Bị giục đẻ

26/03/2023 15:25

Khi con gái khóc ngằn ngặt mà chẳng gửi được ai để đi làm, Hoa hối hận vì vợ chồng đã không bản lĩnh, bị thúc giục có con là vội đẻ khi chưa chuẩn bị kỹ càng.

Giờ con gái đã ba tuổi, chị Hồng Hoa (30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chạnh lòng mỗi lần nghĩ đến hành trình đã trải qua, sinh con khi công việc không ổn định, kinh tế eo hẹp.

Bốn năm trước, vợ chồng chị làm đám cưới. Nghĩ mình còn trẻ, mới chuyển công tác nên chị bàn với chồng đợi một vài năm sau mới có con. Cũng từ đó, vợ chồng Hoa bị bố mẹ hai bên "khủng bố tinh thần".

Ngày nào bố chồng chị cũng gọi cho con trai, mẹ chồng gọi con dâu khuyên có cháu để "ông bà còn khỏe có người chăm giúp". "Bố mẹ có mỗi mày là con trai, tao cần đứa cháu nội", ông nói. Bố mẹ đẻ chị cũng bảo với con gái "lấy chồng phải sinh con, nhiều người vì để lâu nên bị vô sinh đấy". Mỗi lần về quê, họ hàng, hàng xóm đều hỏi "Sao chưa có bầu?". Khi chị giải thích thấy chưa sẵn sàng, chưa đủ tiền nuôi con, họ mỉa mai "nhà mày đợi nhiều tiền mới đẻ".

5 tháng sau ngày cưới, bố mẹ chồng gọi về họp gia đình. Tưởng có chuyện hệ trọng, hóa ra các cụ chỉ muốn có cháu. Các chị chồng cũng xúm vào khuyên đôi trẻ trước sau gì cũng phải sinh thì đẻ sớm để ông bà yên tâm, mình cũng không phải lo lớn tuổi, chửa đẻ khó khăn.

"Thế là chúng tôi có con dù mới cưới được nửa năm, vẫn ở trọ và trong tay không xu dính túi", Hồng Hoa nói.


Thu Hương có con sau bốn năm cưới, khi đã bỏ ngoài tai những giục giã, thúc ép của gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Ở Thanh Hóa, Minh Hạnh (25 tuổi) đang sống những ngày muốn ngộp thở khi tháng thứ ba sau khi cưới vẫn chưa có bầu.

Trước khi về làm dâu, Minh Hạnh được chị gái khuyên đừng vội có em bé. Hai vợ chồng yêu nhau chưa đầy một năm, nên tận hưởng cuộc sống hai người trước khi vướng bận bỉm tã. Vợ chồng cô thấy hợp lý nên không đặt nặng chuyện phải có con ngay.

Nhưng mới đám hỏi, cô chồng đã ghé tai hỏi "có bầu chưa cháu?", thấy Minh Hạnh lắc đầu, người này cười "giờ người ta bầu rồi mới cưới". Bố mẹ chồng Hạnh bảo sắp gần đất xa trời nên muốn nhìn mặt cháu nội càng sớm càng tốt. Mẹ chồng đích thân cắt thuốc bắc để con dâu uống, bà kéo cô đi lễ cầu tự...

Thấy nhà chồng tha thiết, vợ chồng Minh Hạnh quyết định sinh con luôn. Mới qua ba tháng chưa có bầu, làng trên, xóm dưới, nội ngoại ai cũng hỏi "sao cưới lâu rồi còn chưa có con", làm cô phát hoảng. Đôi vợ chồng trẻ dù thấy sức khỏe ổn vẫn lo sợ mình hiếm muộn. Mỗi lần ai đến nhà hỏi, mẹ chồng lại thở dài bảo "chắc do con bé Hạnh lớn tuổi". "Tôi mới 27, chồng còn hơn tôi tận 5 tuổi", Hạnh nói. Tuần trước, đôi vợ chồng đi khám sức khỏe sinh sản, các kết luận đều bình thường.

Trong một khảo sát của phóng viên với hơn 200 độc giả, 38% rơi vào tình cảnh như Hồng Hoa và Minh Hạnh, mới cưới về đã bị hỏi "có con chưa", "sao đến nay vẫn chưa có".

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Viện phó Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, vẫn còn một bộ phận người Việt giữ thói quen tò mò, hỏi han đời sống riêng tư của người khác, đặc biệt chuyện có con hay chưa. Cách hỏi xuất phát từ quan niệm của người Việt Nam trước đây ăn sâu vào họ, xem con cái là phúc đức, là của để dành, có nhiều con là nhiều phúc.

Theo chuyên gia, câu hỏi về con cái thường xuất phát từ sự quan tâm thật lòng, nhưng thiếu hiểu biết và tinh tế, khiến người được hỏi khó chịu, áp lực, đặc biệt nếu họ có vấn đề về sức khỏe sinh sản.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng những người xung quanh hỏi han về chuyện con cái của người khác là tọc mạch đời sống riêng tư. "Có thể là xuất phát từ ý tốt hoặc với họ chỉ đơn giản là giao tiếp thông thường nhưng thực ra lại thể hiện sự vô duyên, thiếu hiểu biết", bà nói.

Theo bà Tâm, việc đám đông thường xuyên hỏi về chuyện con cái của các đôi vợ chồng không chỉ khiến họ khó chịu mà còn gây nên áp lực, đưa đến những quyết định không phù hợp.

