Gặp những nhà báo chiến trường

22/06/2010 14:35


Dù tuổi đã cao, nhưng ông Vũ Cẩn Thận, một phóng viên chiến trường năm xưa, vẫn tích cực tham gia cộng tác với một số báo

Nhà báo chiến trường Nguyễn Thế Tiến từng là phóng viên ảnh của Báo Sư đoàn 5 chiến đấu ở mặt trận miền Đông Nam Bộ. Ký ức về hơn 10 năm làm báo ở chiến trường của ông gắn liền những chuyến băng rừng, lội suối, đối mặt với  cảnh bom rơi đạn lạc, đứng trước họng súng của kẻ thù. Nhập ngũ năm 1964 và được phân về Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Vốn có năng khiếu viết lách, lại là một trong số ít chiến sĩ của đơn vị tốt nghiệp phổ thông nên ông được sư đoàn cử đi học một khóa đào tạo ngắn hạn về nhiếp ảnh và nghiệp vụ báo chí. Cuối năm 1968, sau khi kết thúc khóa đào tạo, ông được cử về làm phóng viên Báo Sư đoàn 5. Ông kể, tuy trước đó cũng đã “tập tành”  viết lách nhưng là viết cho vui, còn giờ là phóng viên chính thức phải viết để chiến đấu, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị nên gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với những khó khăn về tác nghiệp, còn có những khó khăn, nguy hiểm do chiến tranh mang lại. Lần đầu tiên đi tác nghiệp, ông đã có những kỷ niệm không thể nào quên. Lần đó, ông cùng 2 phóng viên của báo được cử đi theo các đơn vị của sư đoàn tiến đánh quân địch. Ông theo một đơn vị phục kích giao thông. "Hồi hộp là cảm giác của tôi lúc đó. Nằm ép sát trên khẩu pháo của ta, tôi hy vọng sẽ chụp được bức ảnh lửa từ đầu pháo bắn vào xe tăng của địch nhưng không được. Tôi chỉ chụp được cảnh chiếc xe tăng của địch bốc cháy", ông nhớ lại. Khi vừa chụp xong tấm ảnh, khẩu pháo nơi ông nằm bị trúng đạn, 2 chiến sĩ của khẩu đội hy sinh, còn ông may mắn thoát chết. 2 đồng chí, đồng nghiệp của ông đi theo các đơn vị khác đều bị thương nặng. Bức ảnh ông chụp được hôm đó được ông gửi về Báo Quân giải phóng miền Nam và đến tận 6 tháng sau, khi có một đoàn công tác của báo đi qua, gửi biếu ông tờ báo đó, ông mới biết ảnh của mình được đăng. Ông kể: Công việc của một phóng viên ảnh chiến trường khác nhiều so với phóng viên viết. Phóng viên ảnh phải trực tiếp ghi lại những gì đã diễn ra bằng hình ảnh nên điều kiện tác nghiệp vô cùng nguy hiểm. Nếu sợ bom đạn thì không thể có được những bức ảnh chân thật, sống động về cuộc chiến. Ông tâm sự: "Ngày đó làm báo hào hùng, gian khổ lắm. Có những tấm ảnh đánh đổi lấy cả mạng sống của mình...”. Hơn 40 năm trôi qua, ông vẫn không thể nào quên sự hy sinh của một đồng nghiệp. Khi đi theo một đơn vị của ta tiến đánh Lộc Ninh (Bình Phước), để có được hình ảnh quân ta tiến vào giải phóng thị xã, người đồng nghiệp đó đã trèo lên cây cao su để chụp nhưng bị bom đánh trúng bay mất xác, chỉ còn lại chiếc máy ảnh bẹp. Bên cạnh việc đối mặt trực tiếp với mưa bom, bão đạn, nhà báo chiến trường còn phải tác nghiệp trong muôn vàn khó khăn khác. “Để biểu dương một đơn vị, một chiến sĩ có thành tích trong chiến đấu, chúng tôi đều phải đi đến tận nơi. Tôi nhớ, có lần tôi được cử đi xuống đơn vị tác nghiệp một mình. Để đến được đơn vị đó, tôi phải qua sông Đồng Nai. Địa điểm này hay bị địch bắn phá, sông lại có nhiều cá sấu, rắn. Bọc tư trang, phương tiện tác nghiệp vào túi ni-lông, tôi một mình qua sông. Đến nơi, viết bài xong lại một mình quay về. Trong những chuyến công tác như thế, sống chết chỉ trong gang tấc, thậm chí có nhiều trường hợp hy sinh mất xác không ai biết”. Năm 1975, khi chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được cử đi cùng một đơn vị pháo binh. Trên đường đi, ông đã chụp được nhiều bức ảnh quý, có giá trị về công tác chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông chuyển sang làm công tác tuyên huấn của đơn vị. Thời gian làm báo chiến trường tuy không dài, lại tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ông đã có được nhiều tác phẩm có giá trị. Hiện nay, còn nhiều bức ảnh của ông được trưng bày tại phòng truyền thống Sư đoàn 5 và một số bảo tàng cách mạng.

