Mỗi ounce mất gần 31 USD phiên 10.3, do chứng khoán toàn cầu bật tăng và nhà đầu tư kỳ vọng giới chức các nước cứu nền kinh tế.
Chốt phiên, giá vàng thế giới giảm 1,6% về 1.649 USD một ounce - thấp nhất kể từ cuối tháng 2. Sáng 11.3, giá tăng nhẹ, hiện lên 1.652 USD.
"Vì chứng khoán Mỹ biến động lớn vài ngày gần đây, người ta đã mua vàng. Tuy nhiên, đến khi bạn muốn có danh mục đầu tư hợp lý, bạn sẽ cần bán bớt vàng và mua một ít cổ phiếu. Đó chính là điều đang diễn ra. Nhà đầu tư đang tái cân bằng danh mục", Michael Matousek – Giám đốc Giao dịch tại U.S. Global Investors nhận xét.
Diễn biến giá vàng vài phiên gần đây. |
Giá từng vượt 1.700 USD hôm thứ hai, khi dầu thô và chứng khoán thế giới cùng lao dốc. Hôm qua, cả dầu và cổ phiếu đều đã phục hồi, khi các quốc gia phát tín hiệu nới lỏng chính sách.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết có biện pháp "mạnh tay" để thúc đẩy nền kinh tế. Nhật Bản cũng công bố gói hỗ trợ thứ hai trị giá 4 tỷ USD để ngăn tác động từ dịch bệnh. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo tiếp tục hạ lãi suất trong phiên họp tuần tới.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có phiên họp vào ngày mai. Cơ quan này cũng đang chịu sức ép phải hành động.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã hồi phục từ đáy. Đồng đôla cũng tăng giá, càng gây sức ép lên vàng.
Dù vậy, Jim Wyckoff – nhà phân tích tại Kitco Metals cho rằng việc chứng khoán bật tăng "chỉ là điều thường diễn ra sau đợt bán tháo lớn". "Người dân sẽ ngày càng lo sợ Covid-19 và chứng khoán sẽ tiếp tục đi xuống", ông dự báo.
Dự trữ tại quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới - SPDR Gold Trust hiện lên 30,99 triệu ounce. Đây là mức cao nhất để từ tháng 10.2016.
Theo VnExpress