20 đêm chồng nằm góc bếp trông vợ điều trị Covid-19 trong phòng

14/09/2021 09:13

“Phòng bên kia chăn ấm đệm êm, nhưng nói thế nào ông ấy cũng không chịu vào đó nằm mà cứ ở góc bếp”, bà Xuân xúc động nói.

Sau 15 phút tập thở, bà Xuân với tay lấy bình nước uống từng ngụm nhỏ. Phía ngoài phòng bếp, tiếng đàn guitar của ông Đức cũng dừng lại. Thay vào đó là tiếng lách cách chén bát chuẩn bị bữa cơm chiều. Suốt nhiều ngày liền, ông Đức thường đệm đàn động viên tinh thần để vợ tập thở, vượt qua Covid-19.  

Trước khi nhiễm Covid-19, bà Xuân đã có 15 năm đối mặt với căn bệnh Parkinson

Đệm đàn cho vợ… tập thở

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (59 tuổi) và chồng sống trong ngôi nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Các con cháu đều sinh sống và học tập ở nước ngoài nên thường ngày chỉ có ông bà chăm nhau. Bà biết mình mắc Covid-19 hôm 5.8, khi được chồng đưa đi làm test nhanh trước khi tiêm vaccine.

Cầm kết quả dương tính trên tay, bà Xuân bàng hoàng, còn chồng thì như chết đứng. Từ ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp ở thành phố, ông bà đều ở nhà, không hiểu sao bà vẫn bị nhiễm Covid-19.

Biết vợ nhiễm bệnh, ông Trần Công Đức (61 tuổi) lo lắm, bởi 15 năm qua, bà Xuân bị bệnh Parkinson nên đi lại chậm chạp, khó khăn. Mấy năm gần đây, bà phải sắm thêm xe lăn để phòng khi muốn đi xa. Ngoài ra, bà còn bị lao xương và thoát vị đĩa đệm nên sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên, với sự cố gắng của bản thân và trong ngôi nhà thân quen cùng nhiều điểm nắm, tựa phòng khi vấp ngã, mọi sinh hoạt của bà Xuân diễn ra nhịp nhàng, chậm rãi.

Khi bị Covid-19, bà rất lo lắng nếu phải sống ở môi trường mới. Vì vậy, bà trình bày nguyện vọng và xin được điều trị tại nhà.

Ông Đức thường đệm đàn động viên tinh thần vợ

Bà được người quen giới thiệu cho bác sĩ đang làm việc ở một bệnh viện của TP Hồ Chí Minh. Theo tư vấn của bác sĩ, vợ chồng bà Xuân chuẩn bị các thiết bị để kiểm tra chỉ số SpO2, huyết áp, nhiệt độ cơ thể.

Vì có nhiều bệnh nền nên bà Xuân còn được cho mượn một máy thở. Hàng ngày, bà uống thuốc theo đơn bác sĩ kê, mỗi buổi sáng, bà đo các chỉ số rồi gửi qua zalo cho ông kiểm tra. Khi có các triệu chứng như sốt nhiều, nôn ói, chóng mặt…. bà cũng lập tức cập nhật để bác sĩ kịp thời tư vấn.

Ông bà đã nghiêm túc thực hiện các quy định cách ly của Bộ Y tế, phân khu sử dụng trong nhà. Trên mỗi chiếc bàn, ông Đức đều để một bình cồn 70 độ. Hai người dùng nhà vệ sinh, đồ đạc, chén bát riêng.

Bà để nước, thuốc, thiết bị y tế và các loại bánh sát giường, vừa tầm với để chủ động. Nhà vệ sinh sát cạnh phòng ngủ nên những lúc bớt mệt, bà sẽ lần tường đi vào, tự làm vệ sinh cá nhân và rửa một số vật dụng.

Đến bữa, ông Đức đưa thức ăn đặt nhanh vào chiếc ghế nhỏ trong phòng vợ sau đó lập tức đi ra. Mỗi ngày ông Đức vào phòng vợ 3-4 lần nhưng cả hai không giáp mặt, luôn đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện. “Vợ chồng tôi giao tiếp với nhau qua điện thoại và tin nhắn”, bà Xuân nhớ lại.

Chén bát bà Xuân sử dụng sẽ được rửa bằng nước nóng rồi sấy khô. Quần áo của vợ cũng được ông Đức đeo găng tay gom lại ngâm nước nóng giặt rồi phơi ra nắng.

“Chồng tôi kỹ đến mức mấy ngày đầu ông ấy giặt đồ nhưng không dám vẩy vì sợ vi rút còn lưu lại sẽ văng vào người. Thấy quần áo nhăn nhúm quá, tôi hỏi thì mới biết sự tình. Nói thế để thấy rằng, con vi rút này đem đến cho người ta một nỗi sợ khủng khiếp”, bà Xuân nhắc lại chuyện hài hước của hai vợ chồng trong những ngày đương đầu với Covid-19.

