Giá điện 1.747 đồng/kWh tăng hơn giá đang áp dụng đến 7,7%

19/09/2015 07:50

Nhiều chuyên gia nhận định cả ba phương án bán điện theo biểu giá điện mới được EVN đưa ra đều chưa phù hợp, chưa giải quyết được bản chất vấn đề mà dư luận bức xúc.

Nhân viên gắn điện kế cho khách hàng ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: N.C.T.

Nhân viên gắn điện kế cho khách hàng ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: N.C.T.

Theo đó, phương án đầu tiên là giữ nguyên biểu giá điện hiện hành, càng dùng nhiều càng đắt. EVN cho rằng bậc thang hiện hành phức tạp.

Phương án thứ hai là đồng giá 1.747 đồng/kWh - mức giá bình quân các bậc thang của biểu giá điện hiện tại.

Phương án thứ ba, theo EVN sẽ còn 3 - 4 bậc thang thay vì là 6 bậc.

Chưa đáp ứng nguyên tắc xác định biểu giá điện

Trao đổi với PV, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả cho biết, việc xây dựng cơ cấu biểu giá điện phải phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước, phù hợp điều kiện kinh tế xã hội.

Cụ thể, cần phải tuân theo bốn nguyên tắc cơ bản:

Điện ở Việt Nam đang được sản xuất từ những nguyên nhiên liệu không tái tạo được vì vậy khi sử dụng, người dân cần phải tiết kiệm để tránh lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, nguồn cung điện của nước ta chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng nên càng phải tiết kiệm. Người sử dụng điện càng nhiều thì càng phải trả nhiều tiền.

Giá điện là vấn đề hết sức nhạy cảm, có tác động sâu rộng đến sản xuất và đời sống, đến an ninh xã hội. Đặc biệt, điện sinh hoạt đang chiếm từ 11-12% trong toàn bộ sản lượng điện của cả nước.

Quan trọng nhất, điện là ngành độc quyền. Vì là độc quyền nên giá bán điện bình quân phải do nhà nước quyết định. Sau đó, doanh nghiệp mới dựa vào đó để xây dựng biểu giá phù hợp.

“Cả 3 phương án đều không đáp ứng đầy đủ bốn nguyên tắc này”, ông Long nói.

1.747 đồng/kWh được đưa ra cao hơn hiện nay 7,7%

Đưa ra mức đồng giá 1.747 đồng/kWh đồng nghĩa với việc EVN không hề giảm thu, thậm chí được tăng thu. Phần lớn người dân ủng hộ mức đồng giá nhưng cho rằng EVN phải tính toán lại mức giá đồng giá. Mức đồng giá nên giảm giá xuống cho phù hợp với tỷ lệ người dùng. 

Vì các hộ sử dụng dưới 240 kWh trong tháng sẽ tăng tiền điện phải trả (trong khi tỷ lệ hộ sử dụng điện dưới 200 kWh trên cả nước là hơn 80%). Các hộ sử dụng trên 240 kWh chiếm tỷ lệ không cao (chỉ gần 20% người sử dụng điện từ mức 200kWh trở lên) được hưởng lợi.

Ông Ngô Trí Long phân tích: “Giá điện bình quân hiện nay chỉ là 1.622 đồng/kWh. Tức là con số 1.747 đồng/kWh được đưa ra cao hơn hiện nay 7,7%, trong khi trước đó, từ ngày 16-3, mức này cũng đã từng tăng 7,5%”.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, không nên giữ nguyên biểu giá hiện hành cũng không nên chỉ có một biểu giá duy nhất là 1.747 đồng/kWh vì nếu chỉ còn một bậc thang mà lại ở mức giá cao 1.747 đồng/kWh thì người nghèo, người thu nhập thấp rất thiệt thòi.

PGS.TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, cần ghi nhận EVN đã lắng nghe dư luận nhưng ba phương án đưa ra đều không hiệu quả.

“Phương án giữ nguyên thì xem như không ý nghĩa gì. Phương án đồng giá cũng chả nói lên được gì, thậm chí là bước thụt lùi so với trước đây. Phương án ba nghe có vẻ hợp lý hơn cả nhưng nếu xem kỹ sẽ thấy đây chỉ là việc cắt xén lại biểu giá trước để bảo đảm nguyên tắc có bậc và EVN không giảm thu, có khuyến khích tiết kiệm nhưng không giải quyết vấn đề căn bản của biểu giá điện bậc thang lũy tiến hiện nay”, ông Phong nói.

Lũy tiến của EVN lớn hơn tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân.

Bất hợp lý là ở hệ sốTheo ông Ngô Trí Long: "quan trọng là hệ số của từng bậc phải phù hợp so với giá điện bình quân”, ông Long nói.

Vấn đề dư luận quan tâm thời gian qua không phải là số lượng bậc mà là hệ số giữa các bậc. Cụ thể, với mức giá điện bình quân là 1.622 đồng/kWh, bậc 1 và 2 thấp hơn 8,5% và 5%. Tuy nhiên, bậc 3 cao hơn 10%, bậc 4 lên đến 38%, bậc 5 (54%) và bậc 6 là 59%.

Khoảng người dân dùng phổ biến nhất là bậc 3, bậc 4 (từ 100-300kWh/tháng) lại có hệ số quá cao gây bức xúc.

Cũng chính vì lý do này tạo nên sự bất hợp lý khi tổng doanh thu tính theo lũy tiến của EVN lớn hơn tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân.

Áp dụng biểu giá lũy tiến thì phải làm sao cho bậc người nghèo thường sử dụng được giảm giá để hỗ trợ, bậc người dân dùng phổ biến nhất nên có hệ số vừa phải từ 10-20% là tối đa, thay vì lên đến 38% như hiện nay.

"EVN đưa ra 3 phương án này để họ lựa chọn. Tuy nhiên, người dân không biết rõ trong mỗi phương án tồn tại những bất cập. Các tổ chức như MTTQ hay Hội bảo vệ người tiêu dùng có chức năng phản biện cần tập hợp đội ngũ để xây dựng phương án đối trọng. Vì ngành điện luôn xây dựng phương án có lợi cho họ”, ông Long cho hay.

PGS.TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, nên chia biểu giá điện theo 3 nhóm sử dụng: người khó khăn, người dùng trung bình và người dùng lãng phí cùng các đối tượng đặc biệt khác. Trong đó, khoảng cách của nhóm người dùng khó khăn được kéo ra đến 150kWh, nhóm người dùng trung bình tăng lên gần 1.000kWh, nhóm còn lại có mức giá đặc biệt để ngăn chặn việc sử dụng lãng phí.


Ba phương án đề xuất của EVN - Đồ họa: Việt Anh - Võ Hương

Ba phương án đề xuất của EVN - Đồ họa: Việt Anh - Võ Hương

Đồ họa khung giá điện, so sánh mức giá bình quân và tỉ lệ người sử dụng điện hiện nay - Đồ họa: V.Anh

Đồ họa khung giá điện, so sánh mức giá bình quân và tỷ lệ người sử dụng điện hiện nay - Đồ họa: V.Anh

Đồ họa: Vĩ Cường
Đồ họa: Vĩ Cường

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện 1.747 đồng/kWh tăng hơn giá đang áp dụng đến 7,7%