Những gia đình không ăn Tết âm

01/01/2023 16:11

Sợ cảnh ba ngày Tết Nguyên đán chỉ ép nhau uống rượu, vợ chồng anh Tùng quyết định năm nay về quê vào Tết Dương lịch, còn Tết âm dành để nghỉ ngơi.

Sáng sớm ngày cuối năm dương lịch 2022, gia đình anh Tùng ở thành phố Vinh (Nghệ An) đã tất bật. Anh chở mẹ đi chợ, đem về giỏ lớn thức ăn. Vợ anh, chị Minh Hương, 35 tuổi, phụ bố chồng vo gạo và đỗ xanh gói bánh chưng, bánh tét. Mọi người lo bếp núc, anh Tùng bao sái bàn thờ và bê cây quất mua từ Hải Phòng vào phòng khách. Gần trưa, mâm cơm tươm tất đã sẵn sàng dâng tổ tiên.

Buổi chiều, anh chị đi thăm hỏi họ hàng và gửi tiền mừng tuổi trước cho trẻ nhỏ trong họ, tất cả gói gọn trong nửa ngày để dành hai ngày còn lại cho bố mẹ. "Đây là năm đầu tiên ăn Tết dương như Tết âm mà thấy không khí cũng bồi hồi", anh Tùng nói.


Chị Hương cùng mẹ chồng làm cơm cúng sáng 31.12 tại Nghệ An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vợ chồng anh Tùng giải thích việc ăn Tết trước để tránh những thủ tục mệt mỏi của ngày Tết âm. Nhà ở Hải Phòng, cứ 29 Tết hàng năm cả gia đình sẽ rồng rắn về quê nội Nghệ An. Cả năm đi làm, chỉ mong có dịp về ăn cơm cùng bố mẹ, vợ chồng con cái quây quần trông nồi bánh, nhưng thực tế đó là những ngày từ sáng đến tối anh bị ép uống rượu, còn vợ đầu tắt mặt tối với cỗ bàn.

"Tết nào từ quê ra vợ chồng tôi cũng phải nghỉ ngơi cả tuần mới lại sức. Thú thực tôi chỉ muốn trốn Tết vì quá nhiều thủ tục", người đàn ông 40 tuổi than.

Thấy Tết Dương lịch năm nay được nghỉ ba ngày, anh Tùng bàn tính với bố mẹ đưa vợ con về đón Tết trước. Còn Tết Nguyên đán sẽ đi du lịch thay đổi không khí, việc ở quê nhờ hai em trai ở quê lo liệu.

Bố mẹ anh Tùng thương con cháu bị nhồi nhét trên xe khách ngày cuối năm, thương con trai vì rượu mà đau dạ dày, nên ủng hộ. "Tết nào chẳng là Tết, miễn là cả nhà sum vầy, cùng nhau nhìn lại năm cũ và chia sẻ dự định năm mới, thế là được. Tết Tây năm nay nhà ta sẽ tổ chức to hơn Tết ta", bố anh Tùng tuyên bố.

Vợ anh Tùng nói rằng ngoài ăn Tết sớm hơn, mọi công tác chuẩn bị không thay đổi. Một tuần trước, chị đã mua quà biếu bố mẹ, họ hàng, đồng thời làm phong bao lì xì cho trẻ nhỏ. Việc mua sắm, di chuyển cũng thuận tiện hơn bởi hàng hóa phục vụ Tết bày bán nhiều nhưng lượng người mua sắm ít, giá cả không tăng và đặc biệt không còn cảnh nhồi nhét trên xe khách.

"Vẫn còn ám ảnh chuyến về quê năm ngoái, vợ chồng con cái ngồi vật vờ trên xe suốt 7 tiếng, đến chỗ cựa chân cũng không có, lũ trẻ thì ốm lay lắt", chị kể.

Nhờ ăn Tết sớm, gia đình sẽ có trọn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho riêng mình. Họ đã lên kế hoạch thuê xe tự lái rong ruổi lên các tỉnh miền núi phía Bắc du xuân, chiêm ngưỡng những triền hoa mơ, mận nở trắng rừng và cho con trẻ thêm trải nghiệm từ cuộc sống.

"Có lẽ đây là cái Tết đặc biệt và nhàn nhã nhất trong 10 năm làm dâu của tôi", chị Minh Hương tâm sự.

Ở Thanh Hóa, tờ mờ sáng ngày 31.12.2022, nhà ông Lê Nhật Minh mổ con lợn nặng một tạ nuôi cả năm nay, thay vì dành mổ vào cận Tết âm lịch như mọi năm. "Năm nay nhà tôi ăn Tết sớm", người đàn ông ngoài 60 tuổi nói.

