Gia đình các nạn nhân trong tai nạn máy bay Boeing 737 Max năm 2018 cho biết họ đã bị lừa ký tên vào thỏa thuận bồi thường thiệt hại với các điều kiện ràng buộc bất lợi.
Các mảnh vỡ thu hồi từ chiếc Boeing 737 Max 8 sau tai nạn rơi xuống biển ngoài khơi Indonesia ngày 29.10.2018
Các luật sư của những thân nhân trên nói với Đài BBC là nhiều gia đình đã bị thuyết phục ký tên vào các mẫu đơn ngăn họ thực hiện các hành động pháp lý.
Ngoài ra bài viết trên Đài BBC ngày 11.7 cũng phát hiện nhiều người thân khác cũng đã ký các thỏa thuận tương tự trong 2 vụ tai nạn máy bay khác, ngăn họ kiện Boeing tại các tòa án ở Mỹ.
Tất cả 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng khi chiếc Boeing 737 Max rơi xuống biển chỉ sau 13 phút cất cánh khỏi thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 29.10.2018.
Trong vòng vài tuần sau tai nạn, theo các luật sư gia đình, người thân của các nạn nhân được lời đề nghị bồi thường từ các luật sư bên bảo hiểm.
Tuy nhiên để nhận được số tiền này, các gia đình phải ký thỏa thuận không được tiến hành bất kỳ hành động pháp lý nào chống lại Boeing hay Hãng hàng không Lion Air.
Hành khách Eka Agustin thiệt mạng trong vụ tai nạn năm 2018 này. Bà Merdian, vợ của ông Agustin, cho biết các luật sư bên bảo hiểm đã thuyết phục bà ký thỏa thuận từ bỏ quyền lợi của mình.
"Họ đưa tôi một số giấy tờ để ký. Những giấy tờ này ghi là có thể nhận tiền nhưng không thể kiện Lion Air cũng như không thể kiện Boeing" - bà Merdian chia sẻ.
"Họ thuyết phục tôi ký vào đấy, nói là nên nghĩ đến tương lai. Trong một hay hai giờ sau khi ký là sẽ nhận được tiền để tiếp tục sống. Nhưng tôi không muốn như thế. Không phải vì tiền. Đó là vì mạng sống của chồng tôi" - bà Merdian nhớ lại.
Bà Merdian đã không ký vào đơn nhưng có khoảng 50 gia đình đã đặt bút ký tên. Họ nhận được khoản bồi thường 92.000 USD cho mỗi nạn nhân.
Đài BBC cho biết khoản bồi thường cũng gây tranh cãi do theo luật Indonesia thì các gia đình sẽ đương nhiên được bồi thường 89.000 USD.
"Những gia đình chịu ký thỏa thuận rõ ràng đã bị lừa. Họ trở thành nạn nhân của các công ty bảo hiểm và cuối cùng là vì lợi ích của Boeing" - ông Sanjiv Singh, luật sư của một số gia đình của các nạn nhân trong vụ tai nạn năm 2018, lên án.
Ông Singh nói thêm rằng nếu đấu tranh, các gia đình có thể nhận bồi thường lên đến hàng triệu USD.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Boeing hưởng lợi từ các thỏa thuận bồi thường.
Trong tai nạn rơi chiếc Boeing 737 xuống khu dân cư ở Indonesia năm 2005. Gia đình các nạn nhân đã ký các thỏa thuận ngăn họ kiện Boeing lên tòa án Mỹ. Các thỏa thuận tương tự khác cũng được ký sau vụ tai nạn 737 khác khiến 102 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng năm 2007.
Đài BBC cho biết có một luật sư liên quan đến cả 3 vụ việc trên.
Boeing hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về các thỏa thuận bồi thường này.
Theo Tuổi trẻ