Trong tuần qua, do giá dầu thô quay đầu giảm nên doanh nghiệp dự báo giá xăng dầu trong nước có thể giảm 450-1.050 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày mai.
Giá xăng dầu ngày mai dự báo giảm
Chiều 21.3, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật số liệu đến ngày 17.3 ghi nhận bình quân giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore giảm so với kỳ điều hành ngày 13.3. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 92,6 USD/thùng; xăng RON 95 là 96,9 USD/thùng.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 96,3 USD/thùng xăng RON 92; 100,2 USD/thùng xăng RON 95 và 103,1 USD/thùng dầu diesel.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối miền Nam cho biết từ sau kỳ điều hành ngày 13.3, giá dầu thô có xu hướng quay đầu giảm khoảng 4-5 USD/thùng.
Theo đó, nhiều khả năng giá xăng ngày mai giảm khoảng 400-650 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng hơn 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết giá xăng dầu có thể quay đầu giảm mạnh quanh mức 450-700 đồng/lít, còn dầu diesel giảm mạnh hơn 800-1.050 đồng/lít. Mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho đang ở mức 1.800-2.100 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ quay đầu giảm. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 5 lần tăng, 2 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 13.3, Petrolimex dương 2.290 tỷ đồng, PVOil âm 411 tỷ đồng, Saigon Petro 301 tỷ đồng, Petimex là 382 tỷ đồng...
Mới đây, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng xem xét đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ.
Theo doanh nghiệp, Thông tư 104 quy định chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.
Tuy nhiên, thông tư lại không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn và khâu bán lẻ nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như phần chi phí này.
Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất liên bộ Tài Chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới.
Theo Zing