Ông Vũ Cẩn Thận ở xã Tân Phong (Ninh Giang) từng là phóng viên của Báo Quân khu Ba cũng có những kỷ niệm không thể nào quên. Năm 1964, khi ông đang là lính thông tin đóng quân tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) thì đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Cát Bà là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ nhưng vì giao thông khó khăn nên không có phóng viên ra đưa tin về cuộc chiến đấu của quân dân trên đảo. Do sẵn có năng khiếu viết văn lại được sự động viên của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nên ông đã mạnh dạn cầm bút. Ông chịu khó đọc các loại báo, đặc biệt là báo Quân đội nhân dân và báo Quân khu Ba để học cách viết. Tin đầu tiên ông viết về một trận chiến của quân đội trên đảo được gửi cho báo Quân đội Nhân dân, báo Quân khu Ba và cả 2 báo đều đăng. Sau một thời gian đưa tin, phản ánh kịp thời về đời sống, sinh hoạt và những chiến công của quân và dân trên đảo, ông được báo Quân khu Ba đặc cách cử làm “phóng viên thường trú” tại đảo Cát Bà. Khó khăn nhất trong công việc làm báo của ông lúc đó là việc gửi tin, bài về đất liền. Do khó khăn về giao thông, lại bị máy bay Mỹ ném bom nên tàu không ra đảo đều, nhiều khi bài viết xong nửa tháng trời mới gửi được về đất liền. Trong thời gian 6 năm công tác tại đảo, ông cũng đã nhiều lần gặp nguy hiểm đến tính mạng. Có một lần, ông lên cao điểm 145- điểm cao nhất, khó khăn nhất của đảo để viết bài về đời sống của bộ đội tại đây. Khi còn cách cao điểm vài trăm mét, thì máy bay B52 của Mỹ đến đánh phá, ông chỉ kịp nằm xuống thì nghe thấy tiếng nổ rung trời, đất đá bay phủ khắp người. Một quả bom rơi cách chỗ ông nằm chỉ khoảng 30 m. Sau khi chiến tranh phá hoại kết thúc, do yêu cầu công việc, ông được phân công về Báo Quân khu Một và tiếp tục tham gia phản ánh về chiến tranh biên giới năm 1979. Năm 1992, ông xuất ngũ. Từ đó, đến nay, ông là một cộng tác viên tích cực của Đài phát thanh huyện Ninh Giang, Báo Hải Dương, Báo Hải Phòng và Báo Cựu chiến binh.

Để thực hiện bài viết này, tôi đã có dịp gặp gỡ, trao  đổi  với 4 trong số hơn 10 nhà báo chiến trường. Qua lời kể của các nhà báo-chiến sĩ, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về nghề nghiệp của mình. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, phương tiện tác nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ vẫn có được các tác phẩm có giá trị. Ngày nay, lớp phóng viên làm báo trong thời bình như chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn nhiều thì càng cần phải cố gắng trau dồi đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ để phản ánh kịp thời, sâu sắc các sự kiện của đời sống xã hội, xứng đáng với lớp nhà báo đàn anh đi trước.

HẠNH DUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp những nhà báo chiến trường