Trở về gia đình sau 1 tuần sống, rèn luyện theo kỷ luật quân đội, các em đã hình thành cách sống tự lập, tự tin hơn, biết giúp đỡ bố mẹ, quý trọng tình cảm gia đình...
Các chiến sĩ “nhí” tranh thủ giờ nghỉ viết nhật ký
5 giờ sáng, các chiến sĩ "nhí" bị lôi ra khỏi giấc ngủ để tập thể dục buổi sáng. Sau đó, các học viên tham gia luyện tập các bài huấn luyện quân sự. Buổi tối, các học viên đọc báo, nghe thời sự và học chính trị theo các chuyên đề. Một ngày luyện tập kết thúc sau khi các em viết nhật ký, điểm danh quân số và hiệu lệnh tắt đèn đi ngủ. Tất cả đều thực hiện theo điều lệnh quân đội, không có trường hợp ngoại lệ. Trong 8 ngày (từ ngày 11 đến 18-7) các em được học điều lệnh đội ngũ, điều lệnh quản lý bộ đội, quản lý đội ngũ, thực hành 7 tư thế vận động trên chiến trường, cấp cứu tải thương, khả năng đi rừng, đào bếp Hoàng Cầm, rèn luyện thể lực, tập thể dục quân đội; tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, các em được giao lưu văn hóa, thể thao với các chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 2 và các đoàn viên thanh niên phường Bến Tắm, tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”… Anh Nguyễn Hồng Sáng, Phó Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, người trực tiếp quản lý các em trong suốt 1 tuần chia sẻ: “Các em trong độ tuổi từ 11 - 19 rất hiếu động, phần lớn chưa sống xa gia đình nên những ngày đầu có em khóc nhớ bố mẹ, có em không quen dậy sớm vừa tập thể dục vừa ngủ gật…”. Trong nhật ký em Đặng Trần Nam, 10 tuổi, ở Hà Nam viết: “Bữa cơm đầu tiên ở đơn vị, con không ăn được vì khô quá, nhưng vẫn phải cố ăn để lấy sức luyện tập mẹ ạ, con biết ăn nhiều rau rồi nhé. Ở đây, phòng ngủ không có điều hòa như ở nhà, cả phòng chỉ có 2 chiếc quạt trần, thỉnh thoảng có cơn gió mát cả phòng lại ồ lên vì sung sướng…”. Chính qua học kỳ quân đội đã rèn luyện cho các em cách thích nghi với mọi hoàn cảnh sống, trưởng thành hơn khi rời khỏi vòng tay che chở của gia đình. Em Đỗ Huy Hiệu 11 tuổi đến từ Hưng Yên cho biết: “Học kỳ quân đội đã rèn luyện cho cháu cách gấp chăn màn, đi thao trường, học tháo lắp súng”.
Tham gia học kỳ lần này có khá đông các bạn nữ tham gia. Không có chế độ luyện tập riêng, các bạn nữ cũng phải thực hiện theo đúng điều lệnh, luyện tập ngoài thao trường như những người lính thực sự. Em Dương Thanh Lam, 16 tuổi, ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) tâm sự: “Tham gia học kỳ quân đội, em rất vui, biết thêm nhiều bạn mới, được rèn luyện theo tác phong của quân đội. Qua đó em học được cách sống tự lập, ngăn nắp”. Nhiều công việc thường ngày đơn giản các em không hề phải đụng tay thì nay phải tự tay làm, không thể trông chờ, ỷ lại vào bố mẹ. Điều làm các học viên thích thú nhất là phần học tháo lắp súng AK. Trước đây, các em chỉ biết tới súng qua sách báo, ti-vi thì nay các em được trực tiếp tìm hiểu từng bộ phận, nguyên lý hoạt động của súng AK và tự tay tháo lắp súng.
Tập tháo lắp súng
Trở về gia đình sau 1 tuần sống, rèn luyện theo kỷ luật quân đội, các em đã hình thành cách sống tự lập, tự tin hơn, biết giúp đỡ bố mẹ, quý trọng tình cảm gia đình. Anh Dương Văn Tuấn ở xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), bố của em Lam cho biết: “Sau một tuần tham gia học kỳ quân đội, tôi thấy cháu sống ngăn nắp, gọn gàng hẳn. Cháu biết quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn”. Cùng tâm trạng với anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ở TP Hải Dương có con trai Vũ Đức Anh, 16 tuổi tham gia học kỳ quân đội cho biết: “Lúc đầu cháu tham gia khóa học, gia đình rất lo lắng, vì cháu chưa đi đâu xa nhà, quen được gia đình chăm chút. Bây giờ thì cháu đã biết rửa bát, tự giặt quần áo và không còn thói quen ngủ "nướng". Học kỳ quân đội đã giúp cháu thay đổi rất nhiều. Năm sau tôi sẽ tiếp tục cho con rèn luyện trong khóa học đặc biệt này”.
Qua 2 năm tổ chức chương trình Học kỳ quân đội, đã có gần 100 em học sinh tham gia, tạo được những ấn tượng tốt đẹp với học sinh và bậc phụ huynh. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục mở các đợt rèn luyện cho thanh thiếu niên, nhân rộng mô hình về các huyện, thị xã, thành phố để thu hút đông hơn các bạn trẻ tham gia.
Học kỳ quân đội là chương trình do Tỉnh đoàn phối hợp với Trung đoàn bộ binh 2 Sư đoàn 395 (Quân khu Ba) tổ chức, nhằm huấn luyện tính kỷ luật, sống có mục đích, rèn luyện thể lực, khả năng tự lập cho đoàn viên thanh niên. Năm nay, 58 học sinh từ 11 đến 18 tuổi tham gia chương trình này, trong đó có một số em ở tỉnh khác như Hưng Yên, Hà Nam…
|
TÂM PHÚC