Ai nên là người giữ tiền trong nhà?

21/05/2022 09:26

Theo một số nghiên cứu gần đây, khoảng 70% căng thẳng, xung đột vợ chồng liên quan đến tài chính. Giải quyết ổn thỏa chuyện tiền bạc được coi như một chiếc chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Giải quyết ổn thỏa chuyện tiền bạc được coi như một chiếc chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc cho mỗi gia đình

Mỗi nhà mỗi cảnh

Chị em trong công ty mỗi lần ngồi lại ai cũng bảo Hồng Thắm (32 tuổi, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) có phước khi lấy được Quốc Phong, một người chồng hết sức gương mẫu, vì không hề động tới cà phê, thuốc lá cũng chẳng thấy đụng tới ly bia. Mới nghe thì ngưỡng mộ thật nhưng hỏi ra mới biết Phong chẳng hề có sự lựa chọn khác nên mới... ngoan ngoãn như vậy.

Bạn bè hay trêu Phong là người cõi trên bởi quanh năm suốt tháng không bao giờ đụng tới tiền bạc. Đơn giản vì cái thẻ ATM lúc nào cũng nằm gọn trong ví của vợ anh. T

Thắm cho rằng hai vợ chồng cùng ăn sáng ở nhà, lại đi chung 1 chiếc xe do Thắm đổ xăng nên chẳng có lý do gì để Phong phải giữ tiền riêng. 

Hồi năm ngoái, trong chuyến đi nghỉ mát của công ty, lúc xe dừng lại để cả đoàn điểm tâm, Phong muốn mua vài tờ báo để mang theo đọc cho vui, Thắm từ chối với lý do không có tiền lẻ, ráng đợi tới nơi có WiFi thì vô mạng mà coi cho đỡ tốn kém. Chứng kiến cảnh đó, nhiều người tỏ vẻ thương hại với hoàn cảnh của Phong...

Cũng là phụ nữ nhưng Kim Hằng (27 tuổi, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) lại có tiếng xài sang ngay từ thời độc thân. Nên sau đám cưới, dù muốn hay không Hoàng Vĩnh phải quản lý chuyện tiền bạc, chi tiêu cho cả hai. 

Anh chia sẻ, đàn ông mà phải giữ tiền rất dễ bị người ngoài dán cho cái nhãn "bủn xỉn keo kiệt", "đong lọ nước mắm đếm củ dưa hành", nhưng đành chịu vậy bởi đâu ai có thể hiểu hết cho mình. 

Không ít lần Vĩnh cũng đã thử giao cho Hằng quán xuyến chuyện tiền nong, nhưng lần nào ngân sách cũng nhanh chóng thâm hụt, thậm chí... cạn kiệt trong khoảng thời gian chưa đầy nửa tháng. Thế là 15 ngày còn lại dù ngán đến tận cổ nhưng hai vợ chồng vẫn phải cố xì xụp mì gói mỗi ngày mà trông chờ đến ngày lương vô tài khoản.

Với gia đình Hữu Lộc và Ngọc Duyên (30 tuổi, quận 7, TP Hồ Chí Minh) thì có sự thỏa thuận rõ ràng, cụ thể. Lộc gánh các chi phí chính yếu trong gia đình hằng tháng như: tiền biếu cho bố mẹ hai bên, học phí của các con, điện, nước, Internet, truyền hình cáp... Trong khi tiền lương của Duyên dùng vào chuyện chợ búa cơm nước, chăm sóc sức khỏe, giải trí cho cả nhà... 

Ngoài ra cả hai cùng trích ra một khoản nhất định nhằm đầu tư cho chuyện học hành, nghề nghiệp của con cái sau này.

Thế nào là phù hợp?

Từ xưa đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người thường mặc định phụ nữ phải là người quản lý tài chính trong gia đình. Nếu người vợ không khéo vun vén, lại thích mua sắm đủ thứ thì trách nhiệm này được chuyển giao cho các ông chồng cũng là điều dễ hiểu. 

Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng điều này khiến các ông thường bị cho là không sớm thì muộn sẽ trở nên "chi li như đàn bà", lúc nào cũng chăm bẳm với việc "tiền đong gạo đếm". 

