Giá điện Việt Nam hiện đang quá đắt ?

18/03/2012 17:23

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thực tế giá điện bình quân mà các hộ gia đình phải trả không hề rẻ.

Với lý do thua lỗ do phải bán giá điện quá thấp, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã liên tục phải kiến nghị rằng phải điều chỉnh giá để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thực tế giá điện bình quân mà các hộ gia đình phải trả không hề rẻ?!.


Giá điện trả đã là 10 cent/kwh?

Liên tục đưa ra những con số thua lỗ trong các năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho rằng, giá điện cần được thay đổi và điều chỉnh tăng lên để phù hợp với thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là giảm bớt gánh nặng mà Tập đoàn đang phải gánh chịu trong suốt thời gian qua.

Nhận định về thị trường điện Việt Nam, TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đã đưa ra tới 7 nghịch lý. Trong đó đáng lưu ý là những bất cập trong cơ chế giá điện hiện nay.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, bất cập đầu tiên có thể ai cũng nhận ra đó là giá điện là ngành duy nhất chỉ có tăng một chiều mà chưa bao giờ có giảm, bất chấp những trồi sụt giá cả khác trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong khi chấp lượng cung cấp điện có nhiều bất cập, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

“Giá xăng, một ngành cũng đã gây ra nhiều bức xúc đối với người tiêu dùng nhưng có tăng và giảm, theo giá thị trường”, ông Phong nói.

Theo ông Phong phân tích, giá điện trung bình mà người tiêu dùng phải trả hàng tháng hiện nay trung bình là khoảng 2.000 đồng/kWh, tương đương 10 cent/kWh chứ không phải 6,5 cent như tính toán của EVN. Bởi vì cái giá 6,5 cent/kwh chỉ được tính có 50 kwh đầu tiên. Trong khi đấy, rất hiếm có gia đình chỉ dùng 50 kwh đầu tiên.

Ảnh minh họa

Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn, bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đưa ra nhận định, số hộ nghèo, có nhiều khó khăn có đăng ký giá điện ưu đãi chỉ dùng dưới 50 kwh một tháng trở lên thực ra rất ít. Phần lớn người tiêu dùng phải chịu mức tăng giá khá cao chứ không phải 5% như mức tăng cuối tháng 12/2011.

“Đây là một gánh nặng không nhỏ đối với phần lớn người tiêu dùng. Nếu tính cả ảnh hưởng của tăng giá  điện đến mặt bằng giá nói chung, thì người tiêu dùng còn phải chịu đựng nhiều hơn thế”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo phân tích của ông Tuấn, tăng giá điện để có vốn đầu tư là không hợp lý trong tình hình hiện nay. Ngành điện muốn đầu tư, trước hết cần dùng vốn tự có, vốn tích lũy từ tiết kiệm hoặc vay ngân hàng… Chỉ khi có cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng, mới có thể tăng giá bán sản phẩm để tăng tích lũy và đầu tư nếu giá còn cạnh tranh được và người tiêu dùng chấp nhận.

Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng có lỗ hổng chính sách do người đề xuất Thủ tướng ký quyết định 24/2011 về cơ chế điện theo thị trường. Bởi quyết định tăng giá bán điện 5% chỉ mang lại lợi ích cho EVN. EVN mua điện của nhà đầu tư theo hợp đồng khoảng 4,95 cent/kWh. Khi EVN tăng giá bán, việc nhà đầu tư sẽ được hưởng bao nhiêu trong 5% tăng giá thì chưa được đề cập. Giá điện có thể tăng lên 10 cent, trong khi giá điện mà EVN mua vào chưa đến 5 cent…

Giá điện vẫn cần tăng

Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có thể nói, cơ chế quản lý Nhà nước về giá điện ở nước ta đang dần được hoàn thiện. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh điện đã bước đầu được công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận nhất định đối với xã hội. Tuy nhiên có thấy, dù giá điện đã từng bước được điều chỉnh theo lộ trình, nhưng thay đổi của giá điện chưa phản anh hết được biến động của các chi phí sản xuất kinh doanh điện đầu vào hợp lý.

“Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với giá điện, than và dịch vụ công chậm nhất là vào năm 2013. Đồng thời để giá điện phản ánh được chi phí sản xuất kinh doanh điện, thực sự là tín hiệu thu hút đầu tư vào ngành và khuyến khích được doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng điện hiệu quả… trong thời gian tới cần phải tiếp tục điều chỉnh tăng giá”, đại diện Cục Quản lý giá nhận định.

Cục Quản lý giá cho rằng, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với giá điện vào thời điểm thích hợp, phù hợp với mục tiêu lạp phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh xã hội. Giá điện phải dần bù đắp được các chi phí thực tế, hợp lý phải bỏ ra để sản xuất, kinh doanh điện. Trong đó có cả các chi phí sản xuất, kinh doanh điện còn “treo” lại chưa được tính vào phương án giá điện.

Trong khi đó, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Quyết định 24 của Chính phủ về giá điện theo cơ chế thị trường với thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu ba tháng/lần, không quá 5% là hoàn toàn hợp lý, tránh việc phải thường xuyên điều chỉnh giá điện như một số nước. Điều này đảm bảo giá điện không bị “nén” quá lâu và sau đó phải tăng một bước lớn, gây sốc cho người dân.


Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc doanh nghiệp đòi áp dụng giá thị trường trong khi chưa có cạnh tranh đầy đủ trên thị trường đối với điện năng, đây như là một điển hình của việc áp quy trình ngược do ngộ nhận hoặc lạm dụng cơ chế thị trường.

Thực tế cho thấy, trước khi có cạnh tranh thị trường mà cho phép các doanh nghiệp tự định giá là biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, cục bộ thậm chí là mang lợi ích độc quyền kép cho doanh nghiệp độc quyền vì vừa không phải cạnh tranh vừa được làm giá độc quyền. Thực tế cũng cho thấy, chỉ có giá thị trường khi có cạnh tranh và kiểm soát cạnh tranh thị trường lành mạnh.


Minh Hường (VnM)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện Việt Nam hiện đang quá đắt ?