Hiện nay, các nhà thầu xây dựng trong tình cảnh “tiến không được, lùi chẳng xong” vì biết chắc càng làm càng thua lỗ nhưng cũng không thể bỏ cuộc vì sẽ vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng đến uy tín.
Nhà thầu công trình cầu vượt thuộc dự án các hạng mục bổ sung nút giao lập thể Ba Hàng đang phải “ăn đong” vật liệu xây dựng từng ngày
Thời gian qua, giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng khiến các công trình xây dựng bị đội vốn lớn. Trước thực tế này, các doanh nghiệp (DN) trúng thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách gặp rất nhiều khó khăn. Dự án càng lớn, thua lỗ càng nhiều.
Lao đao vì giá
Hiện nay, các nhà thầu xây dựng trong tình cảnh “tiến không được, lùi chẳng xong” vì biết chắc càng làm càng thua lỗ nhưng cũng không thể bỏ cuộc vì sẽ vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng đến uy tín. Phần lớn DN xây dựng đều chấp nhận rủi ro từ biến động giá của thị trường nhưng với mức tăng giá đột biến của các loại VLXD như hiện nay, nhiều nhà thầu điêu đứng.
Tháng 8.2020, Công ty CP Xây dựng Tân Lộc ở TP Hải Phòng và liên danh đã trúng gói thầu xây dựng, lắp đặt thiết bị khối nhà khám, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. Hợp đồng có giá trị trọn gói hơn 275,6 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu, nhà thầu đã tập trung nhân lực, máy móc để thi công. Đến nay, công trình đã cơ bản xây dựng xong phần thô. Tuy nhiên, DN đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị đội vốn lớn do giá VLXD tăng cao, đặc biệt là thép. Sau nhiều lần tăng, giá thép hiện đã lên đến gần 20.000 đồng/kg, tăng 9.000 đồng/kg so với thời điểm đơn vị trúng thầu.
Ông Hoàng Thế Trung, Chỉ huy trưởng công trình cho biết thời điểm DN trúng thầu, giá thép chỉ hơn 11.000 đồng/kg. Những tháng vừa qua, giá các loại VLXD chính liên tục tăng mạnh khiến công ty thiệt hại rất lớn. “Mặc dù công trình chưa hoàn thành nhưng đến thời điểm này, chỉ tính riêng thiệt hại do thép tăng giá đã lên tới hơn 11 tỷ đồng. Khi hoàn thiện công trình, công ty sẽ phải bù lỗ rất lớn.
Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng đô thị HUDIC ở đường Nguyễn Du (TP Hải Dương) đang thực hiện khoảng 10 công trình lớn nhỏ khác nhau ở trong và ngoài tỉnh. Tháng 9.2020, công ty trúng gói thầu xây dựng Nhà Văn hóa trung tâm huyện Thanh Miện và các hạng mục phụ trợ. Giá trị gói thầu khoảng 38 tỷ đồng. Do nguyên nhân khách quan, sau một thời gian tạm dừng, đến đầu năm2021 công trình này được thi công trở lại. Thay vì vui mừng, phấn khởi, lãnh đạo công ty lại rất lo lắng vì giá VLXD liên tục tăng. Ông Đặng Xuân Trường, Phó Tổng Giám đốc công ty này cho biết thời điểm trúng thầu công trình xây dựng trên, giá thép chỉ có 11.900 đồng/kg, cát đen 133.000 - 145.000 đồng/m3, cát vàng từ 370.000-390.000 đồng/m3. Nhưng hiện giá thép đã lên tới gần 20.000 đồng/kg, cát đen 250.000 đồng/m3, cát vàng 480.000 đồng/m3. “Công ty đã trúng thầu thì buộc phải thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư, cam kết bảo đảm chất lượng kỹ thuật, tiến độ thi công. Giá VLXD chiếm từ 70 - 80% giá trị công trình nên với mức tăng như hiện nay công ty sẽ bị thiệt hại lớn”, ông Trường nói.
Nhà thầu thi công Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đã phải bù lỗ hơn 11 tỷ đồng do thép tăng giá
Chia sẻ rủi ro
Gần 20 năm trong ngành xây dựng, chưa thời điểm nào Công ty TNHH Thạch Dương ở xã Thanh Quang (Nam Sách) lại thực hiện dự án trong tâm thế hoang mang như hiện nay. DN đang thực hiện công trình hầm chui và cầu vượt thuộc dự án xây dựng các hạng mục bổ sung, điều chỉnh dự án nút giao lập thể Ba Hàng (Dự án Ba Hàng). Công trình đang trong giai đoạn thi công. Giá VLXD liên tục tăng nên công ty phải “ăn đong” từng ngày.
Không giống như các công trình thực hiện trước đó, hiện nay Công ty TNHH Thạch Dương phải vừa làm vừa nghe ngóng, vừa đàm phán với nhà cung ứng vật liệu. Công trình triển khai đến đâu thì DN sẽ mua vật liệu đến đó, không nhập nhiều một lúc như các công trình trước. “Giá thép đang tăng mạnh nhất nên khi thực hiện công trình, để giảm bớt thiệt hại chúng tôi phải cân nhắc, lựa chọn các hạng mục ít liên quan đến sắt thép để làm trước, giãn tiến độ từng phần. Tuy nhiên, với thực tế này công ty vẫn phải bù lỗ lớn. Công trình có nguy cơ chậm tiến độ”, ông Đặng Văn Thành, Đội trưởng Đội thi công Dự án Ba Hàng chia sẻ.
Khảo sát trên thị trường, giá các loại VLXD đã tăng từ 15 - 25% so với thời điểm cuối năm 2020. Giá thép tăng mạnh nhất là hơn 40%. Khi trúng thầu, các nhà thầu bị ràng buộc bởi các điều khoản hợp đồng, phải cam kết về tiến độ thực hiện. Thực tế này đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình, dự án đầu tư công. DN không chỉ đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn, bị phạt hợp đồng do chậm tiến độ mà còn có thể bị phá sản.
Hiện nay, các nhà thầu đều mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh lại giá VLXD cho sát thực tế thị trường, đồng thời có phương án hỗ trợ trượt giá hợp lý để các nhà thầu giảm bớt thiệt hại. Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để kiểm soát, bình ổn giá VLXD và có chính sách riêng trong việc điều chỉnh hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
QUYẾT LAN