Ly hôn tuổi trung niên: Vì sao tỷ lệ hòa giải thành công thấp?

20/11/2021 21:20

Bởi ở độ tuổi trung niên, họ đã trải nghiệm cuộc hôn nhân của mình qua nhiều cung bậc.

Cùng với thời gian họ "trưởng thành" hơn với bản thân và cuộc hôn nhân của chính mình. Điều này khác với những trường hợp vợ chồng trẻ tuổi ly hôn. Thẩm phán Bích Duyên cho biết, hầu hết các cặp vợ chồng đến tòa với 3 vấn đề chính, đó là tình cảm, tranh chấp nuôi con và phân chia tài sản. Bao nhiêu cặp đôi muốn ly hôn thì cũng có ngần ấy hoàn cảnh nảy sinh mâu thuẫn.

Có trường hợp, chồng là người lúc nào cũng tất bật với công việc đến nỗi không có thời gian chăm lo cho gia đình. Người vợ quanh năm suốt tháng quay cuồng với việc nhà, chăm con, sự nghiệp của bản thân. Chị dần thay đổi tính tình, hay cáu gắt, chì chiết chồng. Mâu thuẫn vợ chồng cứ thế tích tụ nhưng họ vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng nhau. Khoảng cách tình cảm ngày càng nới rộng và đến khi con cái trưởng thành, ra ở riêng, cuộc sống nhàm chán, quanh ra quẩn vào chỉ có "hai thân già" khiến họ không muốn chịu đựng nhau thêm nữa. Khi đến tòa, cả hai vợ chồng họ đều không muốn nghe ai hòa giải.

Có cặp vợ chồng trung niên khác, thời trẻ, người vợ từng chịu nhiều ấm ức, đau khổ khi chồng có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác nhưng người vợ không ly hôn vì "muốn các con có cả cha và mẹ". Khi con cái đã trưởng thành, nghĩ lại những đau khổ trong quá khứ, lại chán nản trước thực tại tình cảm vợ chồng nguội lạnh, sống chung nhà nhưng như hai người xa lạ, người vợ nhất quyết ly hôn.

Ở độ tuổi trung niên, họ đã trải nghiệm cuộc hôn nhân của mình qua nhiều cung bậc

Các chuyên gia hòa giải cho rằng, tỉ lệ hòa giải thành công dành cho đối tượng trên 60 tuổi thường rất ít. Trong tham luận "Ly hôn xám hiện nay - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp", 2 tác giả: Vũ Thị Minh Ngọc và Nguyễn Hoàng Anh đã phân tích nguyên nhân của các cuộc "ly hôn xám". Theo đó, trong một số trường hợp, ngay trước khi bắt đầu cuộc hôn nhân, quan hệ giữa các cặp đôi có thể đã tiềm ẩn mâu thuẫn và xuất hiện mâu thuẫn. Nhận thức không đầy đủ và cảm tính về quan hệ hôn nhân (coi trọng hình thức, coi trọng vật chất, coi trọng tình dục...), thời gian tìm hiểu ngắn, văn hóa gia đình khác biệt dẫn đến sự khác biệt trong quan niệm sống... Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về pháp luật, sự chuẩn bị tâm lý, những kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình trước khi kết hôn còn thiếu hụt có thể là nguyên nhân hình thành những mâu thuẫn trong cuộc sống sau này.

Trong quá trình chung sống, một số vấn đề khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ly hôn như các cặp vợ chồng phải đối mặt với khác biệt về lối sống, không hợp trong sinh hoạt, thiếu bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, mâu thuẫn thế hệ dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, ngoại tình, sự trái tính trái nết không thể dung hòa của cả hai do biến đổi về tâm lý, tuổi tác...

Nhiều cặp vợ chồng có thể chọn ly hôn sau khi con cái của họ đã lớn và rời khỏi cha mẹ, ra ở riêng. Đây được gọi là "hội chứng tổ trống". Khi những đứa trẻ trưởng thành và rời đi, họ tự hỏi: "Tiếp theo sẽ là gì?". Họ không còn tìm thấy sự đồng cảm, gắn kết với nhau và ly hôn lúc này trở thành một lựa chọn.

Có một điểm đáng chú ý là trong các cuộc ly hôn nói chung, ly hôn nói riêng, số người đứng đơn là phụ nữ có xu hướng gia tăng. Thực trạng này được cho là do những thay đổi trong quan niệm về ly hôn không còn nặng nề, phụ nữ ngày càng chủ động hơn trong các lựa chọn của bản thân. Họ mạnh dạn tìm lối thoát, gạt bỏ vỏ bọc "hôn nhân hạnh phúc" để sống cuộc sống của bản thân.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1% tổng dân số. Tỷ lệ ly hôn ở nước ta đang có xu hướng tăng trong 10 năm qua (năm 2009 là 1%, năm 2019 là 1,8%). Theo phân tích kết quả Tổng điều tra dân số và Nhà ở năm 2019 của Thu Hường (2019), các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi 40-50 chiếm khoảng 15%; các cặp vợ chồng ở độ tuổi trên 50 tuổi chiếm khoảng 9%.

Theo Phụ nữ Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ly hôn tuổi trung niên: Vì sao tỷ lệ hòa giải thành công thấp?