Bà Xuân được chồng sát cánh, chăm sóc những ngày mắc Covid-19

Nhiều khi thèm một cái nắm tay

Ngôi nhà của hai ông bà thiết kế 3 phòng ngủ hướng ra bếp. Vì lo lắng không kịp tiếp cứu cho vợ lúc cần thiết nên tối tối, ông Đức ôm chăn gối ra nằm dưới bàn ăn cơm. Đầu ông quay về phía có tủ chắn để tránh luồng khí trực tiếp từ phòng vợ. Hé cửa trông ra, bà Xuân chỉ nhìn thấy đôi chân chồng lấp ló.

Cứ thế hơn 20 ngày, ông Đức trực sẵn bên ngoài rồi dặn vợ cần bất cứ thứ gì hay thấy trong người khó chịu là phải gọi ông ngay. Thậm chí, ông còn cài riêng cho bà một bài nhạc chuông để có mặt ngay khi vợ cần.

Về phần mình, bà Xuân biết chồng đã vất vả cả ngày nên luôn cố gắng tự xoay xở. Những đêm ngày thứ 9, thứ 10 sốt cao, bà ngồi dậy tự đo thân nhiệt rồi pha thuốc uống.

Bà luôn ý thức được tầm quan trọng của việc bù nước nên uống nước liên tục. Khi mệt quá không ngồi dậy được, bà nằm rồi dùng ống hút để uống.

Những ngày bị sốt, cứ ăn vào bà Xuân lại chực ói ra. Nhưng bà quyết không bỏ bữa. Bà múc từng muỗng cho vào miệng rồi lại nằm xuống nuốt từ từ. Có khi mất 1-2 tiếng bà mới ăn xong được chút cháo. “Tôi phải cố gắng để cơ thể có đủ dinh dưỡng và để không phụ lòng người chồng đã tận tâm chuẩn bị cho tôi từng bữa ăn”, bà chia sẻ.

Cơn đau tức ngực cũng kéo đến hành hạ bà thời gian này. Trong cơn mê man, bà nhớ đến hình ảnh các con và đứa cháu nội 18 tháng tuổi, nhớ cảnh chồng tất tả lo cơm nước…. Bà tự nhủ mình “phải thở, phải thở” để không bị đuối dần đi.

Mấy hôm sau, những cơn sốt giảm dần. Bà Xuân tiếp tục tập thở, thở bằng bụng, thở bằng ngực, thở sâu. “Bất cứ khi nào có thể, tôi đều tập thở. Chính vì thế, từ đầu đến cuối, chỉ số SpO2 tôi luôn ở mức 95”, bà Xuân cho hay.

Khi nghe tin bà Xuân bị Covid-19, người thân chỉ biết lo lắng và cầu nguyện. Nhiều người liên tục nhắn tin hỏi han. Để tinh thần được giữ vững, bà Xuân yêu cầu bạn bè không báo tin bà bị bệnh cho người khác biết. Mỗi ngày, bà chỉ gửi vài tin nhắn trò chuyện cùng họ.

Bà bảo: “Đó là cách kết nối với bên ngoài để biết mình không cô đơn, song vẫn bảo đảm thời gian nghỉ ngơi, bản thân không quá bi lụy. Lúc tôi bị bệnh thì quá trời tin tức ba của bạn, mẹ của bạn hay chồng của bạn qua đời vì Covid-19. Bạn bè không biết tôi là F0 nên nhắn tin thông báo. Sau này, khi biết tôi đã âm thầm vượt qua Covid-19, nhiều người còn không tin nổi”. 

Khoảng thời gian bà Xuân mắc Covid-19, ông Đức biết vợ sẽ nhớ con cháu nhiều hơn nên quan tâm tận tình từng chút một. Bà Xuân lúc này càng đồng cảm và thương những F0 không có người thân bên cạnh. “Căn bệnh này khiến người mắc rất khổ sở. Nhiều khi thèm một cái nắm tay để tiếp thêm động lực mà cũng không thể”, người phụ nữ 59 tuổi bùi ngùi.

Khỏi bệnh, bà Xuân trở về với những đam mê thường ngày như làm hoa giấy, nấu ăn (Một vài bình hoa giấy bà làm trước đây)

Trải qua 20 ngày vất vả, cuối cùng bà Xuân cũng nhận được kết quả âm tính. Bà tập đi lại trong nhà và làm quen lại với công việc bếp núc.

Men cầu thang bước lên sân thượng, bà thấy tràn ngập một màu xanh. Màu xanh của bầu trời, của rau, cỏ chen nhau mọc um tùm. Cây mướp ngọt bà trồng trước khi bị bệnh đã héo queo. Những trái khổ qua chín vàng, nứt toác khiến hạt đỏ rớt đầy xuống mặt sân.

Bắt tay ngay vào cắt cành, tỉa lá, dọn dẹp xung quanh, bà Xuân mỉm cười nghĩ đến cảnh khu vườn được hồi sinh, như bản thân mình đã được hồi sinh.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 đêm chồng nằm góc bếp trông vợ điều trị Covid-19 trong phòng