Gia đình khuyết thế hệ có thể nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Ở phía tích cực nó thể hiện sự quan tâm, đùm bọc của ông bà với con cháu. Ở chiều ngược lại, nhiều người nhìn nhận đây là một gánh nặng tuổi già.
Ở khu dân cư tôi sống có hai vợ chồng già đều gần 70 tuổi. Không còn sức khỏe để lao động kiếm tiền, hai vợ chồng họ sống dựa vào số tiền lương hưu ít ỏi của người chồng cùng với khoản tiền gửi biếu hằng tháng của con cái. Tưởng rằng cuộc sống tuổi già an nhàn nhưng từ nhiều năm nay ông bà vẫn phải chăm sóc 2 cháu đang tuổi ăn học do bố mẹ chúng đi làm ăn xa, không thể trực tiếp nuôi dưỡng. Tuổi già thường ăn sớm, ngủ sớm, dậy sớm, còn các cháu nhỏ lại có nhu cầu ăn uống, sinh hoạt khác hẳn nên chuyện ông bà mắng mỏ các cháu thường xuyên xảy ra. Nhiều lúc ông bà than vãn rằng tuổi trẻ thì phải nuôi con, giờ lại thêm gánh nặng nuôi cháu...
Những hoàn cảnh như trên có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống ở cả nông thôn và thành thị. Vì mưu sinh, nhiều bố mẹ trẻ phải rời quê hương tới nơi khác lập nghiệp, để lại các cháu nhỏ cho ông bà nuôi dưỡng. Lẽ ra các bậc ông bà (thường là người cao tuổi) phải được nghỉ ngơi, thảnh thơi thì giờ đây lại phải làm thay nhiều vai trò, công việc của các bậc cha mẹ trẻ. Từ việc nấu nướng, giặt giũ, ăn ngủ đến chuyện học hành, vui chơi của các cháu ông bà đều phải lo toan. Nếu ông bà, cha mẹ có thu nhập khá thì còn đỡ vất vả nhưng nhiều gia đình ông bà, bố mẹ đều thu nhập thấp thì cuộc sống rất khó khăn. Tình trạng các gia đình có ông bà phải nuôi dưỡng các cháu nhỏ do bố mẹ đi làm ăn xa thường gọi là gia đình khuyết thế hệ.
Trong báo cáo "Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức" do Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế phát hành năm 2012 đưa ra nhận định: "Có một số lượng lớn gia đình khuyết thế hệ bao gồm trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn do kết quả của di cư từ nông thôn ra thành thị của nhóm "thế hệ giữa". Các buổi tọa đàm với người cao tuổi trên khắp thế giới cho thấy có rất nhiều trường hợp người cao tuổi hỗ trợ cho con cháu họ, không chỉ chăm sóc con cháu họ và làm việc nhà, mà còn góp đáng kể vào kinh tế gia đình".
Gia đình khuyết thế hệ có thể nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Ở phía tích cực nó thể hiện sự quan tâm, đùm bọc của ông bà với con cháu mình. Họ sẵn sàng hy sinh, chấp nhận vất vả, thiệt thòi để nuôi dưỡng các cháu, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ trẻ mưu sinh. Ở những gia đình mà ông bà không thể chăm lo cho các cháu thì bố mẹ buộc phải thuê người trông trẻ với chi phí không nhỏ. Nhiều ông bà còn cho rằng việc được trông nom các cháu cũng giúp tuổi già bớt đơn côi, sống vui vẻ hơn.
Ở chiều ngược lại, rõ ràng nhiều người nhìn nhận đây là một gánh nặng tuổi già. Đành rằng tuổi già nhiều người cũng muốn sống vui vẻ, quây quần cùng cháu con nhưng đó là khi các cháu bé được bố mẹ chúng nuôi dưỡng, thỉnh thoảng về chơi với ông bà. Không ít người cao tuổi dù sức yếu song vẫn phải gắng gượng để chăm sóc các cháu nhỏ. Bản thân các cháu nhỏ thiếu vắng sự chăm sóc thường xuyên của cha mẹ cũng sẽ bị thiếu thốn, thiệt thòi.
Mỗi gia đình phải tự thu xếp để khắc phục những khiếm khuyết, thiệt thòi của gia đình khuyết thế hệ. Tuy nhiên, vấn đề này đang là thực trạng đáng quan tâm ở Việt Nam, cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu để có những định hướng, giải pháp phù hợp, giúp lớp người cao tuổi thực sự được sống vui, sống khỏe, sống có ích.
TÍCH LỊCH HỎA