Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, họ đã cùng đồng đội chiến đấu kiên cường, bắn hạ nhiều máy bay địch.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Văn Phán nay về quê vui thú với ruộng vườn
Chiến đấu hợp đồng, lập công tập thể
Sinh năm 1950, nghe lời kêu gọi của Tổ quốc, đang học dở phổ thông, cậu học sinh Đoàn Văn Phán quê ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 75 của Tỉnh đội Hải Dương. Mong ước được trực tiếp vào chiến trường, ông đã viết đơn gửi lên cấp trên xin vào Nam chiến đấu. Phải qua lá đơn thứ ba, ông mới được chấp thuận. Năm 1969, ông Phán được biên chế về Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, sau 10 tháng huấn luyện gian khổ, ông và đồng đội cũng được thỏa khát vọng Nam tiến. Cũng trong thời kỳ này, do phấn đấu rèn luyện tốt ông đã vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Ở chiến trường, ông được bố trí về tổ hỏa lực trợ chiến 12 ly 7 của đơn vị F21, Sư đoàn 5. Nhiệm vụ chính là yểm trợ bộ binh trong chiến đấu. Khoảng cuối năm1971, khi pháo cao xạ 37 ly lần đầu được chuyển từ Bắc vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, với kinh nghiệm dày dạn, ông được điều về nhận nhiệm vụ ở một khẩu đội pháo cao xạ 37 ly của Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 71, Sư đoàn 75. Loại vũ khí lợi hại này của ta đã khiến quân địch bất ngờ và bị những đòn chí tử.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Phán đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông bảo với các chiến sĩ pháo cao xạ luôn nhớ trong lòng câu "chiến đấu hợp đồng, lập công tập thể".
Nhấp ngụm nước chè như tìm lại ký ức, ông Phán chậm rãi kể: Hôm đó là ngày 11.5.1972, đơn vị pháo cao xạ 37 ly của chúng tôi được lệnh chiến đấu thu hút hỏa lực địch, bảo vệ cho lực lượng bộ binh vây ép, giải phóng thị xã Bình Long (tỉnh Bình Long). Để ngụy trang, trận địa pháo của ta được bố trí ở một bạt rừng lá thấp rậm rạp. Trời vừa hửng sáng, súng của quân ta ở các mũi tiến công đồng loạt nổ ran. Về phía địch, với vũ khí trang bị tối tân và sự phòng ngự kỹ càng, chúng đã nổ súng kháng cự. Chỉ vài phút sau, trên bầu trời từng tốp máy bay địch ào ào bay tới trút bom xuống trận địa ta. Nhận được lệnh khai hỏa, pháo cao xạ của ta hướng lên bầu trời khạc lửa. Bị bất ngờ, máy bay địch cắt bom rồi quay đầu tháo chạy. Thế nhưng, chỉ ít phút máy bay địch lại ào ào xuất hiện.
Chiến đấu đến gần trưa, trận địa pháo của ta bị thiệt hại nặng nề. Các khẩu pháo đều bị hỏng do trúng bom và tên lửa. Ông Phán nhớ lại: "Lúc đó cả trận địa chỉ còn duy nhất một khẩu pháo của tiểu đội tôi. Là chỉ huy, xác định nếu tiếp tục chiến đấu, ta có thể không cầm cự được lâu. Song với quyết tâm cao độ tôi ra lệnh cho anh em bám trụ trận địa quyết đánh địch dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Thống nhất ý chí, sau mỗi đợt bom, anh em trong tiểu đội nhanh chóng củng cố trận địa, bình tĩnh khai hỏa đáp trả từng đợt tấn công của địch. Sau nhiều đợt ném bom song không hạ được trận địa pháo ta, khoảng 3 giờ chiều, địch tổ chức một đợt oanh tạc dữ dội. Đợi khi máy bay địch bổ nhào, tôi ra lệnh khai hỏa. Trong khói bom mịt mù, quan sát lên bầu trời, tôi thấy trong tốp máy bay địch có một chiếc A37 bốc khói. Cùng lúc đó, ở bên mấy cậu lính trong tiểu đội cũng hô to: Máy bay địch cháy rồi. Nhìn chiếc máy bay địch bốc khói và cắm đầu rơi xuống đất, chúng tôi vui không kể xiết".
Sau trận đánh, tiểu đội đã được Bộ Chỉ huy mặt trận biểu dương vì thành tích bám trận địa chiến đấu kiên cường,chia lửa, thu hút hỏa lực địch, bảo vệ an toàn cho lực lượng bộ binh vây ép, giải phóng thị xã.
Trong thời gian chiến đấu ở tỉnh Bình Long, ông Phán còn cùng đồng đội tham gia thêm nhiều trận đánh, lập thêm nhiều chiến công. Đến năm1973, ông được cử đi học rồi về làm giảng viên trường pháo binh khu vực miền Nam. Với những thành tích xuất sắc cùng đồng đội lập được trong chiến đấu, năm 1976, ông Đoàn Văn Phán đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kiện tướng diệt máy bay
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Đài đã từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để kể lại chiến công của mình (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông từng được phong là kiện tướng, dũng sĩ diệt máy bay, thậm chí là người bắn rơi nhiều máy bay "nhất thế giới". Đó chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Đài, hiện ở phố Thi Sách (TP Hải Dương).
