Giá cá lăng giảm mạnh, người nuôi lao đao

28/04/2016 06:25

Những năm trước, đầu tư nuôi cá lăng đã giúp nhiều hộ giàu lên nhanh chóng. Nhưng gần đây, do đầu tư ồ ạt khiến giá cá lăng giảm mạnh, nhiều hộ rơi vào cảnh thua lỗ.



Giá cá lăng giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi cá rơi vào cảnh thua lỗ

Khoảng nửa năm trước, sau đợt mưa lớn, hơn 40 lồng cá của ông Nguyễn Trung Tựu ở thôn Ðột Hạ, xã Nam Tân (Nam Sách) đã bị dòng nước cuốn trôi, thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Hiện nay, các lồng cá đã được khôi phục hoàn toàn, nhưng ông vẫn "dở khóc, dở cười". Từ đầu năm 2016 đến nay, giá cá lăng đen xuống thấp, hiện đã giảm hơn một nửa so với những năm trước. Ông Tựu cho biết: "Chưa khi nào giá cá lăng lại thấp đến vậy. Trước đây, thời điểm giá cao thương lái Trung Quốc ồ ạt sang tận nơi thu mua với giá 130.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 50.000 đồng/kg mà bán cũng chậm. Gia đình tôi hiện còn khoảng 80 tấn cá lăng đen ở 20 lồng. Tôi phải lấy số tiền thu được từ các loại cá khác như trắm, chép giòn, điêu hồng để bù lỗ cho cá lăng, nhưng cũng phải đến 2 năm mới có thể hòa vốn".

Cuối năm 2013, khi thấy giá cá lăng cao, bà Mạc Thị Múc ở thôn Ðồng Ngọ, xã Nam Ðồng (TP Hải Dương) dùng toàn bộ vốn đầu tư vào 20 lồng nuôi cá lăng và 10 lồng nuôi cá trắm, điêu hồng. Sau hơn 2 năm chăm sóc, đến nay cá lăng mới bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu, nhưng giá cá lại xuống thấp. Ðầu năm 2016, bà bán 6 tấn cá lăng đen loại 1 (từ 2,5 kg trở lên) với giá 45.000 đồng/kg, bị lỗ 100 triệu đồng. Hiện nay, giá cá lăng loại 1 chỉ 50.000 đồng/kg, cá loại 2 là 43.000 đồng/kg. Bà Múc than thở: "Trước đây, 1 lồng cá lăng chỉ thu trong 1 ngày là hết, còn bây giờ thương lái phải thu mua hơn 1 tuần, mỗi lần chỉ vài chục kg đến vài tạ cá. Ngoài ra, loại cá này cũng chết nhiều do bị bệnh. Mỗi ngày, tôi phải vớt 10-15 kg cá chết, thiệt hại thêm gần 1 triệu đồng nữa". Theo tính toán của bà Múc, mỗi ngày bà phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua thức ăn cho cá. Ðể bù lỗ cho cá lăng, bà cắt giảm lượng thức ăn công nghiệp của cá trắm và cắt thêm cỏ để làm thức ăn cho cá.

Ông Nguyễn Trung Tựu là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng ở xã Nam Tân. Năm 2011, ông nuôi 32 lồng cá, trong đó chủ yếu là cá lăng đen, cá trắm, điêu hồng... đến nay đã phát triển lên 80 lồng. Những năm trước, giá cá ổn định, mỗi năm ông thu lãi từ 2-3 tỷ đồng, còn hiện tại thì lỗ nặng. "Rất nhiều người muốn đến học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng, nhưng tôi đều từ chối và khuyên không nên đầu tư vào thời điểm này nếu không có vốn lớn, thị trường tiêu thụ ổn định... Do các hộ nuôi cá lăng ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu khiến giá giảm mạnh", ông Tựu cho biết thêm.

Theo ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân, năm 2012, toàn xã có 300 lồng cá, đến nay, đã tăng lên khoảng 1.200 lồng. Các hộ nuôi chủ yếu là cá lăng đen, điêu hồng, cá trắm, chép giòn. Ðây cũng là xã có số lượng lồng nuôi cá nước ngọt lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, các hộ chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Ðịnh... Từ năm 2015, xã đã khuyến cáo các hộ không nên tăng số lồng cá. Tuy nhiên, nhiều hộ vì thấy lợi nhuận trước mắt vẫn đầu tư một cách ồ ạt khiến giá cá rẻ như hiện nay.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.122 lồng cá, trong đó có khoảng 400 lồng nuôi cá lăng đen, ước tính khoảng 1.000 tấn cá. Cá lồng được nuôi tập trung ở các sông lớn như sông Luộc, Thái Bình, Kinh Thầy, Kinh Môn, Văn Úc... Số lượng lồng nuôi tăng lên nhanh chóng, chỉ từ năm 2015 đến nay đã tăng thêm 764 lồng cá. Các xã có nhiều hộ nuôi cá lồng ngoài Nam Tân còn có như Nam Ðồng (TP Hải Dương), Minh Hòa (Kinh Môn), Hiệp Lực (Ninh Giang)... Ông Nguyễn Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khuyến cáo: Các hộ không nên nuôi cá lồng một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch mà nuôi rải vụ. Ðặc biệt với cá lăng thì cần nghiên cứu kỹ thị trường trước khi đầu tư nuôi.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá cá lăng giảm mạnh, người nuôi lao đao