầu bám biên - khi Tết nguyên đán 2020 vừa qua vài ngày. Nhìn cống nước, nơi từng nghĩ chỉ có chuột trú ngụ, tôi trào nước mắt: "Vợ bạn biết không?". Cậu cười, "Vợ chỉ biết mình là bộ đội biên phòng, mình không kể chi tiết, sợ cô ấy lo".
Nguyễn Đắc Đạt là chốt trưởng kiểm soát phòng chống Covid-19 ở mốc 1302, thôn Khe Và, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Đạt đã bám biên hơn 6 tháng cho tới khi được đưa xuống núi cấp cứu vì đau bụng do sỏi thận hơn tuần trước. Đây là chốt cao nhất, đối mặt nhiều khó khăn nhất của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô. Chốt cách đồn gần 30 km, không điện, không nước, không Internet, xung quanh không có nhà dân, trong khi đường mòn qua Trung Quốc lại khá rộng, gia súc, gia cầm thường qua lại. Phụ trách chốt vì vậy cần người có năng lực, bản lĩnh và sức khoẻ. Đạt - chàng trai Hà Nội, đội trưởng vũ trang của đồn - được chọn.
Nhớ ngày lên bám biên khi Vũ Hán, Trung Quốc bùng phát dịch, nhiệt độ trên chốt 1302 chỉ khoảng 1-2 độ C, sương mù dày đặc, gió cắt thịt da, có lúc nấu nước pha mì mãi không sôi. Dọc đường tuần tra, cứ một đoạn, Đạt và đồng đội phải nhóm một đống lửa sưởi ấm. Hai bàn tay cậu đỏ tấy. Đôi chân có lúc tê cứng. Hơ trên lửa, tất cháy lem mà người chẳng hay.
"Kiểm soát chặt toàn bộ đường biên, ngăn nhập cảnh trái phép" - sau chỉ thị đó của Thủ tướng, Đạt và đồng đội không còn ngủ cống, được phát lều dã chiến lập chốt. Nhưng chiếc lều bạt mỏng manh không đủ sức chống lại khắc nghiệt của gió mưa biên ải. Họ nằm trên bãi đất trống đối diện lối mở nối thẳng sang Trung Quốc, ba bên lều là vực sâu.
Ngày đầu dựng xong lều, buổi tối trời đã mưa tầm tã, nước dột xuống những tấm ván kê dưới đất làm giường. Chăn gối ướt hết, bộ đội dầm mưa cả đêm. Hai ngày sau, mưa to kèm gió mạnh khiến các cọc giữ bị bật khỏi mặt đất. Lều bay xuống vực. Lần thứ ba, trước sức gió mạnh lên đến cấp 6, cấp 7, từng lớp lều bị gió bóc và cuốn đi, chỉ còn chiếc phản nằm trơ trọi với chăn màn đẫm nước. Khi tôi đến thăm, Đạt kể, may mắn sau đó đoàn công tác của huyện Bình Liêu đã hỗ trợ 30 triệu đồng để đồn Hoành Mô xây ngôi nhà tạm, kê đủ chiếc giường cho cậu và đồng đội có chỗ nghỉ sau ca gác.
Công cuộc chống dịch không dừng lại ở một, hai tháng. Nửa năm nay, từ mùa đông lạnh cắt thịt da đến mùa hè đổ lửa là lúc bụng Đạt râm ran đau đến khi viên sỏi thận to dần. Thế nhưng chàng trai Hà Nội vẫn cười bảo, đang lúc "chống dịch như chống giặc", người ít việc nhiều, bụng đau tí nghĩ là thường thôi chứ đi khám làm gì. Và phải đến khi không chịu được nữa, cậu mới báo cáo cấp trên và đi điều trị. Tôi đã lo lắng khi gọi cho Đạt nhiều lần không được, cho đến buổi tối hai hôm trước cậu gọi lại: "Tớ vừa ở phòng mổ ra".
Đạt bằng tuổi tôi, chàng trai Hà Nội chọn gắn bó với biên giới vì "cảm thấy công việc này thiêng liêng, ý nghĩa". Nhìn vào ánh mắt người lính, tôi biết đó là lời nói từ trái tim chứ không bởi "tô hồng cách mạng". Mà đâu chỉ một mình Đạt căng mình, quên đi nhu cầu cá nhân, quên đi nỗi nhớ con trai mới 3 tuổi để bám biên ngăn dịch bệnh xâm nhập vào đất nước qua đường bộ. Trong 20.000 quân nhân tham gia phòng chống Covid-19 với 10.000 bộ đội biên phòng và bác sĩ quân y, hậu cần, lái xe, hàng trăm người phải hoãn cưới vì nhiệm vụ. Có người bố mẹ mất không thể về đưa tiễn, phải lập bàn thờ chịu tang ở chốt tiền tiêu, biết bao nhiêu người không được gặp mặt người thân vài tháng... Vô vàn hy sinh tôi và đồng nghiệp không kể hết tên đã giúp Việt Nam 99 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Vậy mà, hàng trăm người Trung Quốc, với sự tiếp tay của chính những công dân đang được Đạt bảo vệ khỏi dịch bệnh, đã nhập cảnh trái phép vào nhiều tỉnh, thành. Họ vào Việt Nam, ung dung đi lại nhiều nơi mà không phải xét nghiệm, không bị cách ly phòng dịch.
Ngày 25.7, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam sáu thanh niên vì đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với giá 4.000 nhân dân tệ (tương đương 13 triệu đồng) mỗi người. Mười người Trung Quốc khác cũng bị Công an TP Lào Cai phát hiện nhập cảnh trái phép khi đang trên xe ô tô. Họ khai thuê nhóm người Việt với giá hơn 500.000 đồng để giúp vượt sông Nậm Thi, đi đường tiểu ngạch sang bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai. Ở Lạng Sơn, Hoàng Thị Thơm và Đinh Thị Từ đưa 8 người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua vực mốc 1219 thuộc đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma với thù lao cho mỗi người chỉ 250.000 nghìn đồng. Và vẫn còn những đường dây, những "thương nhân" không mời chúng ta chưa biết hết.
Luật pháp Việt Nam quy định, người giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép sẽ bị phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng; hành vi môi giới, tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép có thể bị phạt tù 1-15 năm. Song, các chế tài ở đây dường như không có ý nghĩa nhiều. Câu hỏi đau lòng hơn: Những người Việt vì đâu đã đạp đổ sự cố gắng của cả một dân tộc? Đạp đổ những nỗ lực tất cả chúng ta đã không thể đo đếm hết bằng mồ hôi, nước mắt, cả máu và tiền bạc, những đêm trắng... của hàng triệu con người.
Đạt và hàng trăm chiến sĩ sẽ vẫn ngày đêm ăn núi, ngủ rừng, chịu mọi gian khổ vì "chống dịch như chống giặc". Nhưng, có những kẻ địch ta không thể ngờ đến.
HOÀNG THÙY