Đời sống công nhân các khu công nghiệp vốn đã chẳng dư dả thì nay mọi thứ từ tiền thuê trọ, tiền điện, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm cứ leo thang hằng ngày khiến cuộc sống của họ thêm bộn bề gian khó...
Công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi trọ tại khu nhà trọ thôn Độc Lập, xã Ái Quốc (Nam Sách) mua rau, đậu cho bữa ăn hằng ngày
Trong bối cảnh vật giá gia tăng chóng mặt như hiện nay, bên cạnh việc thắt chặt chi tiêu, lao vào làm thêm, tăng ca... nhiều công nhân còn tính cách góp gạo thổi cơm chung, để giảm bớt chi phí sinh hoạt hằng ngày. Chị Bùi Thị Thanh, công nhân bộ phận là, Công ty TNHH May Tinh Lợi, khu công nghiệp (KCN) Nam Sách cho biết: “Mấy hôm nay có thêm hai người đến ở trọ cùng nên chật chội hơn. Lương thấp, giá tăng, nếu không cố gắng ở ghép, mỗi tháng công nhân chúng tôi sẽ không dành dụm được đồng nào để gửi về gia đình. Vừa nhận thông tin giá điện tăng hôm trước, hôm sau chủ nhà trọ đã thông báo tăng tiền nhà trọ”. Bởi vậy, chị Thanh phải chuyển ra ở cùng mấy bạn trong công ty. Từ chỗ ở mới đến chỗ làm tuy phải đạp xe thêm một đoạn nhưng bù lại tiền phòng giảm được 50 nghìn đồng/tháng. Chị Thanh chia sẻ thêm: Khu trọ có 20 phòng, phần lớn là những công nhân và những người có thu nhập thấp thuê. Người duy nhất trong xóm có xe máy cũng đang tính chuyện bán xe vì giá xăng tăng quá cao.
Cùng xóm trọ với chị Thanh, chị Nguyễn Thị Hải, quê ở Đà Nẵng mới làm công nhân cho Công ty TNHH Fomostar cách đây nửa năm. Do chưa thạo nghề nên chị được phân công làm ở bộ phận đóng gói sản phẩm. Mỗi tháng công ty trả lương cho chị 1,5 triệu đồng. Gần 1 tháng nay, chị Hải bị sốt phát ban, tiền chi phí thuốc men phải vay thêm chị em cùng phòng. Lương mỗi tháng hiện chỉ đủ chi tiêu hằng ngày nên hơn 2 tháng nay chưa gửi được đồng nào về cho gia đình. Chị Hải cho biết: Mỗi tháng riêng tiền phòng trọ 300 nghìn đồng, cộng thêm 50 nghìn đồng tiền điện, nước. Số tiền còn dành cho chi tiêu và sinh hoạt hằng ngày chẳng đáng là bao. Bây giờ, giá cả tăng, cầm tiền đi chợ mà cứ như bị móc mất tiền. Từ đầu năm đến nay, giá các loại thực phẩm tại chợ đều tăng từ 10-20% khiến chúng tôi không khỏi đắn đo, cân nhắc làm sao để bữa ăn vừa rẻ lại vừa bảo đảm sức khoẻ để làm việc. Việc mua, sắm quần áo, giày dép... cũng phải cắt giảm để bớt gánh nặng chi tiêu.
Giá cả nhiều mặt hàng tăng cao khiến bữa cơm của công nhân thêm đạm bạc
Vừa phải dè sẻn chi tiêu để vượt qua “bão giá”, nhiều công nhân còn tìm việc để làm thêm. 5 giờ 30 phút chiều, vừa tan ca, anh Hà Văn Tuân, công nhân phân xưởng lắp ráp, Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (KCN Đại An) lại vội đến quán bia Hải Hà ở thị trấn Cẩm Giàng để làm việc. Anh Tuân quê ở Thanh Hoá, bố mất sớm, còn em gái đang học cao đẳng và mẹ thường xuyên đau ốm. Ra Hải Dương làm công nhân, mỗi tháng anh Tuân dành dụm được khoảng 1,5 triệu đồng gửi về cho mẹ và em. Chi phí dành cho sinh hoạt hằng ngày tăng nên anh phải cố gắng làm thêm, dè sẻn chi tiêu để duy trì số tiền gửi về cho mẹ nuôi em ăn học. Mỗi tháng cộng cả số tiền đi làm thêm, anh Tuân chỉ còn lại 1 triệu để trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Anh cho biết: “Do công việc của tôi không phải tăng ca nên lương rất thấp, mỗi tháng chỉ khoảng 2 triệu đồng. Mọi khoản chi tiêu không cần thiết đều được cắt giảm. Tôi ở một mình còn đỡ vất vả. Mấy anh chị cùng xóm trọ với tôi có gia đình rồi còn chật vật hơn, do phải tiêu tốn nhiều khoản chi phí khác như: tiền đóng học phí cho con, tiền cỗ bàn”...
Trước thực tế giá các loại hàng hoá, dịch vụ không ngừng tăng, phần lớn công nhân tại các KCN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để tiết kiệm chi tiêu, nhiều công nhân còn phân công nhau về quê mua rau, mua gạo cho đỡ tốn. Khẩu phần bữa ăn được điều chỉnh: tăng thêm rau, đậu, giảm thịt, cá... Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Công đoàn Các KCN cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 KCN, thu hút hơn 40 nghìn công nhân, lao động. Mức lương bình quân của mỗi công nhân tại các KCN từ 1,5- 3 triệu đồng/tháng. Tính theo mức tăng của các loại hàng hoá như hiện nay, không chỉ riêng công nhân các KCN mà đời sống của công nhân nói chung đều gặp khó khăn. Để giúp đỡ công nhân, Công đoàn Các KCN đã có ý kiến đến công đoàn các doanh nghiệp trong các KCN chủ động quan tâm tới đời sống của công nhân như: tăng phụ cấp, tổ chức các hoạt động quyên góp, giúp đỡ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Công đoàn các KCN còn chủ động hướng dẫn công đoàn của các doanh nghiệp thành lập quỹ hỗ trợ công nhân để trợ cấp cho những công nhân ở xa, có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, công đoàn các doanh nghiệp cũng cần tổ chức thêm các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao để công nhân giảm bớt áp lực cuộc sống.
LAN ANH