Tháng 4.1965, ông Đài nhập ngũ trong một đơn vị đa phần là con em Thủ đô và đã được đặt tên Tiểu đoàn 19.5 Thủ đô. Tháng 10.1965, ông vào Nam chiến đấu, thuộc biên chế của Tiểu đoàn 14 Phòng không, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Lúc đó, do nặng có 43 kg nên ông Đài chỉ được vào tiểu đội lắp đạn. Sau được chuyển xuống phụ bếp giúp bộ phận nuôi quân vì ông nấu cơm rất ngon. Ông sẽ là sĩ quan hậu cần đến ngày rời quân ngũ nếu không xảy ra sự cố ở trận đánh trên đồi Việt An (Quảng Nam) ngày hôm ấy.
Ông Đài kể: “Sau khi bố trí trận địa chu đáo, anh em chúng tôi hồi hộp chờ máy bay địch. Chỉ vài phút sau, từ xa trên bầu trời từng tốp máy bay địch ào ào tiến vào, rồi tiếng súng của quân ta rền vang cả bầu trời. Nhưng không hiểu sao chỉ được một lúc thì tiếng súng lại im bặt. Đang lấy làm lạ thì tiếng đồng chí Chính trị viên phó Đại đội quát lớn: “Có khi hết đạn rồi. Đồng chí lên tiếp đạn cho anh em ngay”. Thế là nhanh thoăn thoắt, tôi khoác khẩu súng K44, hai tay hai hòm đạn lom khom chạy ra trận địa. Gần đến nơi, thấy máy bay sà xuống thung lũng định ném bom, tôi liền nằm ngửa ra bãi cỏ, lấy hai hòm đạn chèn đầu, giương khẩu K44 nhằm vào chiếc phản lực bắn".
Sau hành động ấy, anh lính Vũ Xuân Đài chính thức được làm xạ thủ và vào Quảng Ngãi chiến đấu. Ngày 4.3.1967, cũng là trận đầu tiên chiến sĩ Vũ Xuân Đài được trực tiếp tham gia chiến đấu. Tại xã Phú Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), trong nhiều ngày, máy bay giặc điên cuồng trút bom và thả nhiều quân lính vào đây nhằm tiêu diệt bộ đội ta. “Nhưng đâu có dễ thế. Trận đó, bộ đội ta chiến đấu ngoan cường lắm. Riêng tôi bắn rơi 4 máy bay”, ông Đài cười tươi và nói.
Chiến công đầu tiên của xạ thủ Vũ Xuân Đài đã làm nức lòng quân dân khu 5. Bản tin của sư đoàn biểu dương ông và phong ông là “con chim đầu đàn”. Cũng từ đây bí quyết bắn máy bay đã được ông truyền lại cho nhiều chiến sĩ khác. Trong thời gian chiến đấu từ năm 1965-1969, xạ thủ Vũ Xuân Đài đã tham gia chiến đấu 30trận và cùng đồng đội bắn hạ 37 máy bay của địch, trong đó có các loại như CH47, HU1A, HU1B, CH06… Ông Đài nhớ nhất là trận tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Khi đó, ông và đồng đội đã bắn cháy chiếc máy bay C47 chở 56 sĩ quan cao cấp và binh lính của địch, trong đó có viên Tỉnh trưởng Quảng Nam nổi tiếng hung ác. Trong trận chiến đấu ngày 17. 9.1967, tại xã Bình Trị, huyện Thanh Bình (Quảng Nam), chỉ với 9 viên đạn, ông đã diệt gọn cả tốp 3chiếc máy bay HU1A. Danh tiếng của anh hùng diệt máy bay Vũ Xuân Đài nổi như cồn khắp các chiến trường.
Năm 1969, vừa tròn 22 tuổi, xạ thủ Vũ Xuân Đài đã làm Đại đội trưởng. Trong một trận đánh tháng 9.1969 ông bị thương nặng, không thể tiếp tục tham gia chiến đấu và được ra Bắc để điều trị. Sự nghiệp diệt máy bay của xạ thủ Vũ Xuân Đài cũng dừng lại ở đó.
Năm 1972, ông Đài về công tác tại Bệnh viện Quân y 7 (TP Hải Dương). Năm 1979, “kiện tướng diệt máy bay” được phục viên. Ngày 20.12.1994, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
“Tôi chỉ mong trước khi sang thế giới bên kia được truyền lại bí kíp diệt máy bay cho bộ đội và du kích của ta. Để hễ nếu đất nước bị xâm lăng có cách chiến đấu bảo vệ Tổ quốc", ông Đài tâm sự.
NGỌC HÙNG - LAN ANH