Vợ chồng ông có bốn con, trong đó con trai duy nhất là bộ đội công tác tại Tây Nguyên năm nay chỉ được về phép dịp Tết Dương lịch. Tất cả anh chị em, con cháu thống nhất tề tựu dịp này. "Nhà tôi thường ăn Tết theo lịch của con trai. Nó về được lúc nào, các con kéo về lúc đó. Đây không phải năm đầu tiên nhà tôi ăn Tết dương linh đình hơn Tết âm", ông nói.

Để chuẩn bị cho cái Tết sớm, bà Ánh, vợ ông Minh đã đặt mua lá dong từ sớm. Măng khô đã ngâm từ vài ngày trước. Ngày Tết sum vầy, các con cháu hay thích ăn thêm các loại bánh khoái, bánh gai, bánh rán mật, vì thế bà Ánh cũng đã chuẩn bị toàn bộ nguyên liệu.


Ông Minh và các cháu gói bánh sáng 31.12. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà đông, mỗi người một việc. Ông Minh gói được 30 chiếc bánh chưng vuông vức, thêm 6 cái bánh nhỏ cho 6 đứa cháu. Anh con trai gói được 40 cái nem. Các chị em nấu xong 5 mâm cơm. Số thịt lợn còn lại chia đều cho cả bốn người con để sau đó mang đi.

Bữa cơm không chỉ có đại gia đình ông Minh, những người hàng xóm và anh em họ hàng cũng có mặt đông đủ. "Ăn Tết trước lại có cái hay. Gọi một tiếng là đủ hết chứ đến Tết, nhà ai cũng mâm cao cỗ đầy và phải ở nhà tiếp khách", ông Minh cho hay.

Trong lúc chờ đón giao thừa, ông Minh cũng nhắc nhở con trai ngày mai đưa vợ con lên quê cách nhà hơn 20 cây số thăm hỏi họ hàng, thắp hương cho ông bà nội và người chú, bác mất sớm. "Nhớ là mỗi nhà ngồi một ít, chớ có la cà mà không về được", ông nói. Anh con trai đã ngoài 30 tuổi đáp: "Bố quên à, giờ mới là Tết dương, còn chẳng biết có gặp được ai, kẻo mọi người lại đi làm hết".

Ông Minh gật gù, tự nhủ: "Đúng là mình già rồi lẩm cẩm". Tiếng cười rộ lên trong ngôi nhà nhỏ.

Tại Nha Trang, gia đình bà Mến cũng tổ chức ăn Tết sớm vì con gái ở Đức về chơi hai tuần, không thể ở đến Tết Nguyên đán.

Chị Phương Hoài, con bà Mến, cho biết cả nhà về từ 30.12 và đến 10.1 phải đi do hai con phải quay trở lại trường học. "Tiếc vì không được ngắm không khí phố phường ngày năm mới, song được đoàn tụ cũng là may mắn rồi. Ba năm do Covid-19 không về được, cứ dịp này lòng tôi lại quặn thắt nhớ quê, nhớ mẹ già", chị Hoài, 44 tuổi, chia sẻ.

Hôm nay, gia đình đã tổ chức gói bánh tét cả hai loại mặn ngọt. Hai con lai Việt - Đức 11 tuổi và 5 tuổi của chị Hoài thích thú trước những đòn bánh dài. Chúng còn xin bà ngoại mỗi đứa một đòn bánh mang về bên kia để khoe với các bạn. Buổi trưa, chị Hoài còn cùng mẹ nhặt hành, kiệu, muối vài lọ để ăn.

Sau bữa cơm tối, nhân tiện đại gia đình đông đủ, chị Hoài cầm một tệp lì xì đã chuẩn bị sẵn mừng tuổi mẹ, các cháu và các anh chị em. "Hai con tôi rất thích phong tục này. Con út đã cầm một bao lì xì tặng cho bà ngoại của nó", chị Hoài kể.

Đêm chuyển giao sang năm 2023, cả nhà ra biển ngắm pháo hoa. Kế hoạch sáng mai chị Hoài sẽ cùng chồng con đi tảo mộ người bố đã khuất. "Tôi muốn chồng con biết rằng, tảo mộ người thân cũng là một phong tục của người Việt, chứ con tôi chỉ đang biết mỗi Tết sẽ có bánh chưng, bánh tét", chị nói thêm.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những gia đình không ăn Tết âm