Gia Lộc phát triển kinh tế trang trại

02/03/2010 06:13

Trong những năm qua, mô hình kinh tế trang trại của huyện Gia Lộc phát triển mạnh, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống của người dân.


Mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Tiến Song thu hoạch 14-15 tấn cá

Đến nay, toàn huyện có gần 1.000 ha đất trũng được chuyển dịch theo hướng trang trại, chủ yếu là mô hình sản xuất tổng hợp, nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả. Toàn huyện hiện có hơn 3.300 mô hình sản xuất phát triển theo hướng trang trại, trong đó những xã có số lượng trang trại lớn là: Trùng Khánh, Liên Hồng, Hoàng Diệu, Phạm Trấn và Gia Lương.

Hoàng Diệu là một trong những xã phát triển mạnh mô hình trang trại. Theo ông Nguyễn Đức Chải, Chủ tịch UBND xã, trước năm 1990, đời sống kinh tế của nhiều gia đình trong xã gặp không ít khó khăn do nhiều diện tích cấy lúa năng suất thấp. Trước tình hình đó, xã có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa một vụ bấp bênh cho nhân dân lập trang trại, phát triển kinh tế, đến nay, xã đã chuyển đổi được gần 80 ha. Nhiều gia đình đã đào ao thả cá, xây chuồng nuôi lợn, hằng năm cho thu nhập gấp nhiều lần so với cấy lúa, điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hoạch, các anh Nguyễn Văn Thịnh, Vũ Hồng Bắc và Nguyễn Văn Hiện.

Trước đây, anh Vũ Hồng Bắc, ở thôn Lai Cầu, làm nhiều nghề nhưng cuộc sống vẫn gặp không ít khó khăn. Năm 2005, anh mạnh dạn đấu thầu gần 2 mẫu đất, đầu tư hơn 70 triệu đồng đào 2 ao với tổng diện tích hơn 1,2 mẫu nuôi cá rô phi kết hợp với cá truyền thống. Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên ao cá nhà anh hầu như không bị dịch bệnh. Mỗi năm anh xuất ra thị trường hơn 5 tấn cá, thu lãi 30 triệu đồng. Trên diện tích còn lại, anh xây 10 gian chuồng nuôi lợn thịt, tận dụng phân cho cá, mỗi năm bán ra thị trường hơn 70 con lợn với trọng lượng trung bình 80 kg/con, thu về hơn 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 15 triệu đồng.

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Hiện ở ngay bên cạnh cũng cho hiệu quả không kém. Anh Hiện chuyển đổi hơn 2,2 mẫu đất đào ao thả cá kết hợp nuôi lợn. Năm 2009, do chăn nuôi thuận lợi, anh thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Xã Hồng Hưng cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ về mô hình trang trại. Xã có 8 thôn thì ba thôn Phương Khê, Phương Bằng và Cát Tiền có số lượng  trang trại nhiều hơn cả. Đến nay, xã đã chuyển dịch được gần 30 ha đất cấy lúa bấp bênh sang phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, trong đó khu chuyển đổi hơn 12 ha ở thôn Phương Bằng cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình trang trại của các anh Đỗ Văn Nhận, Đỗ Văn Thủy và Nguyễn Tiến Song cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Năm 2001 anh Nguyễn Tiến Song đấu thầu hơn 3 mẫu đất cấy lúa bấp bênh để đào ao thả cá, kết hợp nuôi lợn, vịt đẻ. Ban đầu, do chưa có vốn, anh vay người thân trong gia đình cùng bạn bè đầu tư gần 100 triệu đồng xây 3 khu ao nuôi thả cá, trong đó tập trung thả cá trắm cỏ. Hằng ngày, hai vợ chồng anh đi cắt cỏ trên đồng về cho cá ăn kết hợp với chăn nuôi bằng cám công nghiệp. Do tích cực tham khảo kinh nghiệm nuôi thủy sản qua sách, báo và thường xuyên tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức nên anh luôn chủ động trong việc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn cá. Mỗi năm, anh thu từ 14 đến 15 tấn cá, được hơn 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh nuôi thường xuyên từ 60 đến 70 con lợn, mỗi năm bán ra thị trường hơn 12 tấn lợn hơi, thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 30 triệu đồng. Tận dụng mặt ao, anh nuôi thêm 500 con vịt đẻ, mỗi ngày bán hơn 400 quả trứng, thu lãi 120 nghìn đồng/ngày. Anh Song cho biết, trong chăn nuôi, việc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi rất quan trọng. Với ao cá cần thường xuyên thay nước, bên cạnh đó không nên để thức ăn dư thừa dưới ao, vừa lãng phí lại gây ô nhiễm. Trong việc nuôi lợn, cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông.

Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, kinh tế trang trại ở Gia Lộc ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các trang trại sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả đã góp phần khai thác tốt các tiềm năng về đất đai, lao động... Việc thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp sang mô hình trang trại là chủ trương đúng đắn của huyện. Hằng năm, giá trị sản lượng hàng hoá do các trang trại tạo ra chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Các trang trại tổng hợp phát triển đã giải quyết việc làm cho một phần lực lượng lao động nông nhàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, mô hình trang trại ở Gia Lộc còn gặp một số khó khăn như hạ tầng ở những vùng đất trũng, chuyển đổi về đường đi, điện sinh hoạt, hệ thống cấp thoát nước… chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, hầu hết chủ trang trại thiếu vốn sản xuất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc đầu tư để phát triển sản xuất lâu dài.

MINH MẪN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia Lộc phát triển kinh tế trang trại