Ngược lại, bản chất đàn ông thường hay hào phóng, nhất là những lúc nhậu nhẹt với bạn bè nên thường được các chị vợ phát tiền hằng ngày hoặc hằng tuần với định mức nhất định cũng là một cách giúp các anh chồng không có dịp để "vung tay quá trán".

Thông thường có ba kiểu quản lý tiền bạc trong gia đình. Đầu tiên là kiểu "tay hòm chìa khóa". Một trong hai người giữ toàn bộ thu nhập; đồng thời cũng là người phụ trách chi tiêu cho cả gia đình. Người kia thường nhận lại một khoản tiền nhỏ để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Kế đến là kiểu "thân ai nấy lo". Theo đó mỗi người tự quản lý phần tiền lương của mình và đóng góp chi tiêu chung của gia đình, dạng như "góp gạo thổi cơm chung".

Kiểu cuối cùng là "hai túi tiền thông nhau", dung hòa cả hai phương pháp trên. Vợ và chồng hợp hai khoản tiền lương lại, cùng nhau quản lý và chi tiêu đồng đều. Thu nhập chung sẽ được phân chia cho các khoản chi hằng tháng của gia đình. Trong đó bao gồm khoản tiết kiệm - đầu tư chung và khoản tiêu riêng cho mỗi người.

Theo các chuyên gia hôn nhân - gia đình thì khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân, hai vợ chồng nên thống nhất các quy tắc tài chính chung và công khai khoản thu nhập cũng như chi tiêu cá nhân. Đó có thể là số tiền bạn tiết kiệm được, số tiền được cha mẹ cho hoặc số tiền bạn còn phải trả do vay mượn, số tiền bạn phải chu cấp cho gia đình hằng tháng hay mục tiêu, nguyện vọng tài chính bạn mong muốn trong tương lai... tất cả đều phải công khai, rõ ràng để tạo nên sự tin tưởng, thông cảm lẫn nhau giữa hai vợ chồng ngay từ đầu. Đây cũng chính là nền tảng cơ bản để vấn đề tiền bạc không chi phối hạnh phúc gia đình.

Đồng thời vợ chồng cần thống nhất các quan điểm về tiền bạc. Nhằm xác định rõ các vấn đề cụ thể như: tiền bạc trong gia đình do ai nắm giữ là hợp lý để có thể quản lý và chi tiêu một cách hiệu quả; số tiền người còn lại được chi tiêu trong 1 tháng là bao nhiêu; các mục tiêu tài chính gia đình bạn cần hướng tới và đạt được trong ngắn hạn, dài hạn... để cùng nhau cố gắng; trước khi quyết định một vấn đề gì cần phải có sự bàn bạc, thống nhất giữa hai vợ chồng.

Sự thống nhất sẽ giúp vợ chồng không phải so sánh, không nghi kỵ, hạch sách lẫn nhau, từ đó tạo nên sự vui vẻ, thoải mái, tin tưởng nhau hơn. Ngoài việc cho phần lớn số tiền kiếm được vào ngân quỹ chung, mỗi người cũng cần phải có một ít tiền riêng đủ để bạn có thể chi tiêu hằng ngày phục vụ cho công việc và nhu cầu thiết yếu của cá nhân như tiền xăng xe, điện thoại, ăn sáng, giao lưu bạn bè...

Hãy cùng góp sức, chung tay

Khó có một đáp án hoàn hảo cho câu hỏi ai là người nên giữ vai trò quản lý chi tiêu trong gia đình. Điều đó phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và cách nhìn nhận của mỗi người trong cuộc. Sẽ hoàn hảo hơn nếu cả hai cùng chung tay góp sức trong công việc này. Xã hội hiện nay luôn đề cao sự bình đẳng, nếu phụ nữ ra ngoài làm việc được thì cũng chẳng có gì lạ khi người đàn ông nhận trách nhiệm vun vén chi tiêu cho gia đình.

Điều quan trọng không phải ai là người giữ tiền trong nhà, mà là cách hành xử sao cho hợp lý, thực sự tôn trọng lẫn nhau. Vì chẳng có một ông chồng hoặc bà vợ nào cảm thấy vui vẻ, thoải mái trong mỗi lúc cần tiền phải ngửa tay xin người bạn đời của mình từng đồng như vậy.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai nên là người giữ tiền trong nhà?