Bài thơ “Những trang báo cũ” có một tứ thơ hay, độc đáo của người trong cuộc.
UÔNG THÁI BIỂU |
Nhà thơ Uông Thái Biểu là một nhà báo. Nghề báo đã cho anh những chiêm nghiệm sống, những từng trải, những thử thách và sau hết là những tự vấn, phản biện sâu sắc. Bài thơ “Những trang báo cũ” có một tứ thơ hay, độc đáo của người trong cuộc: Một cách lựa chọn khi viết về nghề báo, như anh đã chia sẻ: “Trong một khoảnh khắc đột hiện, tôi muốn viết tới chuyện nghề nhưng không nhìn từ góc độ ngợi ca nghề báo mà liên tưởng đến những thân phận con người, những thân phận từng đi đứng, vinh nhục, khóc cười trên những trang báo nhuốm màu thời gian úa cũ…”.
Mạch thơ được triển khai như một lời tường trình có bao trăn trở, cật vấn với điệp khúc: “Giấy thì trắng mà mực lại đen” được nhắc lại với tần số cao hơn. Phải chăng đây là một sự tương phản: Trắng - đen, thật - giả, thiện - ác cứ đan xen nhau tạo ra những gam màu chói gắt để đi đến tận cùng sự thật. Bắt đầu là một “cặp đối lập”: “Những gương mặt mãn nguyện rói tươi cân đai mũ mạo/ Những gương mặt đớn đau sầu não”. Trang báo cũ là chuyện đã qua nhưng đằng sau đó vẫn là những câu chuyện, những số phận, những hoàn cảnh mà khi đối diện ta lại một lần đối sánh, được đối chất cụ thể với lương tâm mình có day dứt, có trăn trở khi mà: “Những con chữ đen trên thảm giấy trắng/ Những con chữ trườn ra cả lề”. Sự bức bối, bức bách không chỉ thẩm thấu nằm im khuôn khổ mà còn như một sự truy xét để trả lại sự công bằng, công lý khi lương tâm nhà báo lên tiếng.
Những câu thơ nhói lên với những câu hỏi, những dự đoán, những hình dung khi: “Người ký tên giờ này ở đâu/ Nhân vật tôi cũng chưa hề gặp/ Có lẽ họ đã đi rất xa/ Có lẽ họ đã về với đất…”. Nhà văn Nguyễn Tuân thật có lý khi ngồi trước trang giấy để viết như ngồi “trước pháp trường trắng". Ở đây nhà thơ Uông Thái Biểu đưa ra một giả thiết: “Giấy thì trắng mà mực lại đen”, giấy trắng - mực đen là công cụ để viết báo thường ngày. Nhưng giấy trắng không thể để mực đen viết những dòng đen tối, giả dối. Câu thơ như nghẹn thắt: “Những lời lẽ đanh thép dữ dằn/ Những lời tụng ca hết ý”. Tôi rất thích hình ảnh câu thơ vượt lên thăng hoa từ hiện thực với những liên tưởng vang xa nhiều ngẫm ngợi giàu tính nhân văn lay thức: “Như những hàng phím/ Đối nghịch màu sắc/ Trên cây đàn dương cầm”. Đó là cây đàn muôn điệu của cuộc sống với bao âm vực thăng giáng, bổng trầm, với một khát khao là hòa âm, cộng hưởng mang lại sự an lành trong sáng chứ không phải những âm thanh đối nghịch như sắc màu đen trắng của phím đàn…
Có thể nói “Những trang báo cũ” đã tự vấn, “thanh lọc” đến tận cùng để tìm về cội nguồn sáng trong: “Thật may sự thật không có màu gì cả” như muôn đời trang viết là “giấy trắng và mực đen” chứ không phải “Giấy thì trắng mà mực lại đen”. Khổ thơ cuối kết lại như một kinh nghiệm sống khi nhà báo được tự mình kiểm nghiệm trước những trang báo cũ mà vẫn ngời xanh tươi sự sống như cỏ, dù: “Năm tháng úa vàng màu thiên cổ của đất”.
NGUYỄN NGỌC PHÚ