Giá ở Hải Dương cũng thế!

21/07/2020 08:09

Một bệnh viện ở tỉnh vùng cao, điều kiện kinh tế còn khó khăn như Tuyên Quang mà dám mạnh dạn vực dậy phong trào "nói không với phong bì" thì không có lý gì Hải Dương lại không làm được.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa thông báo trên các trang chính thức, kêu gọi người dân "tôn trọng cán bộ y tế, tuyệt đối không đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ y tế, nếu vi phạm sẽ bị mời ra khỏi bệnh viện". Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết đơn vị bắt đầu triển khai phong trào này theo hình thức giám đốc ký cam kết với các trưởng khoa, trưởng khoa ký với thầy thuốc, cán bộ trong khoa. Sở dĩ bệnh viện triển khai phong trào này là bởi thời gian trước ở đây cũng có tình trạng cán bộ y tế vòi vĩnh, nếu có phong bì thì cấp cứu nhanh hơn. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trong bối cảnh "bệnh phong bì" đã trở thành vấn nạn ở nhiều cơ sở y tế, khi mà việc đưa và nhận phong bì dường như đã trở thành một thói quen của cả người nhận và người đưa, nếu không có phong bì lót tay sẽ cảm thấy không yên tâm, sợ người bệnh bị làm ngơ… thì đây là một chuyện lạ. Dư luận cũng rất hy vọng rằng phong trào này sẽ không "chết yểu" như phong trào toàn ngành nói không với phong bì mà Công đoàn ngành y tế Việt Nam từng triển khai kêu gọi vài năm trước. Thật là đáng buồn khi một phong trào ý nghĩa như vậy đã không thể lan rộng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn phong bì phát sinh và tồn tại trong ngành y tế như một loại virus chưa tìm ra vaccine đặc trị. Người ta đổ lỗi cho thu nhập của y bác sĩ còn thấp, chưa tương xứng với "vốn liếng" mà cán bộ y tế đã "đầu tư" để được vào công tác trong ngành.

Với nhiều ngành, chỉ cần học 4 năm là ra trường, đi làm nhưng ngành y tối thiểu phải học 6 năm. Quá trình học đối với sinh viên y khoa cũng vất vả hơn nhiều. Ngoài học lý thuyết trên giảng đường, họ còn phải trực thâu đêm tại các bệnh viện, làm chân "sai vặt" cho các bác sĩ chính để thu lượm kiến thức, thực hành y thuật. Khi ra trường, muốn được vào làm ở những bệnh viện trung tâm, nơi thu hút nhiều bệnh nhân, có cơ hội thi triển kiến thức chuyên ngành, nhiều người phải "đầu tư".

Ngay cả khi đã trở thành bác sĩ thì con đường học hành, đầu tư tiền bạc, dùi mài kiến thức cũng vẫn tiếp tục, bởi với ngành y càng học nhiều, thực hành nhiều càng giỏi, càng có chỗ đứng tốt trong đơn vị và đồng nghĩa với thu nhập, địa vị càng cao. Từ bác sĩ đa khoa, họ phải học để trở thành bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, tiến sĩ…

Chính vì hành trình mệt mỏi và tốn kém ấy nên khi đã vào được ngành, không ít người có tâm lý muốn "gỡ vốn". Họ coi việc nhận phong bì lót tay như một cách để "gỡ vốn" nhanh nhất. Nhận rồi thành quen, khi không có thì tỏ thái độ thờ ơ, chậm trễ trong công việc, thậm chí nếu không thấy phía nhà người bệnh có động thái gì, họ sẵn sàng gợi ý. Có người đổ lỗi cho phía người bệnh, cho đây là hành vi tự nguyện của người dân, họ chỉ "thuận nước đẩy thuyền"…

Cũng có lẽ vì đoán trước những khó khăn khi triển khai phong trào này mà ngay trong tháng 7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã có cuộc họp bàn giải pháp nâng cao đời sống cán bộ, bởi theo lãnh đạo bệnh viện "đời sống có tốt thì họ mới không nghĩ đến vài trăm nghìn phong bì".

Sau thành công của ngành y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, đặc biệt là cho đến giờ phút này chúng ta không có ca tử vong do Covid, câu chuyện lạ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang lại một lần nữa thắp lên tự hào ngành y.

Là một người dân, tôi cũng mong muốn các đơn vị trong ngành y tế Hải Dương sớm hưởng ứng phong trào rất có ý nghĩa này. Một bệnh viện ở tỉnh vùng cao, điều kiện kinh tế còn khó khăn như Tuyên Quang mà dám mạnh dạn vực dậy phong trào "nói không với phong bì" thì không có lý gì Hải Dương lại không làm được.  

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá ở Hải Dương cũng thế!