Vợ chồng Hồng Hoa tự nhận mình là "nạn nhân điển hình".

"Lương chồng tôi lúc đó chỉ 5 triệu nhưng đi từ sáng đến đêm. Lương tôi bằng anh, trong khi ở trọ thành phố phải lo toan đủ thứ. Lúc sinh con, tôi chỉ xin lại đồ cũ của mọi người cho con bé mặc, vay mượn để mua bỉm sữa cho con", cô nhớ lại.

Mẹ chồng Hồng Hoa lên chăm con cho cô đi làm như lời hứa. Nhưng cuộc sống ở nhà trọ chật chội, tù túng, kinh tế khó khăn khiến mẹ chồng nàng dâu hục hặc. Cháu chưa đầy hai tuổi, bà cáo ốm bỏ về giữa lúc Hoa vẫn phải đi làm khiến nàng dâu vỡ mộng "sinh cháu để ông bà chăm".

Trường tư không đủ tiền cho con vào học, trường công thì bé chưa đủ tuổi. Hoa phải gặp riêng cô hiệu trưởng, xin cho con vào lớp, dù bé nhỏ hơn các bạn. Ngày đầu đến lớp, con bị bạn cào xước hai bên má, nhưng bà mẹ trẻ vẫn phải đưa con đi học, nhờ cô giáo lưu ý thêm. "Không có ông bà, không hàng xóm nào ngày xưa giục đẻ nuôi hộ mình đâu", Hoa chiêm nghiệm.

Chuyên gia tâm lý khẳng định thúc giục sinh con hoặc có những lời lẽ gây tổn thương về chuyện sinh con có thể khiến các cặp vợ chồng căng thẳng, mệt mỏi.

Thu Hương (30 tuổi, ở Lạng Sơn) tin mình vì quá căng thẳng nên mới mất quá nhiều thời gian mới có con. Bốn năm trước, cô kết hôn nhưng nửa năm chẳng có bầu nên đi khám. Bác sĩ kết luận cô kinh nguyệt không đều, ít trứng dẫn đến khó thụ thai, chỉ cần uống thuốc theo đơn, ăn uống, sinh hoạt theo chế độ sẽ mang thai tự nhiên.

Nhưng thấy Hương nửa năm chưa có con, những người xung quanh đều xúm vào hỏi han. "Mỗi lần ai hỏi con dâu có bầu chưa, mẹ chồng tôi lại thở dài thườn thượt, bảo vợ chồng nó chả quan tâm gì đến chuyện con cái", cô kể. Hàng xóm, người nhà gặp là lại thắc mắc "sao mãi chưa có bầu?", "Có bị bệnh gì không?", "Đã đi khám chưa?", khiến cô vô cùng mệt mỏi.

Hương sợ, không muốn về quê nội. Thời gian đầu cô hay than thở với chồng chuyện bị nhà nội gây sức ép, anh khuyên cô mặc kệ, nhưng sau cáu kỉnh vì vợ nói mãi một chuyện. Đời sống chăn gối thêm lạnh nhạt, Thu Hương lúc nào cũng buồn bã, chán nản. "Bác sĩ khuyên vợ chồng tôi nên thả lỏng, thoải mái tư tưởng mới có thể sinh con, nhưng tôi cứ lo nghĩ, phiền muộn mãi", cô kể.

Từ giữa năm đến nay, Thu Hương buông xuôi, cô không uống thuốc, cũng ít về nhà nội. Những người xung quanh hỏi mãi không thấy cô có con nên thưa nhắc chuyện con cái. "Vợ chồng tôi chẳng mong nữa, tính sang năm làm thụ tinh nhân tạo. Tôi chậm kinh hai tháng cũng chẳng thèm để ý, đến lúc ra Tết mới thử ai ngờ đã lên hai vạch", người phụ nữ sắp làm mẹ kể.

Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm khuyên các cặp vợ chồng thường xuyên bị hỏi chuyện con cái nên nói thẳng với người hỏi tâm trạng của mình, với thái độ ôn tồn. "Hãy nói 'vợ chồng cháu đang cố gắng. Chúng cháu thấy áp lực khi thường xuyên bị hỏi như vậy. Cháu nghĩ nếu không hỏi, chúng cháu sẽ sớm có con hơn'", bà khuyên.

Thạc sĩ chuyên khoa 2, bác sĩ Lưu Quốc Khải, phó giám đốc chuyên môn, trưởng khoa sản một bệnh viện quốc tế ở Hà Nội cho biết, các cặp vợ chồng trước khi kết hôn nên đi khám tiền sản để nắm rõ tình trạng của bản thân, điều trị nếu có vấn đề và không phải lo lắng về việc hiếm muộn nếu chưa muốn có con ngay, mà bị thúc giục.

"Ngày nay y học tiến bộ, hiếm muộn được điều trị vẫn có thể có con nên không phải lo lắng hay bị tác động từ người ngoài. Các cặp vợ chồng sinh hoạt đều đặn, từ 6 tháng trở lên mà không có con mới phải khám", ông nói.

Cuộc sống của vợ chồng Hồng Hoa đã bớt khó khăn hơn trước khi công việc của cô ổn định, thu nhập của chồng tăng thêm và con gái đã lớn. Lúc này, những người xung quanh, bố mẹ hai bên lại hỏi "sao chưa đẻ đứa nữa?".

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bị giục đẻ