Ngay nay, cả phụ nữ và đấng mày râu đều muốn tìm ra những chiêu hữu hiệu cảnh cáo tình địch và cả bạn đời chứ không đẩy hôn nhân đến bờ tan vỡ.
“Ớt nào mà ớt chẳng cay”, nhưng qua rồi cái kiểu sởn đầu, rạch mặt tình địch. Bây giờ, các bà, các cô lẫn các ông đều cố gắng tìm ra những chiêu hữu hiệu cảnh cáo tình địch và cả bạn đời của mình, không đẩy hôn nhân đến bờ tan vỡ.
Cuộc sống và công việc cứ quay cuồng làm cho bữa cơm gia đình trở thành chuyện xa xỉ với các cặp vợ chồng công chức, nhất là bữa cơm trưa. Giải pháp ăn và nghỉ trưa tại cơ quan được các gia đình lựa chọn. Rốt cuộc, người mà bạn thường xuyên gặp gỡ tâm sự không phải là vợ hoặc chồng mà là anh bạn hay cô bạn đồng nghiệp. Rồi những cuộc tình công sở nảy sinh...
Chị Hà nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), công tác tại một công ty TNHH chuyên về đồ máy gia dụng, bấy lâu nghe phong thanh chồng hay đi ăn trưa cùng một cô đồng nghiệp trẻ mới về. Tuy vậy chị chẳng hề đe dọa hay tỏ thái độ ghen tuông gì. Chị kín đáo để ý điện thoại di động của anh. "Giăng câu" mãi cũng có ngày bắt được "cá".
Vợ chồng chị có một quy ước là đi ngủ phải tắt điện thoại di động. Một lần dậy trước, chị khởi động cả hai máy, và thế là tin nhắn của "cô em đồng nghiệp" gửi từ đêm qua giờ mới bay đến: "Anh ơi, hôm nay đi công tác hay sao mà cả ngày không thấy ở văn phòng? Em nhớ anh!".
Tím ruột sôi gan nhưng chị Hà bình tĩnh lấy máy của anh reply lại: "Chồng chị khỏe, cảm ơn em lâu nay đã quan tâm, nhưng em đừng mất công, có chị và các cháu nhớ là được rồi!".
Bấm nút send xong, chị xóa luôn tin tới lẫn tin đi. Mọi chuyện xem như chỉ có chị và cô gái kia biết. Một tuần sau hai vợ chồng có một buổi nói chuyện do chính anh đề nghị và chị đã nhận được lời xin lỗi từ chồng, còn chị cũng xin lỗi anh đã “xâm phạm vật dụng cá nhân” của anh để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Nhưng giữ bình tĩnh được như chị Hà hoàn toàn không dễ chút nào. Kiềm chế sự nóng giận và cảm xúc ghen tuông đôi khi còn đòi hỏi cả sự hy sinh.
Chị Nguyễn Thị Liên, làm việc cho một công ty nước ngoài ở quận Hoàn Kiếm đã như chết lặng khi nghe “mật báo” chồng mình lăng nhăng với cô thư ký trẻ đẹp ở công ty riêng do anh làm giám đốc.
Buổi trưa nọ, không báo trước, chị đi xe đến công ty anh, xông thẳng lên phòng làm việc của anh, nhưng chẳng thể “bắt quả tang tại trận” như chị nghĩ vì chồng chị đã ra ngoài ăn trưa.
Ngồi chờ chồng, nhìn các nhân viên ân cần lễ phép với mình và nhắc tới anh với vẻ kính trọng, cơn ghen sục sôi trong lòng chị như chùng xuống. Chị lặng lẽ ra về mà không chờ gặp anh nữa, vì chị hiểu rằng, có ghen đến đâu cũng phải giữ thể diện cho chồng.
Chỉ có điều, sau đó chị chủ động đề nghị được đi cùng anh trong những buổi tiếp tân quan trọng, thỉnh thoảng tạt qua công ty cùng anh và các nhân viên của anh đi ăn trưa. Nén lòng một thời gian, chị đã chiến thắng: Cô thư ký kia hiểu rằng, không ai thay thế vị trí của chị được, và cô đã tự nguyện rút lui.
Sau hai năm mải mê tập trung cho đề án nghiên cứu sinh cấp bộ, anh Tuấn, làm việc cho một viện nghiên cứu khoa học, phát hiện vợ mình được một anh bạn đồng nghiệp quan tâm đặc biệt. Điều đáng ngại là chị không từ chối sự quan tâm ấy.
Anh hiểu rằng mình đã quá lo công danh sự nghiệp mà thiếu quan tâm tới vợ. Anh quyết định tạm hoãn mọi việc, dành thời gian suy nghĩ chuyện nhà, trao đổi nghiêm túc với vợ, đặc biệt anh thừa nhận những thiếu sót của mình.
Sau đó anh dành thời gian cho vợ nhiều hơn, đưa chị cùng đi mỗi lần công tác. Cách hành xử rất đàn ông của anh làm chị cảm động, còn người bạn kia ân hận vì suýt nữa trở thành kẻ "thừa nước đục thả câu".
Khi xảy ra hiện tượng chồng hay vợ "xao lòng" thì người còn lại cần bình tĩnh đối diện với thực tế tình cảm của mình mà hành xử. Hãy nhớ rằng, những người ngoại tình thường mang mặc cảm có lỗi với bạn đời. Bởi vậy, thể hiện cái ghen đúng lúc, chân thành quan tâm hơn đến vợ hoặc chồng mình, cho những người “lạc lối” con đường quay về tổ ấm, bạn sẽ có cơ hội nắm lại được hạnh phúc.
(Nguồn: NNVN)